Giá tăng mạnh, doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu lỗ

Doanh nghiệp 04/05/2019 08:25

Giá xăng dầu đã liên tục tăng trong hai kỳ điều hành tháng 4-2019 nhưng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng mức giá bán lẻ vẫn đang thấp hơn so với giá cơ sở.


 

xang-dau-1556756952476575354000
Giá xăng dầu và nhiều chi phí tăng, kinh doanh khó khăn, ông Phạm Văn Lợi rao bán xe đầu kéo - Ảnh: C.TRUNG

Bởi vậy, giá xăng kỳ điều chỉnh sau đợt nghỉ lễ được dự báo có thể tăng mạnh. 

Bộ Công thương cũng thừa nhận hiện nay giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vẫn đang được duy trì ở mức thấp khá nhiều so với giá cơ sở (giá nhập khẩu cộng thuế, phí, lợi nhuận định mức...).

Bán không đủ bù chi?

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại miền Trung cho biết trong khi mức trích lập vào quỹ bình ổn chỉ 300 đồng/lít thì mức chi sử dụng quỹ liên tục được tăng mạnh, có thời điểm lên tới 2.800 đồng/lít với E5RON92 và 2.500 đồng/lít với RON95. 

Do đó, dù giá bán lẻ đã được điều chỉnh tăng liên tiếp trong hai kỳ điều hành của tháng 4 nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí đầu vào.

Dẫn chứng là trong tháng 3, liên tiếp hai kỳ điều chỉnh giá được giữ ổn định và tăng chi sử dụng quỹ bình ổn rất mạnh, nên khi nhập hàng về là đã lỗ, vị lãnh đạo doanh nghiệp tính toán giá bán lẻ đã thấp hơn giá cơ sở vài trăm đồng, chưa tính khoản lỗ các chi phí khác từ 800-1.000 đồng/lít. 

Cộng lại, với mức giá xăng hiện nay, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 1.500 đồng/lít. 

Cũng theo doanh nghiệp này, mức chiết khấu chỉ còn vài trăm đồng dẫn tới các đơn vị phân phối cũng không thiết tha bán xăng dầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Dũng, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá ngày 17-4, quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp này đã âm tới 240 tỉ đồng. 

Do đó, theo quy định của thông tư 39, trường hợp phải bù đắp phần quỹ âm trong kỳ điều hành tiếp theo, Petrolimex có thể vay ngân hàng, dùng nguồn tiền tự có hoặc kết hợp cả hai.

Trong cuộc họp đại hội cổ đông diễn ra ngày 26-4, Petrolimex cũng thông tin quỹ đã âm tới 500 tỉ đồng. 

Theo ông Bùi Ngọc Bảo - nguyên chủ tịch Petrolimex, kết quả kinh doanh quý 1 của tập đoàn này dù lãi được 1.500 tỉ đồng nhưng do phải trích quỹ lên tới 500 tỉ đồng khiến cho doanh nghiệp gặp "rủi ro cực kỳ lớn". 

Theo đó, tình trạng bội chi quỹ liên tục và không thể có nguồn để hoàn lại các khoản vay làm cho ngân hàng có thể ngừng không cho vay.

Doanh nghiệp đầu mối đề nghị cơ chế hỗ trợ

Một doanh nghiệp đầu mối khác tại ĐBSCL cho hay do âm quỹ bình ổn 200 tỉ đồng nên đã nhiều lần phải gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính để xin được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp. 

Bởi theo doanh nghiệp này, dự kiến mức tiền quỹ bình ổn phải chi ra khoảng 200 tỉ đồng, với mức lãi 8%/năm thì doanh nghiệp phải chịu lãi vay khoảng 16 tỉ đồng, là gánh nặng lớn. 

Trong khi đó, chi phí định mức được giữ nguyên cố định từ năm 2014 đến nay theo nghị định 83/2014 (chi phí định mức đối với xăng là 1.050 đồng/lít; dầu hỏa và dầu diesel là 950 đồng/lít; dầu mazut là 600 đồng/kg).

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Đà Nẵng, với mức giá cơ sở như hiện nay thì giá xăng RON95 phải được tăng thêm 700-750 đồng/lít và xăng E5RON92 phải tăng thêm 1.300 đồng/lít mới đủ bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp xăng dầu.

Doanh nghiệp vận tải phải bán bớt xe

Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kêu nhưng nhiều đơn vị chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu, đơn cử các doanh nghiệp vận tải, cũng khó khăn không kém và đề nghị cần hài hòa hơn trong chính sách.

Đưa chúng tôi đi xem bãi đất rộng nhưng chỉ còn 5 đầu kéo container và gần 10 rơmoóc, ông Phạm Văn Lợi - giám đốc Công ty vận tải Trưởng Lợi (đường Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM) - cho biết đang rao bán các đầu kéo container này với giá 300-400 triệu đồng/chiếc. 

Theo ông Lợi, từ năm 2016 đến nay, do tình hình vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng gặp nhiều khó khăn, công ty này bắt đầu bán bớt xe đầu kéo. 

Từ 60 chiếc đầu kéo, nay doanh nghiệp này chỉ còn 20 chiếc, chấp nhận lỗ tiền tỉ khi bán đi 40 chiếc xe đầu kéo.

Theo ông Lợi, hoạt động vận tải ngày càng khó khăn do giá xăng dầu tăng cao trong vài năm trở lại đây, chưa kể phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ... khiến giá thành vận tải đội lên rất cao. Trong khi đó, giá dịch vụ lại không đổi. 

Dẫn trường hợp vận tải từ cảng Cát Lái (Q.2) về H.Bến Lức (tỉnh Long An), ông Phạm Văn Lợi cho biết giá vận chuyển một chuyến hàng hiện chỉ còn 2,5 triệu đồng/chuyến với một container hàng 20 feet, giảm mạnh so với mức phí vận chuyển lên tới 3,2 triệu đồng/chuyến vào năm 2016.

"Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng gần 3.000 đồng/lít, chưa kể tiền công cho tài xế, lơ xe và nhiều chi phí khác đều tăng mạnh, trong khi giá vận chuyển lại giảm đáng kể so với trước, doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải nặng, không thua lỗ hay bán xe mới là chuyện lạ" - ông Lợi nói.

Theo ông Nguyễn Văn Chánh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, việc thiếu nguồn hàng, giá cước giảm mạnh do cạnh tranh trong khi vẫn phải "gánh" các loại phí bảo trì đường bộ, phí BOT, phí thuê bãi đậu... và giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy nhiều doanh nghiệp vận tải vào cảnh thua lỗ, phải bán rẻ xe. 

"Việc tăng giảm chi phí xăng dầu tác động đến chi phí doanh nghiệp vận tải và chủ hàng. Tuy nhiên, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng" - ông Chánh nói.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị giá xăng dầu kỳ điều hành tới cần cân nhắc kỹ theo đúng nguyên tắc hài hòa quyền lợi doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng, trong đó cần lưu tâm giá điện đã tăng, người tiêu dùng cũng đã chia sẻ nhiều, nhiều doanh nghiệp đang lỗ. Nhà nước cũng nên tính toán khả năng hài hòa quyền lợi qua công cụ thuế phí.

Ý kiến của bạn

Bình luận