Gia Lai: Nhiều tắc trách trong hỗ trợ hạn hán

Tác giả: Trọng Hùng

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 28/07/2016 16:09

Hàng trăm người dân đã lên trụ sở UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai yêu cầu làm rõ việc chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn hán.

 

Ảnh 1 (1)

Người dân đã H’Bông kéo nhau lên trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ chi trả tiền hỗ trợ hạn hán ngày 25-7. Ảnh: Trọng Hùng

Ngày 25/7 vừa qua, hàng trăm người dân đã kéo nhau lên trụ sở UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai yêu cầu làm rõ việc chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn hán.

Vụ việc được các hộ dân cho biết, trong đợt hạn vừa qua có rất nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do hạn hán gây nên nhưng không được nhận tiền hỗ trợ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là phó thủ tướng) trong chuyến thị sát tình hình hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên vào 24/3/2015. Tại đây Thủ tướng chỉ đạo rõ, không được để dân đói, dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ ngân sách cho các hộ dân bị thiệt hại do hạn hán gây nên, tham gia chống hạn giúp nhân dân, chăm sóc cây công nghiệp khi cây lúa đã bị mất trắng.

Tuy nhiên, trong danh sách nhận tiền hỗ trợ của xã H’Bông thì những hộ dân bị thiệt hại thật sự lại không có, thay vào đó là những hộ dân không hề bị ảnh hưởng gì, thậm chí có hộ dân không hề có một cây cà phê hay cây tiêu nào nhưng lại được nhận tiền hỗ trợ.

Trao đổi với PV,  ông Nguyễn Anh Văn, trưởng thôn Ia Sa cho biết, trước đây có rà soát những hộ bị ảnh hưởng, lập danh sách để chính quyền hỗ trợ nước tưới cứu cây trồng. Tuy nhiên mới thống kê được 40 hộ dân thì nghe tin chính quyền chỉ hỗ trợ cho người đồng bào dân tộc thiểu số nên thôi không tiếp tục thống kê nữa. Vừa qua cả thôn có 28 trường hợp được nhận nhưng cũng không phải nằm trong 40 người ông đã lập danh sách trình cho UBND xã. “Nhiều trường hợp trong danh sách này được nhận tiền mà diện tích rất ít, không bị ảnh hưởng là rất vô lý” – ông Văn nói.

Bức xúc trước vụ việc, ông Bùi Quang Thu (thôn Ia Sa, xã H’Bông) nói: “Gia đình tôi có 1.000 trụ tiêu thì đợt hạn vừa qua làm chết 500 trụ nhưng không được hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều người không có trồng cây tiêu, cây cà phê nào bị thiệt hại như bà Nguyễn Thị Huệ (hội cao tuổi) và ông Nguyễn Phi Hùng (hiệu trưởng trường tiểu học xã H’Bông) thì được nhận được tổng cộng 5 triệu đồng hỗ trợ”.

Anh Trần Quốc Tuấn (cùng thôn Ia Sa) chia sẻ, gia đình có 700 trụ tiêu bị chết hết nhưng không nhận được đồng nào tiền hỗ trợ. Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Hồ Văn Đại (làng Đek) bị chết 400 trụ hồ tiêu cũng không nhận được tiền hỗ trợ. Sáng ngày 25-7, anh Đại cùng người trong xã kéo nhau lên hỏi thì được cán bộ xã trả lời từ từ sẽ giải quyết. “Nhiều nhà không trồng cây nào thì lại được hỗ trợ trong khi đó nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, thiệt hại nhiều lại không được đồng nào. Vậy thử hỏi công bằng ở đâu?” – anh Đại bức xúc nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Trọng Lễ - Phó chủ tịch UBND xã H’Bông cho rằng danh sách các hộ được nhận tiền do cán bộ địa chính nông nghiệp xã đi khảo sát, thực hiện và người dân bị thiệt hại trực tiếp tới thông báo. “Thực chất khi cán bộ đi rà soát thì một số hộ dân lại không báo, sau này được hỗ trợ thì lại phàn nàn. UBND xã đang cho rà soát lại” – ông Lễ nói.

Sau khi người dân kéo lên UBND xã yêu cầu làm rõ, Đảng ủy xã đã yêu cầu các cán bộ quản lý trực tiếp phải giải trình cụ thể. Ông Nguyễn Cẩm – Bí thư Đảng ủy xã H’Bông nói: “Danh sách các hộ dân được nhận tiền “có vấn đề”, hỗ trợ là chủ trương lớn của Nhà nước, tôi đang yêu cầu giải trình xem có phải lập danh sách theo kiểu cảm tính, thích ai thì cho người đó nhận không. Nếu ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm”- ông Cẩm nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp – trưởng phòng NN-PTNN huyện Chư Sê, toàn huyện được hỗ trợ 7 tỷ đồng, trong đó xã H’Bông là 381 triệu đồng. Mức hỗ trợ dựa trên mức độ thiệt hại của cây trồng. Đối với những cây bị thiệt hại từ 70% đến mất trắng thì nhận 4 triệu/ha. Những hộ 30-70% thì được 2 triệu/ha. Phòng NN-PTNN căn cứ trên danh sách các xã đưa lên để cấp tiền. “Việc bị bỏ sót đối với người bị thiệt hại là do chính quyền địa phương không rà soát kỹ. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, thống kê lại các hộ chưa được trợ cấp để tham mưu cho UBND huyện có hướng xử lý” – ông Hợp thông tin.

Liên quan đến vụ việc, tại thôn An Hòa có 276 hộ đều có diện tích cây nông nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 20 hộ được nhận tiền hỗ trợ. Trong đó có nhiều diện tích cạnh nhau, bị thiệt hại như nhau mà người được nhận hỗ trợ, người thì không. Diện tích bị thiệt hại nặng lại không được hỗ trợ trong khi diện tích nhẹ hơn thì lại được là không công bằng.

Các hộ dân phản ánh, việc lập danh sách là do trưởng thôn Lê Hoàng Anh tự lập, không thông qua người dân. Thậm chí, nhiều người có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ không hề có cây cà phê hay cây tiêu nào.

Giải thích về việc lập danh sách này, ông Lê Hoàng Anh, trưởng thôn An Hòa, cho biết đây là công tác thường niên. Những hộ nằm trong danh sách là những hộ ở gần nhà ông, ông biết nên đưa vào danh sách. “Tôi khẳng định danh sách này tôi lập công tâm, không ai trong số này là bà con, thân thích”- ông Anh nói và cho biết việc không họp dân công khai việc hỗ trợ này để bầu chọn hoặc khảo sát đánh giá mức độ thiệt hại là do “không có hướng dẫn, các thôn khác cũng lập danh sách như vậy thôi”.

Ông Phạm Văn Xứng, Chủ tịch UBND xã Ia Drăng cho biết trưởng thôn An Hòa đã nhận khuyết điểm vì lập danh sách theo kiểu qua loa, đại khái, làm cho có, thiếu chính xác. “Hiện xã đang kiểm tra lại các hộ nhận tiền hỗ trợ có đúng theo quy định không, nếu không đúng sẽ vận động thu hồi, lỡ sai rồi thì phải làm lại” - ông Xứng nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận