Gia Lai: Những kết quả ấn tượng trong phát triển hạ tầng giao thông

Thị trường 02/10/2016 11:08

Xác định được vai trò và tầm quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông địa phương trên toàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng kể.

1
Ông Nguyễn Hữu Quế vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và biểu dương

Để làm rõ kết quả đạt được cũng như những giải pháp trong thời gian tới, PV Tạp chí GTVT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai xung quanh việc phát huy vai trò nòng cốt trong sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin ông cho biết việc thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào và còn bộc lộ những hạn chế gì?

Ông Nguyễn Hữu Quế: Với tổng chiều dài đường bộ của tỉnh Gia Lai lớn, kết cấu phức tạp, được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, những năm qua hạ tầng giao thông đường bộ Gia Lai được chú trọng đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, nhưng vẫn chưa tương xứng. Toàn tỉnh Gia Lai hiện nay vẫn còn hơn 53% tổng chiều dài đường bộ có kết cấu mặt đường là đường đất. Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT tỉnh Gia Lai đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 của UBND tỉnh, trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, QL19 sẽ đạt tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III (miền núi và đồng bằng), QL14C đạt cấp IV (miền núi), QL25 đạt cấp III (miền núi và đồng bằng). Hệ thống đường tỉnh, ngoài một số tuyến đã được đầu tư hoàn chỉnh đúng theo quy hoạch như ĐT661, ĐT664 thì vẫn còn nhiều tuyến như ĐT662B, 663, 665, 666… cần được tiếp tục đầu tư. Như vậy, trước mắt ngành GTVT Gia Lai vẫn cần nguồn vốn không nhỏ để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường theo đúng quy hoạch đề ra.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có một số công trình hạ tầng giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)… Tuy nhiên, số vốn vay còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhằm xây dựng mạng lưới giao thông thuận lợi để phục vụ đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT tỉnh Gia Lai đến năm 2020 đã được phê duyệt, tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện kêu gọi đầu tư các gói thầu dưới nhiều hình thức khác nhau như: BOT, BT, BTO…

PV: Thưa ông, quy hoạch phát triển ngành GTVT Gia Lai trong tương lai sẽ có điểm nhấn và sự bứt phá đổi mới như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Quế: Thứ nhất, về kết cấu hạ tầng giao thông sẽ xây dựng tuyến đường cao tốc Quy Nhơn - PleiKu - cửa khẩu Lệ Thanh với tổng chiều dài 160km, quy mô 4 làn xe. Tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai với chiều dài 97km quy mô 4 làn xe; các tuyến QL14, 19, 25 được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III (đồng bằng và miền núi). Đường tỉnh, đường liên huyện đến năm 2020 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi…

Về phương tiện vận tải, đến năm 2020, tổng số phương tiện vận tải hàng hóa đạt trên 44.000 xe, phương tiện vận tải hành khách đạt trên 7.000 xe, đáp ứng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 33 triệu tấn/năm, khối lượng vận chuyển hành khách đạt trên 15 triệu HK/năm.

Hệ thống bến xe đến năm 2020 đạt tối thiểu 26 bến xe tại trung tâm các huyện, thị xã, riêng TP. Pleiku có 3 bến xe khách và 01 bến xe bus. Những dự án trên hoàn thành sẽ là điểm nhấn về kết cấu hạ tầng phối hợp đồng bộ với số lượng phương tiện và dịch vụ hỗ trợ vận tải, góp phần nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho nhân dân.

2
QL14 đoạn qua tỉnh Gia Lai

PV: Xin ông cho biết những giải pháp tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả và phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đồng thời khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có?

Ông Nguyễn Hữu Quế: Gia Lai là một tỉnh miền núi, với địa hình đồi núi, nhiều đèo dốc quanh co, vì vậy ở địa phương tồn tại và phát triển hai phương thức vận tải, đó là vận tải bằng đường bộ và đường hàng không, trong đó vận tải bằng đường bộ chiếm tỷ trọng lớn với gần 98% sản lượng.

Với đặc điểm điều kiện địa lý, cùng với đó là hệ thống mạng lưới đường bộ phát triển mạnh, hệ thống đường tỉnh, đường huyện được xây dựng khá hoàn chỉnh, kết nối các trung tâm hành chính, khu dân cư trong tỉnh với nhau, hệ thống quốc lộ kết nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền Trung, Nam Trung bộ và cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, góp phần thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian tới, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch và nâng cấp một số đường tỉnh thành quốc lộ, bởi các hệ thống hạ tầng giao thông này đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai hiện đang được Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng.

Có thể nói, vận tải đường bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động vận tải đường bộ luôn ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, dịch vụ đời sống người dân.

Địa phương tiếp tục tổ chức hợp lý các đầu mối vận tải tại trung tâm tỉnh lỵ, các khu vực trọng điểm của tỉnh, phát triển các đầu mối gom hàng, vệ tinh; thực hiện có hiệu quả việc tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; khuyến khích các đơn vị vận tải tăng quy mô doanh nghiệp vận tải; bám sát và xây dựng nâng cấp các công trình giao thông tuân thủ theo quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng; chú trọng tăng cường công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt o

PV: Xin cảm ơn ông!

Qua tìm hiểu của PV, cho đến thời điểm hiện tại, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai 5 năm trở lại đây được đầu tư 2.250,53 tỷ đồng để nâng cấp và mở mới (trong đó: Ngân sách tỉnh: 513,53 tỷ, ngân sách huyện: 454,99 tỷ, dân đóng góp: 152,93 tỷ, nguồn khác: 589,89 tỷ, Trung ương hỗ trợ: 515,25 tỷ, trái phiếu Chính phủ: 24,12 tỷ, ngày công huy động: 25.352,0 ngày công). Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông địa phương trên toàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng kể như: Làm mới được 313,06km đường (bao gồm đường huyện, đường xã, đường thôn) và nâng cấp, sửa chữa: 1.213,2km (trong đó: Bê tông nhựa 152,8km, láng nhựa: 369,5km, bê tông xi măng: 672,8km, mặt đá dăm: 96,7km, cấp phối: 236,4km); xây dựng mới 34 cầu/1.475,6md cầu các loại, 1.510 cống/10.000md cống các loại…

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận