Giải phóng mặt bằng dự án CHK Long Thành: Không thể trì hoãn nữa

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/10/2015 16:13

Sáng 30/10 đã diễn ra hội thảo “Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống cho người dân”

Cần thực hiện giải phóng mặt bằng ngay từ bây giờ

Mở đầu phần tham luận, ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi dự án quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch 02 khu tái định cư gồm: Khu Lộc An - Bình Sơn diện tích 282,35 ha; Khu tái định cư Bình Sơn diện tích 282,3 ha và khu nghĩa trang Bình An 50 ha để bố trí, ổn định cuộc sống của các hộ dân thuộc diện giải tỏa khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. 

Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Kỳ Anh)

Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ họp thứ 9, khóa 13, ngày 25/5/2015, tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương xây dựng "Đề án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư người dân vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành" và "Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư" trình Trung ương phê duyệt làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đã tiến hành điều tra thực trạng dân cư, đất đai vùng dự án. Tỉnh cũng đã đã tổ chức tham vấn ý kiến đại diện của 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án bằng phiếu khảo sát. Kết quả 100% hộ dân và tổ chức đồng ý với chủ trương thực hiện dự án. Song, người dân mong muốn khi thực hiện bồi thường phải thỏa đáng, đẩy nhanh tiến độ triển khai bởi trên thực tế người dân đã chờ đợi hàng chục năm qua.

Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư là công việc vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án. Đây là công việc hết sức khó khăn, phức tạp cho nên cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án theo Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời cho tạm ứng kinh phí để tỉnh Đồng Nai sớm triển khai thực hiện. Theo phương án mà tỉnh Đồng Nai xây dựng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, tiến hành thu hồi trên 2.557,8 ha thuộc địa bàn 4 xã Bình Sơn, Long An, Suối Trầu và xã Cẩm Đường với 1.808 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.067 hộ giải toả trắng (dự kiến hoàn thành trong 3 năm); Giai đoạn 2 của dự án sẽ thu hồi trên 2.442 ha diện tích đất còn lại với 2.922 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có trên 2.507 hộ bị giải toả trắng.

Để dự án triển khai đúng tiến độ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thực hiện ngay từ bây giờ. Vì theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai, công tác bồi thường, hỗ tợ tái định cư bước 1 đối với 2.750ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để giao cho chủ đầu tư triển khai dự án cũng cần ít nhất 3 năm.

“Nếu chậm triển khai dự án bồi thường, chắc chắn rằng bức xúc người dân trong vùng dự án sẽ tăng lên và phát sinh những vấn đề mới mà chúng ta chưa lường tới. Thực tế người dân không thể chờ đợi lâu thêm nữa”, Ông Đặng Minh Đức – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai nói.

Cần chính sách đền bù khác nhau đối với mỗi loại đất

Cũng cùng quan điểm trên, TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, về cơ bản, việc chuẩn bị cho công tác đền bù GPMB cho dự án đến thời điểm này hết sức công phu và có trách nhiệm, song cần khẩn trương hơn nữa. Vì với tình hình Tân Sơn Nhất hiện nay, dự án cảng hàng không Long Thành tiến hành được sớm được ngày nào, dân được nhờ sớm ngày đó.

TS Trần Du Lịch- Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội
TS Trần Du Lịch- Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. (Ảnh: Kỳ Anh)

TS Trần Du Lịch cũng lưu ý cần tách dự án này ra để làm dự án riêng chuẩn bị cho vấn đề xây dựng. “Long Thành là đất nông nghiệp của dân, đất lâm trường của nhà nước, các loại đất ở. Nhưng 1 đặc điểm không thể quên, ngoài đất của dân, đất đầu cơ của các nhà đầu cơ rất lớn, do đó chính sách đền bù phải khác nhau”, ông Lịch lưu ý. 

Cần cấp thiết đẩy nhanh tiến độ Dự án CHKQT Long Thành

Cũng tại Hội thảo, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Long Thành là một trong những chiến lược quan trọng nhất của ngành hàng không Việt Nam.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, cảng hàng không Tân Sơn nhất chỉ đáp ứng được tối đa 23 triệu khách/năm. Nhưng dự kiến, trong năm nay, cảng hàng không Tân Sơn Nhất dự đạt 26 triệu khách/năm. Đến ngày 15/10, lượng hành khách qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã được 21,7 triệu và trong những năm tới con số này sẽ tiếp tục tăng đến trên 30 triệu. Đến mức nào đó, điều này uy hiếp về đảm bảo an toàn khai thác, sẽ phải đóng băng lượng khai thác.

Tháng 6 vừa qua, nhờ nỗ lực cải thiện khu bay, với cấu hình 2 đường bay, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã tăng được năng lực khai thác từ 30-35 chuyến và trong thời gian tới sẽ tăng cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, cảng hàng không Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng sân đỗ với 76ha đất quốc phòng giao không chỉ phục vụ đỗ tàu bay mà tạo đường lăn song song với hệ thống sân đỗ. Ngoài ra, cải thiện dịch vụ gửi xe cùng với nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, để tối ưu hoá chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những biện pháp tình thế. Việc đẩy nhanh tiến độ Dự án CHKQT Long Thành mới thực sự là giải pháp cần thiết nhất hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận