Gỡ "nút thắt" để vận tải đường sắt "bứt phá" thành công

Tác giả: NHỊ HÀ

saosaosaosaosao
Thị trường 22/03/2017 05:55

Những năm gần đây, ngành Đường sắt đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm cải thiện hình ảnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, song vẫn không đủ sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Những “nút thắt” về hạ tầng, thu hút hành khách và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa đang là bài toán khó, là lực cản kìm hãm đường sắt tăng tốc, phát triển.

Ảnh 3
ĐSVN rất chú trọng việc làm thế nào để giữ được chất lượng dịch vụ hành khách bằng phương tiện vận tải đường sắt

NHỮNG “CÁI KHÓ BÓ CÁI KHÔN”

Năm 2016 tiếp tục là năm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc ĐSVN cho biết: Năm 2016, sản lượng toàn Ngành đạt 7.975 tỷ đồng (bằng 87,7% so với cùng kỳ); doanh thu 8.338 tỷ đồng (bằng 88,8% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do đường sắt vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình vận tải khác, cùng với đó là sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) và tình hình bão lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung khiến nhiều thời điểm hoạt động vận tải đường sắt bị gián đoạn, ách tắc nghiêm trọng. Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2016 rất hạn hẹp nên các dự án mới chưa được triển khai đồng bộ.

Ông Trần Thế Hùng - Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh (Tổng công ty ĐSVN) thừa nhận, sản lượng vận tải hành khách của ngành Đường sắt đang có xu hướng giảm, trong đó ở cả cự ly 300 - 500km vốn là cự ly ưu thế của vận tải đường sắt. Nguyên nhân được xác định là trong những năm vừa qua, nền kinh tế của đất nước phát triển, trong đó sự đầu tư của Nhà nước và xã hội cho hạ tầng GTVT đường bộ tăng rất mạnh, qua đó có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp cho nhu cầu đi lại của người dân...

Một “nút thắt” khác là trong năm vừa qua, ngành ĐSVN phải loay hoay với bài toán cạnh tranh để phát triển, trong khi nguồn vốn đầu tư cho Ngành luôn ở mức thấp. Tỷ trọng vốn đầu tư cho đường sắt giai đoạn 2011 - 2015 chỉ chiếm 2,3% so với toàn ngành GTVT. Các nguồn vốn đầu tư chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có, vốn đầu tư phát triển các tuyến mới rất ít. Quy mô đầu tư nhỏ, đan xen, không có tác dụng làm thay đổi đồng bộ kết cấu hạ tầng của ĐSVN, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả chạy tàu và khai thác vận tải hành khách cũng như hàng hóa.

Trong khi đó, năm 2017 ngành Đường sắt đề ra mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế đạt 138 tỷ đồng, đồng thời thực hiện kiềm chế và giảm dần TNGT đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2016 từ 5 - 7% ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng và 7% sự cố chạy tàu do chủ quan.

GỠ “NÚT THẮT”

Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Hoạch, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cũng như ĐSVN phải làm thế nào để giữ được chất lượng dịch vụ hành khách bằng phương tiện vận tải đường sắt như nâng cấp nhà ga, ke ga, mái che và hệ thống bán vé điện tử cũng như dịch vụ liên quan khác trên tàu. Tuy nhiên, phải thừa nhận khả năng cạnh tranh của đường sắt về giá vé và thời gian đi tàu vẫn còn hạn chế, cần tiếp tục phấn đấu để thu hút hành khách trở lại.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải hành khách, hàng hóa, tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; điều hành vận tải theo đúng biểu đồ chạy tàu; tìm kiếm các đối tác để khai thác và tận dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt tại các ga lớn, trọng điểm về vận tải...; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống đèn chiếu sáng tại các nhà ga; nâng cao chất lượng phục vụ theo phương châm kinh doanh “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả”.

Thời gian tới, ĐSVN sẽ triển khai tích cực thực hiện các dự án nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó có tuyến đường sắt Thống Nhất (Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh) để tổ chức chạy tàu từ 19 - 20 đôi tàu/ngày đêm, rút ngắn thời gian chạy tàu từ 26 - 28 tiếng (hiện nay chạy trên 30 tiếng), tổ chức các đoàn tàu khách phải đúng giờ (phấn đầu tỷ lệ đến đúng giờ trên 95% trở lên)… Mặt khác, các công ty vận tải cùng VNR quan tâm đến lĩnh vực phát huy thế mạnh của vận tải đường sắt phục vụ hành khách cự ly 300 - 500km là cự ly tối ưu cho sử dụng phương tiện vận tải đường sắt hiện nay, nhằm cáng đáng rất lớn nhu cầu đi lại của nhân dân và tháo gỡ ách tắc lưu thông trên tuyến vào các ngày cao điểm.

1
Chất lượng, tiện ích nhiều đoàn tàu đã được nâng cấp, đổi mới

PHẢI ĐỦ SỨC CẠNH TRANH

Để kéo hành khách quay trở lại với đường sắt, ông Hoạch cam kết rằng: Chúng tôi đã thay đổi tư duy đợi khách hàng đến ga để thương thảo hợp đồng, mà thay vào đó là thu hút khách hàng tại các chân hàng, tổ chức chạy tàu khách hợp lý, khai thác lợi thế tại các tuyến mà các phương tiện vận tải khác khó tiếp cận; đổi mới công tác bán vé; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án bán vé phù hợp với luồng hành khách, sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống bán vé điện tử; tăng cường công tác kiểm tra vận tải, có những biện pháp đồng bộ để đi đến chấm dứt tình trạng bao khách, bao hàng…”.

“Riêng đối với các đơn vị vận chuyển hàng hóa tại đường sắt chuyên dùng, Tổng công ty sẵn sàng làm đầu mối để đơn giản, giảm thiểu thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng trong việc khai thác đường nhánh; ưu tiên cho các khách hàng thuê kho bãi tại các ga để lưu giữ hàng hóa”, ông Hoạch thông tin.

Chia sẻ về hướng phát triển trong năm 2017, phía ĐSVN cho rằng, về lâu dài Nhà nước cần chú trọng đầu tư, nâng cấp cải tạo hệ thống đường sắt vốn rất lạc hậu, trong đó có việc làm thế nào để huy động nguồn lực để đầu tư và Tổng công ty đang tích cực tham gia với các cơ quan nhà nước để sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đảm bảo cho phát triển hiện đại mới đủ sức cạnh tranh.

Ý kiến của bạn

Bình luận