Góc nhìn báo chí về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Xã hội 19/06/2019 10:58

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt - Nam (21/6/1925 - 21/6/2019) và hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019), sáng ngày 19/06/2019, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi ra mắt cuốn sách: “CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (1979 - 1989) – GÓC NHÌN BÁO CHÍ”.

unnamed (2)

Chủ trì buổi gặp gỡ báo chí có TS.LS.Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và TS. Lê Quang Long (đồng chú biên); Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà văn Đặng Vương Hưng; Đại tá, Cựu chiến binh, Nhà báo Ngô Văn Học, Nguyên Tổng biên tập Báo Quân khu 1.

Những ngày này cách đây 40 năm trước, cả nước ta đang sục sôi không khí chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược với sự huy động tới hơn 600.000 quân, với 9 quân đoàn chủ lực, 32 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh phòng không, với 2.559 khẩu pháo, dàn phóng tiễn… đồng loạt tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta…

“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới… Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương” (Lời ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên)

Dù đơn phương khai chiến ngày 17/2/1979, nhưng Trung Quốc cũng nhanh chóng thua cuộc và phải tuyên bố rút quân từ ngày 5/3 đến 18/3. Tính đến ngày đó, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt 62.500 tên địch, bắt sống 260 tù binh, đánh thiệt hại nặng 9 quân đoàn chủ lực, bắn cháy 280 xe tăng, thiết giáp và 270 xe quân sự, phá hủy 115 khẩu pháo, cối và dàn hỏa tiễn (Nguồn: Tổng cục Chí nh trị Quân đội Nhân dân Việt Nam). Về phía Việt Nam, thiệt hại cũng rất nặng nề, chỉ tính riêng cuộc chiến kéo dài một tháng này đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt – Trung, hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, hơn 400.000 gia súc bị giết, một nửa trong số 3,5 triệu dân ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa và tài sản… (Nguồn: Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng).

40 năm qua kể từ ngày bùng nổ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam (1979 - 2019), vì nhiều lý do mà sự kiện bi hùng đó không được trình bày một cách đầy đủ trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông, trong những công trình nghiên cứu và cả trên nhiều phương tiện truyền thông, báo chí quốc gia. Gần nửa thế kỷ qua, cả Trung Quốc và Việt Nam dường như không muốn nhắc đến cuộc chiến này. Về phía Trung Quốc, đây là điều dễ hiểu vì xét về mặt quân sự thì đó là một thất bại nặng nề của họ. Xét về phương diện ngoại giao, duy nhất chỉ có “Campuchia dân chủ” (chính quyền Pol Pot) ủng hộ, còn lại phần đa các nước trên thế giới phản đối hoặc biểu thị thái độ không đồng tình, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay cuộc chiến. Trung Quốc không muốn nhắc lại lịch sử khi có quá nhiều điều bất lợi.

Về phía Việt Nam, việc hạn chế nhắc đến cuộc chiến này (trong các bộ sử, chương trình sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học và những ngày kỷ niệm...) có thể hiểu là Việt Nam tránh gây căng thẳng với Trung Quốc và việc “xới” lại các vấn đề lịch sử đôi khi cũng tạo ra những mâu thuẫn với những nước đã từng xung đột trong quá khứ. Cũng có thể hiểu đây là sự thể hiện thiện chí của Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991.

Tuy nhiên, 40 năm cũng là một thời gian đủ dài để 2 bên có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ, chân thực để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại. Dù nhìn bất cứ góc độ nào thì cuộc tấn công của 60 vạn quân Trung Quốc là một cuộc chiến tranh xâm lược và gây cho Việt Nam sự tổn thất to lớn về người và của. Với bản chất cốt lõi đó, đây là một sự kiện quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc, các chương trình sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác. Cuối năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Công văn hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền cho các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử sẽ tổ chức trong năm 2019, trong đó có sự kiện cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Ngày 15/2/2019, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo TW, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội phối hợp với Viện Sử học đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - 40 năm nhìn lại”. Hội thảo này nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, dũng cảm hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

Trong nhiều tài liệu và sách giáo khoa Lịch sử phổ thông khi nói đến cuộc chiến nay chỉ giới hạn thời gian Trung Quốc tấn công ngày 17/2/1979 đến thời gian họ tuyên bố hoàn thành việc rút quân vào ngày 18/3/1979. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải kết thúc trong tháng 3 năm 1979, mà còn kéo dài tới hơn 10 năm sau. Đã có hàng trăm ngàn người lính nhập ngũ và lên biên giới trong những năm tháng đó. Hàng chục ngàn người đã hy sinh và bị thương tích suốt đời, chỉ riêng Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã có tới hơn 5.000 người lính hy sinh.

Điều đáng buồn là đã 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, nhưng hàng ngàn liệt sĩ của chúng ta vẫn chưa quy tập được hài cốt. Và cũng vì nhiều lý do, mà hàng trăm ngàn cựu chiến binh của cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc của Tổ quốc vẫn chưa được xã hội quan tâm, chăm sóc đúng mức.

Tháng 01/2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phối hợp với nhóm cựu chiến binh Quân đoàn 14 tuyển chọn, biên soạn, ấn hành và tổ chức giới thiệu cuốn sách “Những người đi giữ biên cương”, đã gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội. Nhiều báo chí đã có bài viết biểu dương tác phẩm và nhóm tác giả. Đặc biệt, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, kênh Truyền hình An ninh, Truyền hình Nhân dân và Đài VOV2 đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền cho tác phẩm. Tuy nhiên, xét về thể loại và thời gian, cuốn sách “Những người đi giữ biên cương” chỉ giới hạn một số tác phẩm theo thể loại văn học (văn, thơ và kịch), đã xuất bản trong giai đoạn 1979 - 1989 và xét về không gian, thì nội dung chỉ phản ánh trong địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Tháng 2 năm 2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Thương hiệu Gốm sứ tâm linh NASON tổ chức buổi “Gặp mặt đồng đội”, với nhiều nhân chứng là cựu chiến binh đến từ 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh… Tại buổi gặp mặt cảm động và thiêng liêng này, Ban tổ chức đã thống nhất đề xuất: Chúng ta đã có “Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên”, “Huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị”, “Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa”... thì tại sao lại không có “Huy hiệu Chiến sĩ bảo vệ biên giới” (hoặc “Chiến sĩ bảo vệ Biên cương”) để tặng cho hàng trăm ngàn cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới của Tổ quốc và các thế hệ “Những người đi giữ biên cương” sau này?

Cũng ngay sau buổi “Gặp mặt đồng đội” ấn tượng nêu trên, với sự chứng kiến của hơn 30 cơ quan báo chí và truyền thông, theo đề xuất của các cựu chiến binh, ý tưởng về tập sách CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (1979 – 1989) GÓC NHÌN BÁO CHÍ đã được chúng tôi hình thành và gấp rút triển khai. Nhóm biên soạn gồm: TS. Đồng Xuân Thụ và TS. Lê Quang Long (đồng chủ biên), Đại tá cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, TS cựu chiến binh Trần Quang Đạo, ThS Trần Trung Hiếu, Đại tá cựu chiến binh Ngô Văn Học, Đại tá cựu chiến binh Lưu Ba, cựu chiến binh, nhà báo Hà Phương Thiện, Nhà báo Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nhà báo Bùi Huyền.

Khác với “Những người đi giữ biên cương”, “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989) - Góc nhìn báo chí” sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, dưới nhiều góc độ khác nhau của những cây bút có nghề, đến từ nhiều cơ quan báo chí uy tín với bạn đọc. Thời gian trong cuốn sách, cũng không chỉ giới hạn trong 10 năm (1979 - 1989), mà đã có cái nhìn khách quan hơn, bởi độ lùi xa của thời gian và sự trung thực của lịch sử, sau hơn 30 năm kết thúc cuộc chiến. Xét về không gian phản ánh trong các tác phẩm, cuốn sách cũng không chỉ giới hạn trong mặt trận Lạng Sơn, mà cả 6 tỉnh biên giới phía Bắc; thậm chí là địa bàn trong cả nước và vấn đề quan hệ quốc tế, liên quan đến cuộc chiến này.

unnamed (1)

Những tác phẩm báo chí mà chúng tôi tuyển chọn đưa vào cuốn sách này không chỉ có con số, hay thông tin tổng hợp về nhân vật, sự kiện xung quanh cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (1979 - 1989) mà hầu hết đều có “vấn đề” của lịch sử. Ở một số bài viết, các tác giả đồng thời cũng là những nhà nghiên cứu đã cung cấp cho bạn đọc những “góc khuất” của sự kiện, đằng sau số phận nhân vật và những nội dung mang tính “thâm cung bí sử” của thế giới, giải mã những bí ẩn của lịch sử.

Với tinh thần tôn trọng lịch sử, khoa học và khách quan; nhóm biên soạn đã cố gắng trung thành tối đa với văn bản gốc của mỗi bài viết, văn phong báo chí của từng tác giả và đều có dẫn nguồn cụ thể. Bài không chỉ có nội dung chữ, mà còn được trình bày kèm ảnh minh họa với nhân vật và sự kiện cụ thể. Tuy nhiên, vì thời gian sưu tầm và tổng hợp rất gấp, nên chắc chắn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. (Ví dụ, nội dung vấn đề, thông tin trong một số bài báo đứng riêng thì không sao, nhưng khi đưa vào sách có thể bị trùng lặp, số liệu có thể chưa đầy đủ và thống nhất. Ở một số ít bài viết, quan điểm là của riêng tác giả, không phải đại diện cho cơ quan báo chí truyền thông đã đăng tải)… Vì thế, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và góp ý xây dựng, để khi có điều kiện tái bản, cuốn sách sẽ phục vụ độc giả tốt hơn.

Cuốn sách không nhằm mục đích kinh doanh, không bán, mà chỉ góp phần tri ân với các đồng đội cựu chiến binh đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và làm quà tặng cho thân nhân các gia đình thương binh – liệt sỹ đã hy sinh tuổi thanh xuân và xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận