Giật mình nhà hàng, gara ôtô đua nhau chiếm dụng gầm cầu Thăng Long

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 16/03/2021 09:40

Cả khu gầm cầu Thăng Long và cầu vượt đường sắt (xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) đang mọc lên hàng chục công trình kiên cố kinh doanh dịch vụ. Vi phạm diễn ra công khai mà không bị bất cứ đơn vị chức năng nào ngăn chặn, xử lý.

DSC08116

Hàng chục nghìn m2 đất gầm cầu Thăng Long (đoạn đi qua xã Hải Bối) đang bị "xẻ thịt" làm nhà hàng, quán karaoke, nhà xưởng... trái phép

Là công trình giao thông huyết mạch nối TP. Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và các tỉnh phía Bắc, cầu Thăng Long hiện có hàng trăm nghìn m2 đất gầm cầu thuộc địa bàn xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Tại đây hàng ngàn m2 đất đang bị “xẻ thịt” làm nơi kinh doanh dịch vụ, chợ cóc, điểm trông giữ xe kéo dài nhiều năm qua.

Ghi nhận thực tế trong nhiều ngày đầu tháng 3/2021 cho thấy, phần lớn diện tích từ trụ B7 – B9 của cầu Thăng Long bị một cơ sở đổ bêtông, quây tôn kín mít thành khu vực buôn bán đồ cũ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Không chỉ bị tận dụng làm bãi gửi xe, xây dựng nhà kiên cố, hiện đang có hàng nghìn m2 dưới cây cầu dành cho xe ôtô đang cho Công ty CP công nghiệp Th.H. thuê làm địa điểm tập kết máy cơ giới, bán vật liệu xây dựng và cả trông giữ xe ôm sát dãy trụ cầu, gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng theo quy định tại Thông tư số 35 của Bộ Giao thông Vận tải. Sau phần diện tích Công ty CP công nghiệp Th.H. đang sử dụng, nhiều hộ dân còn tiến hành xây dựng nhà ở kiên cố, hoặc làm nơi trang trại, nhà vườn trong suốt nhiều năm mà không bị xử lý.

Tương tự, cạnh chợ đầu mối Bắc Thăng Long (xã Hải Bối), dưới gầm cầu vượt đường sắt di chuyển từ đường Phạm Văn Đồng đi Nội Bài có hàng chục nghìn m2 đất đã được san lấp bằng phẳng, dựng hàng rào sắt làm nhà hàng, quán ăn, tụ điểm kinh doanh giải trí Karaoke, quán bar, gara ô tô, nơi trông giữ ôtô - xe máy mà không ghi rõ đơn vị nào cấp phép.

Qua tìm hiểu, được biết Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái (trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) – là  đơn vị được giao quản lý phần diện tích dưới gầm cầu Thăng Long và toàn bộ hành lang đường sắt tuyến Hà Nội – Thái Nguyên.

Xác nhận với PV, một lãnh đạo UBND xã Hải Bối (H.Đông Anh) cho biết, hiện khu vực gầm cầu Thăng Long và gầm cầu vượt đường sắt chạy qua địa bàn Hải Bối có tất cả 38 điểm vi phạm trên hành lang ATGT. Chính quyền xã Hải Bối đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm và bàn giao mặt bằng lại cho đơn vị quản lý gầm cầu là Công ty CP Đường sắt Hà Thái nhưng do phía Công ty buông lỏng quản lý nên vi phạm liên tục tái diễn. "Với chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, xã đã làm hết sức mình nhưng phía Công ty CP Đường sắt Hà Thái là đơn vị quản lý trực tiếp mà buông lỏng thì chính quyền địa phương cũng bất lực", vị này cho biết thêm.

Cũng theo UBND xã Hải Bối, từ tháng 8 đến tháng 10/2018, đơn vị này đã lập và bàn giao cho Công ty CP Đường sắt Hà Thái 18 biên bản vi phạm hành lang ATGT tại khu vực gầm cầu Thăng Long và cầu vượt đường sắt. Tất cả các biên bản nói trên đều thể hiện: Tổ công tác đã giải tỏa hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn xã Hải Bối. Hai bên thống nhất bàn giao diện tích (đã giải tỏa), Công ty CP Đường sắt Hà Thái có trách nhiệm quản lý không để các hộ dân tái vi phạm...

Về phía Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái cũng thừa nhận, tình trạng lấn chiếm gầm cầu diễn ra rất phức tạp từ nhiều năm nay.

Mặc dù, Công ty đã nhiều lần ra quân giải tỏa khu vực gầm cầu Thăng Long, nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Cao điểm giải tỏa tình trạng lấn chiếm khu vực gầm cầu Thăng Long được thực hiện vào năm 2011 và 2014, tuy nhiên, ngay sau đó người dân lại tái lấn chiếm. Thậm chí còn phá nhiều hàng rào bằng sắt kiên cố để tập kết hàng hóa.

Theo Thông tư số 35 của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/12/2017, các tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Như vậy, rõ ràng việc tự ý lấn chiếm gầm cầu Thăng Long với mục đích riêng là hoàn toàn trái với quy định của Nhà nước - đó là chưa kể đến những hành vi kể trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Và giả sử nếu điều đó xảy ra, thiệt hại sẽ rất khó lường?! Vì vậy, ngành chức năng hãy nhanh chóng vào cuộc một cách quyết liệt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đừng để tái diễn câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”?

Dưới đây là hình ảnh gầm cầu Thăng Long, cầu vượt đường sắt Hải Bối bị “xẻ thịt” do PV Tạp chí GTVT ghi lại vào đầu tháng 3/2021.

DSC08107
 
DSC08114
 
DSC08117
 
DSC08111
 
DSC08112
 
DSC08092
 
DSC08100
 
DSC08091
 
DSC08090
 
DSC08119
 
DSC08106
 
DSC08097
 
DSC08102
 
DSC08098
 
DSC08094
 
DSC08087
 

 Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ý kiến của bạn

Bình luận