Giảm tai nạn giao thông: Nhìn từ công tác tuyên truyền

Bạn đọc 14/05/2014 10:04

Những năm qua, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) là một trong những giải pháp cơ bản góp phần nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề an toàn giao thông. Hoạt động tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh cả về hình thức và nội dung, từ đó đã đem lại hiệu quả nhất định trong công tác bảo đảm ATGT; góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Xong, công tác tuyên truyền thời gian qua vẫn còn những hạn chế, chưa tập trung vào từng đối tượng, còn hình thức, chỉ làm vào các đợt cao điểm…


  1. 1.     Thực trạng công tác tuyên truyền về an toàn giao thông

Mỗi ngày trung bình có hơn 30 người phải vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống do tai nạn giao thông (TNGT); bình quân mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng trên 50 nghìn tỷ đồng để khắc phục TNGT. Có người so sánh tai nạn giao thông với những mất mát của chiến tranh; tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chiến tranh tàn khốc, để lại hậu quả nặng nề, là nỗi đau của nhân loại tiến bộ. TNGT không đủ sức gây những cú sốc lớn nhưng hậu quả cũng không kém phần khủng khiếp. Bởi thẳm sâu sau những mất mát đau thương đó là những nỗi đau không gì có thể bù đắp, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, những số phận thiệt thòi, những mảnh đời nghiệt ngã, không ít những hoàn cảnh gia đình vì TNGT mà từ đây đổ vỡ… Không gì quý hơn sinh mạng con người, thiệt hại do TNGT gây ra là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn.

Những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông đã được đẩy mạnh, cả ở Trung ương và địa phương; đa dạng hoá về loại hình và hình thức tuyên. Có thể nói, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông đại chúng lại danh nhiều thời lượng tuyên truyền về an toàn giao thông, với tần suất dày đặc như thời gian qua. Nhiều cơ quan báo đài đã dành nhiều thời lượng, mở chuyên mục, chương trình, kênh chuyên đề tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ… về an toàn giao thông. Như, Báo Nhân dân với chuyên mục “giao thông”; Báo điện tử vietnamnet.vn với chuyên mục “an toàn giao thông”; vietnamplus.vn với chuyên mục “giao thông”; Đài Tiếng nói Việt Nam có cả 1 kênh phát thanh “vov giao thông”, báo điện tử vovgiaothong.vn; Đài Truyền hình Việt Nam với chuyên mục “an toàn giao thông”; Báo Lao động với “an toàn giao thông”… Các đài phát thanh – truyền hình, báo ở địa phương đều mở các chuyên mục về an toàn giao thông.

  Tuy nhiên, mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, kinh phí chi cho tuyên truyền đã tăng lên đáng kể, song song với đó là số vụ tai nạn giao thông thời gian qua đã giảm, nhưng chưa bền vững. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên 10.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông (năm 2012 là 9.526 người và năm 2013 là 9.369 người). Nguyên nhân một phần do công tác tuyên truyền chưa “thấm” vào từng đối tượng, từng người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT của một số ngành, địa phương còn bị động, khoán trắng cho một số đơn vị; có nơi chỉ làm cho có, qua lao chiếu lệ; chưa duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm. Qua tìm hiểu, nhiều nơi chưa thực sự quan tâm tuyên truyền về trật tự ATGT; ở các vùng nông thôn gần như không có sự phản hồi của chính quyền cơ sở về việc giáo dục người vi phạm sau khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng. Nội dung tuyên truyền chưa bám sát thực tế mỗi địa bàn, hình thức tuyên truyền không thống nhất, mạnh ai đấy làm… Nhiều cơ quan báo đài chỉ tập trung đưa tin về các vụ tai nạn giao thông mang tính giật gân câu khách mà chưa có những bài phản ánh, phân tích chuyên sâu về nguyên nhân, phân tích đa chiều, hay ý thức người tham gia giao thông… để từ đó nêu lên cảnh tỉnh cho người tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp – nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thời gian qua, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tai nạn giao thông, hiệu quả từ công tác tuyên truyền đã được thể hiện rõ ở việc giảm 3 tiêu chí về ATGT. Xong, để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, kéo giảm số người chết xuống thì công tác tuyên truyền cần được đổi mới hơn nữa. Đơn cử, từng địa phương, mỗi ngành cũng cần có nội dung và phương pháp tuyên truyền khác nhau, không nên rập khuôn máy móc. Chẳng hạn, với người lái xe thường ít có thời gian đọc báo, xem ti vi thì phải có sổ tay, cẩm nang, tờ rơi để họ đem theo đọc khi có thời gian. Với người dân ở nông thôn hoặc công nhân lao động ở trong các khu nhà trọ thì tuyên truyền lưu động ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu; với các khu dân cư thành thị thì tuyên truyền thông qua các tiểu phẩm, chuyện kể sâu sắc, ý nghĩa… Có như vậy, mới đạt hiệu quả trong việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giúp họ tự bảo vệ mình và người khác.

Thực tế cho thấy, điều mà đại bộ phận người tham gia giao thông đều muốn biết là phải làm gì để hạn chế tai nạn giao thông. Vì thế công tác tuyên truyền phải cụ thể hóa hệ thống giải pháp của chính quyền địa phương và những quy định căn bản trong Luật Giao thông đường bộ, hướng dẫn xử lý của cảnh sát giao thông… Đưa công tác tuyên truyền trở nên gần gũi, sát thực với người dân, làm cho người dân dễ hiểu, dễ nhận thức, tránh đưa vào tình thế làm cho người dân hiểu sai, hiểu không đúng… gây tác dụng ngược của công tác tuyên truyền.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Để công tác tuyên truyền về ATGT có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào giảm tai nạn giao thông, được người tham gia giao thông, người dân hưởng ứng một cách tích cực, từ đó tham gia giao thông có ý thức thì công tác tuyền truyền về ATGT cần được đổi mới hơn nữa.

Tuyên truyền về ATGT trước hết phải dễ hiểu, dễ nhớ, sát với người dân. Các hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể, sâu sắc về nội dung, sinh động hấp dẫn trong cách thể hiện và mang giá trị nghệ thuật nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông cho mọi đối tượng.

Công tác tuyên truyền cần thống nhất từ trung đến địa phương, là cơ quan giúp việc cho Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia thì Văn phòng Uỷ ban phải là đầu mối phối hợp với các đơn vị để đưa ra các nội dung thông điệp, kế hoạch truyền thông cho từng giai đoạn, chiến dịch, định hướng tuyên truyền cho các đơn vị, các loại hình truyền thông… Đối với các đơn vị hữu quan đoàn thể như Hội Nông dân, Trung ương ĐTNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo… cần có những cách làm sinh động, đa dạng để phù hợp với các đối tượng của mình. Bên cạnh đó, với từng loại hình truyền thông cần phát huy thế mạnh của mỗi loại hình đó để truyển tại các thông điệp về an toàn giao thông sao cho có hiệu quả nhất. Hoạt động tuyên truyền phải được làm thường xuyên, tránh tình trạng có nơi, có ngành chỉ làm vào những dịp cao điểm khuấy động phong trào rồi lại chìm đi.

 Đơn cử như tuyên truyền lưu động có thể đến được nhiều nơi, kể cả vùng sâu, vùng cao, các địa phương nên tập trung đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đội tuyên truyền có trình độ chuyên nghiệp hơn, sắc bén hơn; thường xuyên sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và tích cực bám sát cơ sở. Đặc biệt, trước thực trạng hiện nay, công tác tuyên truyền lưu động về an toàn giao thông cần gắn với tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cách thức tuyên truyền lưu động nhất thiết phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn chứ không thể rập khuôn máy móc. Tuyên truyền ở thành thị khác nông thôn, miền núi khác vùng đồng bằng, đồng bào dân tộc thiểu số khác đồng bào Kinh.

Nguyên tắc tuyên truyền phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống trong việc thực hiện tuyên truyền về an toàn giao thông, thường xuyên tổng hợp, cung cấp thông tin có định hướng. Xác định rõ về nội dung cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, chồng chéo. Khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật giao thông, ngoài việc tuyên truyền những quy định của pháp luật, cần tuyên truyền quy định về xử phạt, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục về trật tự an toàn giao thông giúp người dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATGT.

Thực hiện các phóng sự, chương trình quảng cáo trên phát thanh, truyền hình theo các chủ đề khác nhau nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của người dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo đài cần tránh tình trạng chỉ đưa thông tin một chiều thì cần có tin, bài, phóng sự phản ánh gương “người tốt, việc tốt”, những kiến nghị, giải pháp đóng góp… và cả phản ánh những tiêu cực trong việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng trong việc chấp hành pháp luật giao thông.

  1. 3.     Cần bám sát định hướng tuyên truyền về an toan giao thông của Chính phủ

Để công tác tuyên truyền về an toàn giao thông có hiệu quả hơn nữa, ngày 05/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2043/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền về an toàn giao thông giai đoạn 2013 – 2015. Đề án đã chỉ rõ, mục tiêu đến hết năm 2015, sẽ có 95% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn giao thông, 85% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe, 100% lãnh đạo các cấp chính quyền được tuyên truyền về an toàn giao thông, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Nội dung thông tin tuyên truyền về ATGT cần phải được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, chẳng hạn như cho các đơn vị kinh doanh vận tải; cho đối tượng là người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là đội ngũ lái xe khách, lái xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng và người điều khiển mô tô, xe gắn máy… cũng như người dân ở các vùng miền khác nhau.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền cần phải huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp vào công tác tuyên truyền, không ngừng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhằm  kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.

Tài liệu tham khảo

[1]. Luật Giao thông Đường bộ năm 2008

[2]. Để công tác tuyên truyền về an toàn giao thông có hiệu quả Mới đây, ngày 05/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2043/QĐ-TTg

[3]. Báo chí với an toàn giao thông

[4]. Sổ tay tuyên truyền an toàn giao thông

[5]. Cẩm nang an toàn giao thông

[6]. Tạp chí Giao thông vận tải

[7].  www.mt.gov.vn

[8]. antoangiaothong.gov.vn

Đỗ Hoang Thạch

Ý kiến của bạn

Bình luận