Giảm chi phí logistics tạo đà kinh tế tăng trưởng

Tác giả: Hoàng thạch

saosaosaosaosao
20/04/2018 15:34

Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về logistics vừa diễn ra về các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

hoi nghi logistics

Chi phí logistics còn ở mức cao

nguyen xuan phuc

Gánh nặng chi phí đang là rào cản với các doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tôi muốn khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam với doanh thu lên đến hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây còn là dịch vụ kinh doanh hấp dẫn của nhiều công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay, để nói doanh nghiệp logistics mạnh thì chúng ta chưa có. Có thể khẳng định nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, làm giảm chi phí hàng hóa. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có chi phí logistics. Bên cạnh đó, việc đầu tư các phương thức vận tải, đồng thời kết nối kém đã làm tăng chí phí vận tải trong logistics. Hiện nay, vận tải hàng hóa chủ yếu vẫn chỉ là đường bộ, trong khi các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng rất thấp, sự rời rạc này làm cho chi phí tăng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14 - 16%, là ngành có tốc độ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao. Theo nghiên cứu của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics, cụ thể tỷ lệ này tại các nước như sau: Việt Nam khoảng 59%, Mỹ khoảng 63,6%, Thái Lan khoảng 53,5%.

Đối với từng mặt hàng khác nhau thì chi phí vận tải chiếm tỷ lệ khác nhau. Với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận tải chiếm 51%, lưu kho chiếm 20%, xếp dỡ 23%, đóng gói 5% và cảng phí 01%; mặt hàng may mặc xuất khẩu chi phí vận tải là 61%, lưu kho 9%, xếp dỡ 19%, đóng gói 9% và cảng phí 02%; gạo xuất khẩu chi phí vận tải chiếm 58%, lưu kho chiếm 10%, xếp dỡ 24%, đóng gói 7% và cảng phí chiếm 01%; cây ăn trái chi phí vận tải chiếm 61%, lưu kho 14%, xếp dỡ 20%, đóng gói 5% và cảng phí là 01%. Theo đánh giá sơ bộ, cơ cấu chi phí chủ yếu của các phương thức vận tải hàng hóa trong tổng chi phí vận tải bao gồm: Chi trực tiếp (khấu hao, tiền lương công nhân vận hành, nhiên liệu, sửa chữa, bảo dưỡng) chiếm từ 60% đến 80%; chi phí gián tiếp (chi phí quản lý điều hành, lệ phí cầu đường, bến bãi, chi phí khác…) chiếm từ 20% đến 40%.

Bên cạnh sự hạn chế của mỗi lĩnh vực, vấn đề kết nối giữa các phương thức vận tải cũng là nguyên nhân khiến cho năng lực của cả hệ thống GTVT chưa được khai thác hiệu quả. Theo tính toán chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh (không tính chi phí xếp dỡ hai đầu) vào khoảng 40 triệu VNĐ, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.

Đối với vận tải quốc tế, sự hạn chế của hệ thống cảng biển, đội tàu biển Việt Nam cũng khiến cho một phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu chi phí cao khi mà hiện tại tỷ lệ hàng hóa phải trung chuyển qua cảng biển nước ngoài vẫn ở mức cao. Việc tập trung hàng hóa lớn và các tuyến tàu trọng tải nhỏ dưới 4.000 TEU tại khu vực TP. Hồ Chí Minh dẫn đến tình trạng hàng hóa đi thị trường biển xa như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục phải trung chuyển tại các cảng biển Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), trong khi cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải đã được đầu tư với quy mô hiện đại, tiếp nhận các tàu mẹ đi tuyến biển xa thì không thu hút được hàng hóa trung chuyển ngay trong thị trường nội địa, khai thác chỉ đạt 30% tổng công suất.

Để tháo gỡ những khó khăn, giảm chi phí logistics, theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong hoạt động cung cấp dịch vụ logistics vẫn còn tồn tại các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, nhất là các điều kiện can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp có tính chất áp đặt. Ví dụ, trong vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển, doanh nghiệp phải có người chuyên trách thực hiện kinh doanh, khai thác dịch vụ đại lý tàu biển đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế.

Việc yêu cầu doanh nghiệp phải có bộ phận chuyên trách là sự can thiệp vào quyền tự chủ trong tổ chức bộ máy nội bộ - một quyền được Luật Doanh nghiệp 2014 bảo hộ. Hơn nữa, đứng dưới góc độ mục tiêu quản lý nhà nước, điều kiện này không nhằm hướng tới bảo đảm lợi ích công cộng nào. Những mục tiêu này hoàn toàn không phù hợp nếu đối chiếu với quy định về điều kiện kinh doanh tại Luật Đầu tư 2014 và là sự can thiệp quá mức cần thiết của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. VCCI nhận thấy điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực logistics còn nhiều bất cập. Vì thế, VCCI đề nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt, can thiệp hành chính vào vấn đề do thị trường điều chỉnh.

Cần kết nối hạ tầng đồng bộ

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng chỉ ra những nguyên nhân làm chí phí logistics tăng cao. Theo Thứ trưởng, kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Hệ thống giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giữa các vùng miền, các loại hình. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhìn chung, kết cấu hạ tầng giao thông đã bước đầu đáp ứng sự phát triển của ngành vận tải, tuy nhiên vấn đề nổi cộm là thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển và tính kết nối đi đôi với việc phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế việc phát triển của hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa cũng là một nguyên nhân khiến chi phí vận tải cũng như chi phí logistics còn cao.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa làm chi phí tăng cao là do tổ chức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy được hết lợi thế của các phương thức vận tải, chưa phát triển được vận tải đa phương thức trên các hành lang. Mỗi phương thức vận tải hàng hóa có những ưu, nhược điểm cũng như phạm vi sử dụng khác nhau. Ví dụ, vận tải đường bộ có ưu điểm là tính cơ động cao, có thể vận chuyển từ cửa đến cửa, tuy nhiên giá thành cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, ô nhiễm môi trường. Vận tải đường thủy nội địa và hàng hải thích hợp vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, chi phí vận tải thấp, tuy nhiên phải phụ thuộc vào luồng tuyến, thời gian vận chuyển không nhanh. Vận tải đường sắt phù hợp vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, giá thành thấp. Tuy nhiên, tính cơ động không cao (không thể vận chuyển từ cửa đến cửa nếu không kết nối với vận tải đường bộ). Vận tải hàng không có ưu điểm nhanh, phù hợp vận chuyển hàng hóa có giá trị cao, tuy nhiên không thể vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, chi phí vận tải cao.

02 BEN CONTAINER CHUA VE_1

"Sơ bộ năm 2016, tỷ lệ phần trăm khối lượng hàng hóa vận chuyển theo ngành vận tải như sau: Vận tải đường bộ có giá thành cao nhưng chiếm tới 77,20% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%; cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0,02%”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.

Để giảm chi phí logistics, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) kiến nghị, cần phải đồng bộ hạ tầng giao thông để kết nối các phương thức vận tải. Trong bối cảnh đường bộ đang quá tải thì cần phải đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy, hàng hải. Bên cạnh đó, để giảm tình trạng xe chạy rỗng một chiều cần có sàn giao dịch vận tải đủ mạnh để kết nối giữa chủ hàng và chủ xe.

Nhiều giải pháp mạnh giảm chi phí logistics

Để thực hiện mục tiêu giảm chi phí logistics, Bộ GTVT đưa ra một số giải pháp như đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng vận tải đường sắt, đường thủy, hàng hải, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.

Tới đây, Bộ GTVT sẽ mở rộng đầu tư hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển; tập trung phát triển năng lực vận tải hàng hóa xuất - nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa quốc tế, vận tải tuyến ven biển Bắc - Nam, vận chuyển hàng hóa và hành khách từ đất liền ra các đảo xa bờ; kết nối tốt đường sắt với các hệ thống đường bộ, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa.

“Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT; rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics; xây dựng cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết thêm.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ giao 10 nhiệm vụ cho Bộ GTVT, 7 nhiệm vụ với Bộ Công thương, 3 nhiệm vụ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 02 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… 

nguyen van the_1

Tăng thị phần vận tải thủy bộ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo chỉ thị về phát triển logistics. Riêng về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ GTVT đã rà soát và sẽ báo cáo Thủ tướng để cắt giảm 372 thủ tục, điều kiện kinh doanh (tương đương 61,5%) dù Thủ tướng chỉ yêu cầu cắt giảm 50%”. Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách để phát triển đội tàu vận tải thủy ven biển, đường thủy nội địa, đường sắt và các giải pháp để cân đối sự phát triển, kết nối hài hòa 5 lĩnh vực vận tải. Đồng thời, Bộ GTVT cũng tổ chức khai thác tốt vận tải ven biển, đường thủy phía Nam để tăng thị phần vận tải đường thủy, đường sắt và hàng hải.

Ý kiến của bạn

Bình luận