Giao thừa không ngủ trên những nẻo đường

Xã hội 29/01/2017 09:55

Để phục vụ người dân đi lại an toàn trong dịp Tết, những người lái tàu, phi công hay nhân viên phục vụ thường có những đêm giao thừa xa gia đình và không ngủ để làm nhiệm vụ. Cùng chia sẻ tâm sự của những người đang ngày ngày góp phần đảm bảo giao thông an toàn thông suốt.

 

Giao thừa không ngủ trên những nẻo đườn
Giao thừa không ngủ trên những nẻo đường

Anh Nguyễn Đức Ngọc Minh, đội trưởng đội tàu bay A350, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines): “Nhớ mãi kỷ niệm cất cánh đúng thời khắc giao thừa” 

Tôi bắt đầu bay từ cuối năm 1996 và tới nay đã có hơn 20 năm làm nghề nhưng đón giao thừa trên bầu trời thì có 4 năm trong đó 2 năm chào năm mới trên bầu trời Việt Nam còn lại ở giữa trời nước ngoài. Cảm giác khi giao thừa đến cũng khó tả và có chút xao xuyến vì đáng nhẽ được sum vầy với gia đình, chúc Tết người lớn tuổi, lì xì con trẻ đầu năm nhưng mình lại phải đi làm. Tuy nhiên, cảm giác đó chỉ thoáng qua vì phải tập trung vào công việc. Chúng tôi không được sao nhãng vì đằng sau lưng là hơn 300 hành khách và phi hành đoàn, tài sản nhà nước một chiếc máy bay gần 300 triệu USD. Dù không được đón giao thừa cùng gia đình nhưng chúng tôi luôn cảm thấy vui vì góp sức cùng anh chị em khác trong toàn hệ thống làm cầu nối, đưa hành khách về quê ăn Tết sum họp gia đình hay du lịch đầu xuân. 

Gia đình tôi cũng đã quen với sự vắng mặt của tôi trong dịp Tết bởi khi lấy nhau vợ tôi đã phải xác định nghề này phải xa nhà thường xuyên và cao điểm Tết thì bao giờ cũng tăng cường, năm nào cũng như năm nào “đều như vắt chanh” đều phải bay Tết. Vào nghề này rồi thì không có lễ Tết gì cả, chấp nhận hi sinh thôi.

Kỷ niệm đặc biệt nhất khi trực Tết là lần cất cánh đúng vào thời khắc giao thừa ở TP HCM và tôi được nhìn toàn cảnh thành phố lúc đó, đúng lúc bắn pháo hoa. Khi ấy chúng tôi được nhìn toàn cảnh thành phố có tới 5-6 điểm bắn pháo hoa cùng lúc rất đẹp mắt, cảnh tượng đó rất ấn tượng. Còn 1 kỷ niệm nữa là vào mùng 1 Tết khi đang bay từ nước ngoài về Việt Nam, trong chuyến bay, tiếp viên lên báo là có một bác nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng nhắn là muốn lì xì đầu năm cho phi hành đoàn. Chúng tôi rất ngạc nhiên đến lúc tranh thủ xuống chào bác nhận ra là đã từng lái chuyên cơ chở bác đi nước ngoài và bác lì xì cả phi hành đoàn. Chúng tôi rất cảm động và vui khi gặp bác hôm đó. Năm nay may mắn không trực giao thừa vì 29 Tết tôi bay từ Pháp về đến nơi nhưng sáng mùng 1, 2 bay quốc nội. Giao thừa không bay nhưng là lãnh đạo đội bay nên tôi sẽ vào chúc tết anh em đi làm nhiệm vụ đêm giao thừa.

Anh Lê Mai Hương, lái tàu hoả ở Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội: “Giao thừa đến là thấy nhớ nhà”

Tôi làm lái tàu 16 năm và có 5 đêm giao thừa đi làm nhiệm vụ. Giao thừa đến thì cũng nhớ nhà. Có năm giao thừa trên tàu, có năm ở ga khi tàu tạm dừng tại các ga lớn như Đà Nẵng trong vài tiếng. Trong tổ lái chỉ có 2 người 1 chính, 1 phụ nên anh em vừa lái vừa đón giao thừa, khi nào hết ca mới được liên hoan. Trong buồng máy thì chẳng có ai, chỉ có mấy anh em đi làm cùng nhau nên giao thừa chẳng có bánh kẹo gì. Sau khi giao thừa nếu được nghỉ về mặt đất thì anh em mới tranh thủ ngồi giao lưu với nhau hoặc về với gia đình.

Nghề đường sắt khô khan lắm, đi làm cũng là chuyện bình thường vì là nghề phục vụ mà nên mọi thứ cũng quen rồi. Gia đình tôi xác định năm nào cũng phải đi, không đi ngày nọ thì đi ngày kia, không giao thừa thì cũng mùng 1 lên đường. Vợ tôi làm giáo viên, mỗi khi Tết đến có lịch trực là phải “đàm phán” với vợ con, ông bà để yên tâm lên đường. Còn anh em trong tổ thì phân chia nhau bốc thăm để công bằng.

Chị Lê Thị Việt Hà, Đội trưởng đội an ninh soi chiếu Quốc nội- Trung tâm an ninh hàng không nội bài- Cảng hàng không quốc tế Nội Bài: “Hơn 20 năm chưa được đón giao thừa cùng mẹ” 

Mình đi làm gần 20 năm rồi chẳng nhớ đã trực tết bao nhiêu năm vì gần như Tết là trực nên cứ nhắc tới Tết đều cảm thấy có chút nghẹn ngào. Mình là con liệt sĩ, chỉ còn mẹ lại lấy chồng xa rồi có duyên với nghề này nên hơn 20 năm rồi chưa có giao thừa nào với mẹ và các em chỉ biết tranh thủ về thăm bà trước hoặc sau Tết khi hết cao điểm. Có những lúc ước có cái tết được về bên mẹ như ngày bé, được Mẹ chúc tết và lì xì đúng thời khắc giao thừa nhưng rất khó vì tết là mùa cao điểm của ngành nên chỉ có thể về nhà với chồng con và gia đình chồng.

Dù bận tăng cường cao điểm Tết nhưng là phụ nữ, mình vẫn phải tranh thủ mua sắm lo tết cho gia đình và rất may là có hậu phương vững chắc, có chồng đảm đang nên yên tâm, chồng làm cùng ngành nên cũng thấu hiểu và chia sẻ. Còn bố mẹ chồng cũng hiểu đó là đặc thù công việc, nên rất thông cảm. 

Trong nhiều năm trực tết, nhớ nhất có lẽ là năm đầu tiên trực giao thừa năm 1990, mình rất ấn tượng và bất ngờ khi được một người khách nước ngoài chúc Tết bằng tiếng Việt. Vào đúng giao thừa, ông ấy tới quầy soi chiếu và nói “Chúc mừng năm mới, chúc mọi sự như ý” rồi lì xì bằng tiền Việt.

Ý kiến của bạn

Bình luận