Giáo dục ATGT: Cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
29/09/2016 06:02

Trong những năm qua, giáo dục ATGT trong nhà trường là vấn đề luôn được quan tâm đặc biệt. Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đổi mới hình thức, nội dung giáo dục nhưng tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm giao thông, tử vong vì TNGT vẫn còn diễn ra rất phức tạp. Vậy giải pháp nào có thể khắc phục được vấn đề này?

img-0578_1
Đưa công tác giáo dục ATGT vào nhà trường

Đổi mới giáo dục ATGT

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ luôn chú trọng quan tâm đến công tác giáo dục ATGT cho các em học sinh, sinh viên và cho tới nay đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện.

“Các hình thức, nội dung giảng dạy ATGT trong trường học luôn được thay đổi, đổi mới. Chúng tôi mong muốn giáo dục ATGT không phải là hình thức giáo dục đối phó, mà các trường học sẽ xây dựng bài giảng, đưa ra các tình huống, các trường hợp thật nhất, sát với đời sống nhất cho các em bàn luận trao đổi, từ đó nhận thức được vấn đề một cách thực tế nhất. Đồng thời, chúng tôi đưa nội dung giáo dục ATGT vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của học sinh; đưa công tác giáo dục ATGT trong trường học thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua trong năm học 2016 - 2017 đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, nhằm tạo ra động lực cho các em học sinh cũng như giáo viên rèn luyện, biết tự bảo vệ mình và chấp hành tốt luật giao thông cũng như văn hóa khi tham gia giao thông”, ông Ngũ Duy Anh bày tỏ.

Theo đó, công tác giáo dục ATGT được ngành Giáo dục triển khai từ đầu năm học. Thông qua tổ chức các hội thi như: “Giao thông thông minh” trên Internet, chương trình “Cổng trường ATGT”, “Tìm hiểu hệ thống biển báo đường bộ” hay tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ nhằm giáo dục học sinh, sinh viên tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định… Nhiều trường học còn phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy đến trường, vi phạm Luật Giao thông đường bộ; gửi danh sách học sinh vi phạm về trường để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục.

Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép vào chương trình học trên lớp về văn hóa khi tham gia giao thông; có những bài môn giáo dục công dân về thực hiện luật, nhà trường thay nội dung trong sách giáo khoa bằng những nội dung thực tế rất gần gũi và cần thiết; có những tình huống, vở kịch giao thông do chính các bạn học sinh, sinh viên xây dựng và diễn tại các tiết học đầu giờ.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức các cuộc thi về ATGT không phải để xem em nào được giải, để có thành tích báo cáo mà mục đích muốn trang bị cho các em kiến thức, nâng cao tính tự giác cho các em và mong muốn các em tự tìm hiểu, em nào chưa chấp hành tốt luật giao thông thì biết tự sửa đổi”, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên cho biết thêm.

Đặc biệt, trong năm học 2016 - 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên trong việc tự giác tuân thủ pháp luật về ATGT đường thủy nội địa và trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng khi xảy ra TNGT đường thủy nội địa.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường tiếp tục triển khai thí điểm dạy bơi cho học sinh tiểu học; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các phương pháp phòng, chống đuối nước và mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông đường thủy cho học sinh. Các sở chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn vận động các tổ chức, cá nhân trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện đường thủy. 

Cần có sự phối hợp nhịp nhàng

Mặc dù công tác giáo dục ATGT trong trường học luôn được quan tâm, chú trọng nhưng thực tế hiện nay, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông vẫn còn nhiều và con số tử vong do TNGT vẫn rất lớn. Các lỗi vi phạm thường thấy là học sinh, sinh viên đi xe đạp dàn hàng ngang, tụ tập dưới lòng đường làm cản trở giao thông. Học sinh sử dụng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi theo quy định hoặc không có giấy phép lái xe; học sinh không chấp hành tín hiệu và biển báo hiệu giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, cô Nguyễn Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho biết, để có thể quyết liệt hơn trong công tác giáo dục ATGT cần phải có sự phối hợp đồng bộ hơn, không phải chỉ có nhà trường mà nhà trường chỉ là một mắt xích trong việc thực hiện, vai trò của gia đình cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục các em.

“Quy trách nhiệm cho nhà trường và giáo viên là giải pháp chưa  hợp lý. Nhà trường đã thực hiện rất nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo viên cũng nhắc nhở và thực hiện những biện pháp đánh vào thi đua, kỷ luật nhưng khi làm như vậy thì học sinh sẽ đối phó. Việc giáo dục chưa thực sự hiệu quả vì còn gặp khó khăn trong sự phối hợp của cha mẹ học sinh”, cô Hà khẳng định.

Theo đó, nhiều bậc phụ huynh cũng chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục cho con em về ATGT, có chăng chỉ dừng lại ở những lời nhắc nhở mà chưa có động thái nào hướng dẫn cho con em về pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Cá biệt, có một số phụ huynh còn vô tư vi phạm trước mặt trẻ. Đông đảo phụ huynh còn “quên” cho con đội mũ bảo hiểm khi đưa đón con ở  trường. Bên cạnh đó, người lớn còn chưa làm gương cho học sinh khi mỗi ngày đến trường khi các em chứng kiến cảnh người lớn uống rượu bia say và vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đi không đúng phần đường; chạy quá tốc độ khi đi qua khu vực đông người như trường học, khu dân cư... dẫn đến TNGT cho học sinh và giáo viên. Điều này đã vô tình hình thành thói quen xấu cho trẻ khi tham gia giao thông.

Theo cô Hà, để học sinh có thể thay đổi và công tác giáo dục ATGT có hiệu quả thì nên tác động đến cảm xúc. Tác động cảm xúc mạnh mẽ nhất là cho các con xem bằng hình ảnh. Một trong những cách đó là tạo ra những phần mềm máy tính để cung cấp cho nhà trường coi như đó là phương tiện, đồ dùng dạy học để cho học sinh thấy được vấn đề khi tham gia giao thông; cung cấp cho học sinh những hình ảnh trực quan có thể làm các em kinh sợ nhưng sẽ làm cho các em thay đổi nhận thức. Như tại Bệnh viện Việt Đức, họ có treo các hình rất đáng sợ về TNGT khi uống rượu, bia. Với học sinh có lẽ nên xây dựng hình thức tương tự như vậy để tác động đến cảm xúc của các em một cách mạnh mẽ, để các em biết sợ khi không chấp hành đúng luật giao thông khi không đội mũ bảo hiểm.

Ngoài ra, chúng ta nên xây dựng những phần mềm có các tình huống, hiệu ứng về những yếu tố khách quan dẫn đến va chạm trên đường mặc dù không phải do bản thân các em để các em hiểu được rằng khi tham gia giao thông có rất nhiều rủi ro và mình phải làm rất nhiều cách để bảo vệ sự an toàn của bản thân, tránh và giảm thiểu được rủi ro.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra rất nhiều phần mềm dạy học, các công ty tin học tạo ra nhiều phần mềm nhưng nó chỉ phục vụ cho những bài giảng có trong sách, cần có thêm phần mềm phục vụ cho tuyên truyền về các vấn đề này thì sẽ tốt hơn”, cô Hà chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận