Gặp người Việt Nam làm "tàu ngầm tàng hình, tốc độ hơn tàu khu trục"

20/07/2015 15:30

Theo ông Phan Bội Trân, cả vỏ tàu và ống tiềm vọng của tàu ngầm Yết Kiêu đều làm từ vật liệu composite trong suốt với sóng điện từ.

gap-nguoi-vn-lam-tau-ngam-tang-hinh-toc-do-hon-tau
Ông Phan Bội Trân chia sẻ về tàu ngầm Yết Kiêu với phóng viên

"Cấu tạo tàu ngầm đơn giản lắm"

Ông Phan Bội Trân là hậu duệ của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Trong những năm 1970, ông Trân du học tại Pháp về hóa học, composite và nhựa kỹ thuật. Sau đó, ông ở lại làm việc cho các hãng chuyên về làm tàu ngầm và vỏ trực thăng. Năm 2006 ông về Việt Nam, đầu tư vào ngành thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em…

PV: Xuất phát từ ý tưởng nào, ông đã quyết tâm chế tạo tàu ngầm với những điều kiện ở Việt Nam, thưa ông?

Ông Phan Bội Trân: Tôi nghiên cứu về tàu ngầm với mục tiêu để phục vụ quốc phòng. Lúc tôi ở bên Pháp, tôi đã làm nghề đó và bây giờ mình ứng dụng. Thực tế, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm được ra tàu ngầm nhưng điều đó không cho họ sức mạnh.

Tôi nghĩ rất nhiều và suy nghĩ về lịch sử: Muốn hùng mạnh thì khi giao chiến mình không bị tiêu hao lực lượng. Từ đó, tôi mới nghĩ ra vũ khí và tổ hợp khí tài khiến mình khó bị tiêu hao lực lượng.

Tiền thừa kế của tôi có thể giúp tôi chế tạo được một tổ hợp khí tài đủ mạnh. Và nếu chỉ có tàu ngầm thì sẽ chẳng làm được gì cả nên tôi thiết kế cả ngư lôi.

Ngư lôi của tôi là loại đặc chủng, không giống bất kỳ loại nào. Khi tôi làm xong, trên cơ sở đó, Nhà nước có thể sản xuất với số lượng lớn, đảm bảo vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

PV: Như đã có lần ông chia sẻ với báo giới rằng, vấn đề khi ông chế tạo tàu ngầm không phải nằm ở khả năng chế tạo thành công mà ở chỗ chế tạo với điều kiện Việt Nam. Nhưng với nhiều người, nhắc đến tàu ngầm là nhắc tới một thứ vũ khí gì đó rất hiện đại và khó có thể tin được điều kiện kinh tế của Việt Nam có thể cho phép chúng ta chế tạo được nhiều tàu ngầm. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn về ý tưởng này?

Ông Phan Bội Trân: (Cười). Cấu tạo chiếc tàu ngầm thì đơn giản lắm. Thứ nhất, nó có dạng hình trụ hoặc dạng hình cầu. Đó là hai dạng có khả năng chịu áp suất rất tốt. Thứ hai, nó có những bồn nước và có những kỹ thuật đặc thù của ngành composite để sản xuất bồn nước bằng composite.

Ngoài ra, các nguyên lý khác cũng rất dễ hiểu. Nếu bơm nước vào, làm giảm lực Ác - si- mét (lực nâng vật thể khi vật thể được nhúng trong chất lỏng - PV) thì nó sẽ lặn xuống, còn bơm nước ra làm tăng lực Ác - si - mét thì nó sẽ nổi lên.

Còn những chiếc van để xả nước hoặc bơm nước thì bạn nhìn trong nhà bếp, những chiếc van nước như thế nào thì những chiếc van trong tàu ngầm cũng tương tự như thế.

Ngoài vỏ tàu ta có thể chế tạo dễ dàng, về động cơ, đó là loại động cơ đặc chủng dành riêng cho tàu ngầm, không giống những loại động cơ bình thường.

Trước đây động cơ phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng hiện nay, sau khi đã mua bản quyền từ Pháp, chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất được. Điều này có thể giúp chúng ta chủ động nguồn cung động cơ hơn.

Chiếc tàu ngầm đó chạy bằng động cơ điện 3 pha. Nhưng dòng điện 3 pha này được lấy từ dòng 1 chiều qua 1 thiết bị có thể điều chỉnh được cường độ, tần số.

Loại động cơ này cho phép tiết kiệm 30% năng lượng so với các loại động cơ khác nên nó cho phép tàu hoạt động trong thời gian dài hơn.

Còn về bảng điều khiển, tàu ngầm có 2 hệ thống điều khiển. Phần điều khiển động cơ thì chúng ta đã mua bản quyền và sản xuất được rồi. Còn hệ thống điều khiển chiếc tàu ngầm, chúng ta cũng đã thiết kế và sản xuất được.

Về vũ khí của tàu ngầm là ngư lôi, cái đó cũng do chúng ta sản xuất hoàn toàn nhưng phải theo quy định của Nhà nước.

Chiếc tàu ngầm của tôi có thể đứng yên một chỗ và quay được 1 vòng theo trục thẳng đứng, chạy tới chạy lui cả khi nổi lẫn khi lặn. Nó có thể chạy được 50 hải lý/h và đó là điều không tưởng với 1 chiếc tàu ngầm.

Tàu ngầm Yết Kiêu tàng hình và chạy nhanh hơn tàu khu trục

PV: Ông có nói là chiếc tàu ngầm Yết Kiêu của ông có khả năng “tàng hình”. Những điểm đặc biệt nào khiến chiếc tàu ngầm do ông tạo ra có khả năng thoát các phương tiện chống ngầm, thưa ông?

Ông Phan Bội Trân: Trên mỗi chiếc tàu chống ngầm sẽ có một chiếc trực thăng và chiếc trực thăng đó bay lên thẳng. Chiếc trực thăng đó có thể đi xa và thả phao. Những chiếc phao đó là những chiếc máy ghi âm.

Tuy nhiên, về chiếc tàu ngầm của tôi, vật liệu được sử dụng làm vỏ tàu là vật liệu composite với nền nhựa và cốt là sợi thủy tinh.

Sợi thủy tinh trong suốt với radar và cũng trong suốt với ánh sáng. Còn nhựa là vật liệu trong suốt với radar. Vì vậy, sự kết hợp chúng thành vật liệu composite để làm vỏ tàu sẽ làm cho tàu gần như trong suốt.

Với ưu điểm là nhẹ nên tàu ngầm của tôi chạy với tốc độ [khoảng 50 hải lý/h] hơn một chiếc tàu khu trục. Đó là một sự đột phá.

Ngay cả ống tiềm vọng cũng làm từ vật liệu composite với thành phần như vỏ. Loại vật liệu này không bức xạ lại sóng điện từ nên radar của đối thủ sẽ không phát hiện được.

gap-nguoi-vn-lam-tau-ngam-tang-hinh-toc-do-hon-tau
Tàu ngầm Yết Kiêu 1 trong lần thử nghiệm tại hồ bơi của Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP HCM năm 2010.

Về khả năng tàng hình, nếu là tàu mặt nước, ưu điểm từ vỏ tàu không thể làm cho nó tàng hình được theo đúng nghĩa bởi vật liệu composite gần như trong suốt với sóng điện từ nhưng khi sóng điện từ từ radar của đối phương truyền qua vỏ tàu, nó sẽ chạm lại động cơ.

Mà động cơ làm bằng kim loại nên nó không thể tự “tàng hình” được. Ngoài ra những hệ thống điều khiển và các thiết bị khác trên tàu ngầm cũng không có khả năng tự tàng hình.

Vì thế, để tàu nổi trở nên “tàng hình” thì người chế tạo phải sơn 1 lớp sơn kim loại lên vỏ tàu để khi tia radar truyền đến thì lớp sơn này có tác dụng là đánh chệch hướng tia radar phản xạ, khiến cho radar không nhận được tia phản hồi. Như vậy nó sẽ “tàng hình” với radar.

Tuy nhiên, do tàu ngầm nằm sâu trong nước nên tàu ngầm không cần phải sơn lớp sơn đó. Nước lại là áo giáp không cho các tia radar tới. Nó chỉ bị phát hiện bởi ống tiềm vọng và tháp của tàu vì ở các loại tàu ngầm khác, ống tiềm vọng và tháp tàu được làm bằng kim loại.

Ở chiếc tàu ngầm của tôi, ống tiềm vọng và cả tháp tàu đều được làm bằng vật liệu composite nên nỗi lo đó đã được loại bỏ. Chính vì vậy tôi chỉ nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chứ không chế tạo tàu trên bề mặt nước.

Và với 2 ưu điểm là lớp vỏ bằng composite cùng với tốc độ lớn nên khả năng thoát tàu chống ngầm của tàu ngầm do tôi tạo ra sẽ lớn hơn các loại tàu ngầm khác.

PV: Ngoài ưu điểm trên, tàu ngầm do ông tạo ra còn có ưu điểm nào nổi bật, thưa ông?

Ông Phan Bội Trân: Còn một lợi ích rất lớn là lợi ích về kinh tế. Nếu vỏ tàu được chế tạo bằng vật liệu composite thì ưu điểm này sẽ cho phép chúng ta có thể tạo ra được rất nhiều tàu ngầm chỉ với chi phí nhỏ.

Chỉ với 10.000 USD là mình có thể làm được vỏ tàu cho một hạm đội rồi. Trong khi đó, 10.000 USD so với giá trị của 1 chiếc tàu ngầm Kilo thì không đáng kể.

Bên cạnh đó còn tổ hợp khí tài. Ngư lôi cũng chạy nhanh hơn ngư lôi của đối thủ và loại này bắn không phải dạng đục lỗ mà là loại ngư lôi có thể bắn gẫy đôi đối thủ.

Ngoài ra còn có những loại vũ khí khác... Vũ khí này được điều khiển và đuổi bám tấn công đối thủ tùy theo hướng của xạ thủ.

Ý kiến của bạn

Bình luận