Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý khai thác, bảo trì công trình giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

15/12/2017 10:01

Bài báo trình bày nội dung công tác quản lý khai thác, bảo trì công trình giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, qua đó phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại đó làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý, bảo trì trong thời gian tới.


TS. Phạm Phú Cường

Trường Đại học Giao thông vận tải

TÓM TẮT: Bài báo trình bày nội dung công tác quản lý khai thác, bảo trì công trình giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, qua đó phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại đó làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý, bảo trì trong thời gian tới.

TỪ KHÓA: Khai thác, bảo trì, đường bộ, TP. Hồ Chí Minh.

ABSTRACT: This paper the content of complete solution for management, maintenance of the road traffic projects in Ho Chi Minh city. We analyse, review all results, problems and causes and susgest solutions to complete the management, maintenance of the road traffic projects in the future.

KEYWORDS: Exploitation, maintenance, roads, Ho Chi Minh city.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Quản lý khai thác, bảo trì công trình là sự tác động có tổ chức của đơn vị quản lý đối với các hoạt động khai thác công trình nhằm mục đích duy trì trạng thái kỹ thuật và không gian kiến trúc của các công trình, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu xã hội.

Đối với công trình xây dựng giao thông sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác đều chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố tác động như tải trọng, tốc độ vận chuyển của các phương tiện vận tải và các yếu tố tự nhiên cũng như công tác tổ chức khai thác, điều đó dẫn tới các hư hỏng và làm suy giảm năng lực phục vụ ảnh hưởng đến tuổi thọ và khả năng đảm bảo kỹ thuật ATGT của các công trình giao thông đường bộ.

Hiện nay, công tác quản lý khai thác, bảo trì trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bao gồm 832 tuyến đường với tổng chiều dài 1.297.821,78m, diện tích mặt đường 14.278.200,55m­2, chiều dài tiểu đảo và dãi phân cách là 377.626,85m, [2] chủ yếu giao cho các khu quản lý giao thông đô thị (GTĐT) trực thuộc Sở GTVT quản lý và tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo chất lượng kỹ thuật, đảm bảo hành lang ATGT... Ngoài những kết quả thực hiện được ghi nhận, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác quản lý khai thác, bảo trì các công trình trên địa bàn, trong đó công tác quản lý kỹ thuật, đảm bảo giao thông và ATGT... chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác quản lý khai thác, bảo trì các công trình giao thông đường bộ càng trở nên cấp bách và là nhiệm vụ quan trọng đối với Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh.

2. NỘI DUNG

2.1. Những kết quả thực hiện được trong công tác quản lý khai thác, bảo trì các công trình giao thông

2.1.1. Công tác bảo đảm TTATGT

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Sở GTVT về bảo đảm TTATGT được thực hiện liên tục, kịp thời, xuyên suốt.

- Các phương án phân luồng, tổ chức giao thông được thực hiện khoa học đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc kiềm chế, kéo giảm TNGT và UTGT, một số khu vực tình hình UTGT có cải thiện.

- Xây dựng xong kế hoạch thực hiện chương trình giảm UTGT, giảm TNGT giai đoạn 2016 - 2020.

- Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục đẩy mạnh.

2.1.2. Công tác bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu

- Về các văn bản pháp lý liên quan đến công tác bảo trì như: Các bộ định mức và đơn giá trong lĩnh vực duy tu cầu, hầm, đường bộ, chiếu sáng công cộng; công tác đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, kế hoạch triển khai đấu thầu duy tu năm 2017 đã cơ bản hoàn thiện, phù hợp với đặc thù với điều kiện tại địa phương, cụ thể là:

+ Quyết định số 3025/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 về ban hành các bộ định mức dùng trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng, công viên cây xanh và thoát nước đô thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cùng với đó là việc xây dựng các bộ đơn giá cho theo định mức đã được ban hành theo Quyết định số 3025/QĐ-UBND ngày 13/6/2016;

+ Quyết định thay thế Quyết định số 1914/QĐ-UBND ngày 15/4/2011 của UBND Thành phố về việc phê duyệt điều chỉnh Phương án đấu thầu, đặt hàng thực hiện và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa hệ thống hạ tầng thuộc lĩnh vực GTVT TP. Hồ Chí Minh;

+ Quyết định thay thế Quyết định số 1460/QĐ-UBND ngày 27/3/2014 của UBND Thành phố ban hành quy định về công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Sở GTVT quản lý trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

+ Quy trình vận hành, bảo trì kết cấu và thiết bị đường hầm sông Sài Gòn.

+ Quy định về quản lý xây dựng, đấu nối, cải tạo, lắp đặt và bàn giao hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị do Sở GTVT quản lý.

- Thực hiện tốt công tác bảo trì hệ thống đường bộ, chiếu sáng công cộng và hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ; sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong công tác duy tu sửa chữa hệ thống cầu đường bộ, lắp đặt bổ sung mới các biển báo, đèn tín hiệu giao thông…, đảm bảo ATGT và mỹ quan đô thị. Trong năm 2017, khối lượng công trình được quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông gồm: 1.427,9km đường với tổng kinh phí là 387,495 tỷ đồng; 690.684,27m2 cầu/461 cây cầu với tổng kinh phí là 127,029 tỷ đồng; kinh phí cho công tác chiếu sáng, tín hiệu giao thông là 573 tỷ đồng. Khối lượng công trình được bảo trì, sửa chữa định kỳ: 95.918,8m2 đường, 10.515,4m2 cầu…; sửa chữa, lắp đặt dải phân cách các loại: 19.111,8 md; lắp đặt 102 camera quan sát giao thông… Khối lượng công trình tiếp nhận bàn giao đưa vào khai thác: 75 công trình cầu đường với chiều dài 28,187km, diện tích 537.202m2 và một số công trình quan trọng khác [2].

- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố hạ tầng giao thông như ổ gà, hố sụp, lún trên các tuyến đường khu vực trung tâm Thành phố và các tuyến đường trục chính; tăng cường tuần tra, sửa chữa ngay những sự cố chạm chập điện, kiểm tra xử lý kịp thời các sự cố của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, thay thế các bóng đèn chiếu sáng hư hỏng.

2.2. Những tồn tại cần khắc phục

2.2.1. Về hệ thống văn bản pháp lý

- Hệ thống các văn bản, tiêu chuẩn trong lĩnh vực bảo trì hệ thống cầu, đường bộ và chiếu sáng công cộng, các tiêu chí về đảm bảo ATGT, các văn bản trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT còn thiếu hoặc chậm ban hành. Bên cạnh đó, việc tham gia đóng góp ý kiến của các đơn vị có liên quan, các phòng ban chậm dẫn đến việc chậm trễ trong quá trình hoàn thiện.

- Quyết định số 3384/QĐ-UBND ngày 02/7/2016 của UBND Thành phố về Công bố Đơn giá xây dựng khu vực TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đơn giá xây dựng mới hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thành phố (phần xây dựng cơ bản) chưa được ban hành.

- Các chủ trương của Thành phố về đơn giá, định mức cũng như mức lương cơ bản dùng trong công tác bảo trì mặc dù Sở GTVT đã có kiến nghị nhưng vẫn chậm hoặc chưa nhận được ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

- Các tiêu chí giao quản lý, tuần tra, kiểm tra hạ tầng, nghiệm thu công tác duy tu vẫn còn nhiều bất cập và chưa phân định rõ trách nhiệm và xử lý chưa nghiêm.

- Công tác tham mưu xây dựng hệ thống văn bản pháp lý trong lĩnh vực bảo trì và bảo đảm TTATGT chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đặt ra.

- Do quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền ban hành nên việc ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý hoạt động đối với hệ thống các hệ thống tín hiệu giao thông đường bộ như: Đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát giao thông, bảng thông tin giao thông điện tử còn nhiều khó khăn...

2.2.2. Về công tác quản lý khai thác, bảo trì hạ tầng giao thông

- Công tác tuần tra, khắc phục sự cố hạ tầng nhiều lúc chưa kịp thời; công tác duy tu không đảm bảo chất lượng và mỹ quan.

- Chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia cung ứng sản phẩm công ích và chưa giảm được giá thành cung ứng.

- Việc áp dụng các máy móc, vật liệu và công nghệ tiên tiến vào công tác bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn còn hạn chế; công tác cập nhật, quản lý, theo dõi kiểm tra chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế (chủ yếu là thủ công, văn bản giấy…).

- Việc quản lý hạ tầng hiện nay do nhiều cơ quan quản lý nên xảy ra tình trạng chồng chéo, gây dư luận không tốt đối với ngành.

* Nguyên nhân khách quan

- Chưa có cơ chế giám sát phù hợp để thúc đẩy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác duy tu.

- Công tác đấu thầu cung ứng sản phẩm công ích chưa triển khai do chưa hoàn chỉnh bộ đơn giá, chưa được ban hành mức lương và văn bản pháp lý có liên quan.

- Nguồn vốn được giao không đáp ứng đủ nhu cầu duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu (nhu cầu vốn năm 2016 khoảng 3.539 tỷ đồng; vốn giao năm 2016 là 1.293 tỷ đồng, đạt 36,54% nhu cầu vốn) [2].

- Tình trạng thường xuyên mất cắp dây điện chiếu sáng công cộng, mất cắp các khuôn nắp máng lưỡi hầm ga, hầm bưu điện... trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tình hình TTATGT.

* Nguyên nhân chủ quan

- Các đơn vị trực thuộc chưa thể hiện hết trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao, vẫn chưa phát huy được vai trò chủ động, tích cực trong công tác tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập của hệ thống hạ tầng, đặc biệt là trên các tuyến đường giao thông trọng điểm; chưa quan tâm, giám sát chặt chẽ nhà thầu trong quá tình thực hiện.

- Chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

2.2.3. Về công tác bảo đảm ATGT

- Tình hình UTGT trong giờ cao điểm diễn ra phức tạp, chủ yếu tập trung tại các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm Thành phố, khu vực cửa ngõ Thành phố...

- Lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh: Tính đến ngày 15/11/2016, Thành phố đang quản lý tổng cộng 7.857.088 phương tiện (615.395 xe ô tô, 7.241.693 xe mô tô); tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2015). Trong khi đó, Trung ương cũng như Thành phố vẫn chưa triển khai thực hiện các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân có hiệu quả.

- Việc dự báo tình hình giao thông bằng các số liệu một cách khoa học chưa được thực hiện một cách bài bản, việc đánh giá tác động giao thông khi đưa những công trình mới vào khai thác không đủ cơ sở thực hiện.

- Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa cao, đặc biệt là người điều khiển phương tiện xe 02 bánh (lưu thông sai quy định vào làn đường dành cho xe ô tô), xe container và người bộ hành. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây mất TTATGT, không đảm bảo an toàn cho người bộ hành, đặc biệt khu vực các quận nội thành. Điều này làm cho TNGT tăng trên 02 yếu tố: Số vụ và số người chết.

* Nguyên nhân khách quan

- Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt.

- Việc gia tăng số lượng phương tiện giao thông quá cao và vẫn chưa triển khai các giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân. Tốc độ gia tăng dân số thành phố nhanh (đặc biệt gia tăng về mặt cơ học) tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

- Do ảnh hưởng của thời tiết gây mưa lớn, gây ngập, lượng hành khách và hàng hóa ra vào sân bay, các cảng tăng đột biến… dẫn đến gia tăng tình trạng UTGT các tuyến đường xung quanh khu vực.

* Nguyên nhân chủ quan:

- Tổ chức giao thông chưa khoa học, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực trạng của hạ tầng giao thông đô thị và vẫn còn nặng tính kinh nghiệm. Hệ thống quản lý giao thông thông minh chưa được đầu tư, việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông chưa nhiều.

- Việc dự báo tình hình giao thông trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua thực sự chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu.

- Lực lượng kiểm tra, kiểm soát (thanh tra, CSGT) chưa đáp ứng trong khi địa bàn quá rộng. Các lực lượng thực thi công vụ chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự lòng đường vỉa hè, các chợ tự phát, tình hình đón, trả khách trái phép trên địa bàn quản lý.

- Công tác giải phóng hiện trường sau các sự cố trên đường của các đơn vị chức năng còn chậm, dễ xảy ra tình trạng UTGT.

2.3. Đề xuất các giải pháp hoàn thiện

- Hoàn chỉnh các văn bản pháp lý có liên quan, trong đó quan tâm đến việc xây dựng các định mức, đơn giá, áp dụng cơ chế đấu thầu cho công tác bảo trì công trình, đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.

- Thống kê, cập nhật và quản lý dữ liệu, số liệu cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và triển khai các công việc một cách khoa học, rõ ràng thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

- Nâng cao năng lực quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu; tiếp tục rà soát, tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý tại các khu vực có nguy cơ xảy ra UTGT; bổ sung hệ thống các biển báo, dải phân cách, đèn tín hiệu giao thông, các tiện ích phục vụ người bộ hành nhằm giảm UTGT.

- Thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo trì hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng thông qua đấu thầu, tăng cường công tác quản lý chất lượng công tác duy tu sửa chữa thường xuyên và công tác đảm bảo TTATGT.

3. KẾT LUẬN

Công tác quản lý khai thác, bảo trì công trình giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng. Trong những năm vừa qua, các đơn vị chức năng thuộc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã có những giải pháp thực hiện mang lại hiệu quả, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, trong thời gian tới cần có giải pháp hoàn thiện.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nghiêm Văn Dĩnh, Nguyễn Quỳnh Sang (2009), Kinh tế - Quản lý Khai thác công trình cầu đường, NXB. GTVT.

[2]. Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, Báo cáo tình hình quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ năm 2016 và phương hướng thực hiện năm 2017.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận