Giữ vững đạo lý "tôn sư trọng đạo"

Tác giả: MInh Khánh

saosaosaosaosao
Xã hội 20/11/2018 06:31

Từ lâu, nghề dạy học đã được xã hội tôn vinh, nhân dân quý trọng. Thầy, cô như những người ươm mầm, chắt chiu những gì tốt đẹp nhất cho biết bao thế hệ học trò. Nhưng trong đời sống xã hội ngày nay, khi những tác động của nền kinh tế thị trường vào mọi lĩnh vực, trong đó có môi trường giáo dục thì có những giá trị đạo đức có nguy cơ bị phá vỡ.

 

thay giao 4
 

Tôn sư trọng đạo - nét đẹp văn hóa dân tộc

Người xưa từng nói: “Không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo”. Quả vậy, nghề nhà giáo thật thanh tao và giản dị vì thầy cô giáo không chỉ đơn thuần dạy học sinh làm người qua con chữ mà phải đưa các em đến gần với giá trị chân - thiện - mỹ bằng chính nhân cách sống của mình.

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học và “tôn sư trọng đạo” - truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển, người giáo viên vẫn luôn được nhân dân yêu mến và ca ngợi. Từ xưa đến nay, trong dân gian ai cũng thuộc câu: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... Khi công thành danh toại, người ta cũng nhắc nhau: “Mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”.

Ngày xưa, thầy là một trong những người duy nhất có khối kiến thức rộng lớn truyền dạy cho các thế hệ sau. Hình ảnh người thầy cầm roi, có vẻ mặt cương nghị, nghiêm khắc luôn khiến nhiều học trò vừa sợ, vừa kính trọng. Người thầy là biểu tượng cao đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc về tình cảm giữa thầy và trò; là tượng trưng của đức hy sinh; sự cống hiến không ngừng nghỉ. Hạnh phúc và thành công của người thầy cũng được đo lường từ thành công qua các thế hệ học trò của họ.

Vai trò người giáo viên ngày nay không hề giảm đi mà còn mang một trọng trách nặng nề hơn, có tác động sâu rộng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi lẽ, trong mọi lĩnh vực đều cần có thầy, người đào tạo, người huấn luyện chuyên nghiệp. Sự hướng dẫn của người thầy rất quan trọng, đó là những định hướng ban đầu và là cơ sở nối tiếp cho những bước tiến tiếp theo trong quá trình học tập và rèn luyện. Người học có thể tự học, nhưng cần có sự hướng dẫn thì việc học mới đạt hiệu quả cao.

Không để đạo thầy bị vấy bẩn

Thực tế ngày nay, nói truyền chữ, dạy người thực ra là một cách nói cho vần, ta vẫn phải đặt việc “dạy lễ” lên hàng đầu trong các trường học. Để việc “dạy lễ” có thể “thẩm thấu” tới học sinh, thầy cô giáo trước hết phải là một tấm gương sáng về lễ, đạo đức phải chuẩn mực, ngôn phong phải sư phạm, tư cách phải minh bạch. Không thể chấp nhận cho người thầy yêu cầu học sinh lễ phép với mình, khi mình cứ tùy tiện xưng hô “mày - tao, tao - chúng mày” với học trò, với những đại từ nhân xưng khó nghe và không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục như thế. Càng không thể có những người thầy yêu cầu các em giữ vệ sinh chung, hòa nhã, thương yêu với bạn bè bằng cách đưa đến cho các em một hình ảnh trái ngược từ chính những hành vi của bản thân mình. Thầy phải ra thầy thì trò mới có thể ra trò, đạo lý này tưởng đơn giản nhưng không hề dễ dàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khi mà “người khôn của khó” thì nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan tới giáo dục, liên quan tới thầy cô giáo cũng được nảy sinh. Vẫn biết thầy cô cũng là con người, không phải là thánh sống; vẫn biết “có thực mới vực được đạo” nhưng chúng ta cũng không khỏi đau lòng trước sự tha hóa của không ít người mang trên mình danh nghĩa “nhà giáo”. Một số giáo viên bị đồng tiền làm cho mờ mắt, lợi dụng công việc thu lợi bất chính khiến cho hai từ “thầy giáo” bị vấy bẩn.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã phanh phui không ít tiêu cực trong nghề giáo liên quan tới vấn đề này. Đó là câu chuyện giáo viên “buộc” các em học sinh phải “tự nguyện” học thêm, nếu không thì sẽ trù dập, cho điểm kém...; đó là vụ việc hiệu trưởng “gợi ý” các giáo viên nộp tiền “chống trượt” khi thi lấy bằng lái xe; đó là vấn đề ăn chặn, ăn bớt tiền ăn trưa của học sinh để đút túi cá nhân…

Những áp lực mà các thầy cô giáo hôm nay đang phải đối mặt là không nhỏ khi họ gánh trên vai trách nhiệm cao cả của người gieo mầm tri thức. Giữ đúng chuẩn mực đạo làm thầy luôn là cái đích của giá trị, của niềm tin và sự trân quý

Ý kiến của bạn

Bình luận