Đường thủy nội địa: “Vươn mình” nhờ ứng dụng công nghệ

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Ứng dụng 07/06/2019 15:37

Trong những năm qua, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) liên tục là lĩnh vực dẫn đầu ngành GTVT trong việc ứng dụng công nghệ làm “thay da đổi thịt”, tối ưu hóa hơn việc khai thác hình thái giao thông thế mạnh của đất nước.

 

DSC00391
 

 Thay thế phương thức thủ công

Vươn mình trỗi dậy từ năm 2015, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, vận hành, góp phần rất đáng kể trong việc thúc đẩy sự phát triển liên tục của giao thông ĐTNĐ. Các ứng dụng được triển khai rộng rãi và đồng bộ từ Cục đến các đơn vị trực thuộc để công tác quản lý, điều hành thuận lợi và nhanh chóng.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Loan - Phụ trách Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng (Cục ĐTNĐ Việt Nam) chia sẻ, những công nghệ hiện đại được áp dụng thời gian qua đã thực sự làm thay đổi mạnh mẽ ĐTNĐ, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như hệ thống đo mực nước tự động đã làm cho việc cung cấp thông tin về mực nước trở nên chính xác và kịp thời. Trước đây, mỗi trạm đo mực nước phải bố trí 3 ca trực, cán bộ xuống tận nơi ghi chép về mực nước vào sổ sách, dẫn tới việc thông tin về mực nước luôn bị cũ và thiếu phù hợp với thực tế. Công nghệ đo mực nước mới đã thực sự chuyển hóa toàn bộ nghiệp vụ này. Dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ tự động hóa toàn bộ hệ thống đo mực nước, cung cấp thông tin trực tuyến kịp thời và chính xác cho người dân và doanh nghiệp. Thông tin được cập nhật đầy đủ trên hệ thống phần mềm như vị trí, mực nước cao nhất, thấp nhất.

Cùng với đó, hệ thống đèn báo hiệu năng lượng mặt trời lắp đặt GPS cũng giúp công tác quản lý, giám sát trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao. Hiện nay, toàn bộ hệ thống hơn 18 nghìn phao, báo hiệu đã được “số hóa” trên phần mềm. Đèn báo hiệu trên phao có gắn hệ thống giám sát tình trạng hoạt động và cảnh báo dời vị trí, cảnh báo về các tính năng hỗ trợ cảnh báo giao thông. Khi có bất kỳ hiện tượng bất thường nào, hệ thống sẽ tự động báo về Cục để xử lý. Việc này làm cho Cục tăng cường quản lý các phao báo hiệu.

“Với phạm vi quản lý lên tới gần 7.000km đường thủy, việc theo dõi, giám sát theo phương thức truyền thống đối với các hoạt động trong hệ thống kết cấu hạ tầng thực sự rất khó khăn. Với việc ứng dụng công nghệ mới có thể kiểm tra ở bất cứ đâu bằng máy tính, thậm chí là sử dụng điện thoại di động cũng có thể đăng nhập vào hệ thống theo dõi. Trên thực tế, các đơn vị phụ trách quản lý đã có thể lần theo tín hiệu GPS và thu hồi nhiều phao tiêu báo hiệu bị thất lạc, trộm cắp…”, ông Loan chia sẻ.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý Bảo trì ĐTNĐ số 10, công tác trực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo trì đã mang đến khả năng kết nối rộng, phát hiện kịp thời và khắc phục nhanh chóng những tình huống, sự cố xảy ra trên tuyến luồng như: Phao trôi lệch vị trí, đèn tín hiệu yếu hoặc hư hỏng, trộm cắp…

Số hóa các lĩnh vực hoạt động

Ông Trương Trọng Doanh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế và Môi trường (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, hiện nay Cục đã và đang tập trung cao độ trong việc ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa theo xu hướng “số hóa” từ góc độ quản lý đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 16 ứng dụng công nghệ thông tin đã được Cục triển khai, trong tất cả các lĩnh vực hoạt động quản lý, trong đó nổi bật như: Văn phòng điện tử (I-river); Dịch vụ công trực tuyến; Chữ ký số; Quản lý nghiệp vụ cảng vụ bằng danh bạ trực tuyến, quản lý phương tiện ra vào cảng, bến qua các phương thức như: website, email, tin nhắn sms, fax, điện thoại; Hải đồ điện tử đường thủy I-ENC; Phần mềm quản lý đăng ký phương tiện, quản lý bằng, CCCM; các phần mềm phục vụ vận tải và ATGT…

“Các kết quả đạt được trong thời gian qua đã tăng cường tính công khai, minh bạch; giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước cũng hiện đại hơn rất nhiều nhờ thay thế các lao động thủ công bằng công nghệ, máy móc, tăng cường độ chính xác của các số liệu, hỗ trợ công tác tra cứu, quản lý và ra quyết định; giảm thời gian và tiết kiệm chi phí công tác quản lý, bảo trì”, ông Doanh khẳng định.

Cũng theo ông Doanh, trong năm 2019 Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ duy trì tốt các ứng dụng đã triển khai, đồng thời tiếp tục thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa từ quản lý hạ tầng đến điều hành giao thông thủy. Trên hệ thống luồng tuyến chính, Cục sẽ nâng cấp, bổ sung các trạm thu, phát tín hiệu tự động AIS, VHF để cung cấp thông tin, liên lạc cho phương tiện, tối ưu hóa thuận lợi giao thông trên hai trục vận tải quan trọng là Hành lang đường thủy số 1 Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Phương tiện lưu thông trên hai tuyến này sẽ được phục vụ bằng thủy đồ điện tử trực tuyến, với các tính năng dẫn hướng, cảnh báo cho phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn

Ý kiến của bạn

Bình luận