Đường thủy làm gì để “vượt sóng” Covid-19?

Tác giả: Hiền Thanh

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/05/2020 06:37

Dịch Covid-19 diễn ra được ví như “cơn sóng” lớn khiến cho các doanh nghiệp vận tải thủy “lao đao” không kém các lĩnh vực khác trong ngành GTVT. Bằng nhiều nỗ lực, ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đã có những giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định tiến tới thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

thuy 1_1
Các doanh nghiệp chở khách du lịch trên lòng hồ Hòa Bình "lao đao" vì dịch Covid-19

Vận tải thủy “lao đao” vì Covid-19

Theo đánh giá của Bộ GTVT, thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19, gần như toàn bộ hoạt động vận tải khách bằng ĐTNĐ tạm ngưng hoạt động. Đối với 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao thì dừng các phương thức vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, vận tải khách du lịch, vận tải theo tuyến cố định, vận tải khách Việt Nam - Campuchia. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải từ bờ ra đảo và vận tải khách ngang sông chỉ hoạt động trong trường hợp thật sự cần thiết, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Theo đánh giá, lĩnh vực vận tải khách du lịch bị tác động nặng nề nhất do dịch Covid-19. Ông Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng cho biết, thông thường từ tháng 02 đến tháng 3 là mùa cao điểm trong năm, mỗi tuần có 7 - 10 chuyến tàu du lịch, chiếm 1/3 doanh thu của cả năm. Thế nhưng, từ đầu năm 2020 đến nay, cả 3 tàu du lịch sông Hồng của Xí nghiệp với sức chở 40 - 150 khách, giá trị lên tới 3 tỷ đồng chưa một lần rời bến Chương Dương (Hà Nội) vì không có khách. Điều này chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, thu nhập của người lao động. Trước tình hình đó, Xí nghiệp đã phải cho 30% nhân sự nghỉ không lương, sắp tới số người nghỉ có thể tăng lên 50%, doanh thu gần như không có, trong khi Xí nghiệp đang phải gánh thêm nhiều chi phí, trong đó có tiền thuê đất hơn 50 triệu đồng/tháng, lương nhân viên...

Tương tự, trên lòng hồ Hòa Bình, trái với cảnh dập dìu “trên bến, dưới thuyền” như những năm trước đây, từ tháng 3/2020 đến nay, hơn 100 tàu khách du lịch ở hồ Hòa Bình nằm neo đậu trong cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Các hoạt động vận tải khách du lịch đều dừng hẳn, hàng nghìn lao động không có việc làm, thu nhập. Một chủ tàu than vãn, năm trước vay mượn được hơn 01 tỷ đồng để đóng tàu mới nhưng chỉ chạy được 02 chuyến đã phải nghỉ, giờ không có việc nên không còn cách nào khác ngoài việc khất nợ. Tất cả các tàu nghỉ hoạt động nên cảng thủy du lịch Thung Nai - cảng lớn nhất ở đây cũng phải đóng cửa theo. Ông Lê Hồng Sơn - Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II tại Hòa Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tất cả tàu du lịch đều neo đậu một chỗ khiến hàng trăm hộ gia đình không có việc làm, mất thu nhập.

Trong khi vận tải khách thủy phải dừng hẳn thì vận tải hàng hóa cũng hoạt động trong tình cảnh cầm chừng. Mặc dù các doanh nghiệp vận tải hàng hóa ĐTNĐ vẫn duy trì được hoạt động nhưng sản lượng vận tải giảm so với cùng kỳ bởi các cơ sở sản xuất kinh doanh dừng hoạt động do giãn cách xã hội, lượng hàng hóa vận chuyển trong quý I/2020 chỉ đạt 24,11 triệu tấn; mức luân chuyển hàng hóa đạt 5.264,8 triệu tấn.km, giảm lần lượt là 10,7% và 8,8% so với tháng 01 (so với thời gian trước khi có dịch), vận tải hàng giảm lần lượt trên 10%; mức luân chuyển hàng giảm gần 9% so với tháng 01.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải ven biển (tàu SB) chạy tuyến Bắc - Nam, không những từng con tàu phải thay nhau nghỉ vì không có nguồn hàng mà còn bị tàu biển chạy tuyến quốc tế quay về cạnh tranh. Trong đó, phải kể đến mặt hàng sắt thép, bột đá, clinker và hàng tiêu dùng giảm khoảng 30%, lại thêm tàu biển chạy tuyến quốc tế không có việc, quay về hoạt động nội địa khiến các tàu SB gặp khó. Dù các tàu SB đã giảm giá cước 10 - 15% nhưng vẫn ít đơn hàng. Trung bình, chi phí cho mỗi tàu nằm bờ khoảng 15 triệu đồng/ngày nên đơn vị buộc phải giảm 30% lương của tất cả lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trước thực trạng đó, hầu hết doanh nghiệp vận tải thủy mong muốn Nhà nước cần có đánh giá để chia sẻ khó khăn và có những giải pháp hỗ trợ, trong đó có thể tính đến việc giãn, giảm nộp thuế, phí, lãi suất vay ngân hàng.

Nỗ lực “vượt sóng” Covid-19

Ngay từ những ngày đầu “dập dịch”, các đơn vị trong ngành ĐTNĐ đã chủ động triển khai phòng, chống các nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong hoạt động giao thông thủy nội địa. Theo ông Lê Đức Cường - Quyền Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II, đơn vị đã ban hành 17 văn bản để chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn tại các phòng, ban; CBVC khi đến làm việc đều được đo nhiệt độ trước khi vào cơ quan. Cảng vụ đã chỉ đạo Đại diện Hòa Bình, Hà Nội yêu cầu các chủ cảng, bến khách, phương tiện chở khách du lịch tại khu vực lòng hồ Hòa Bình, du lịch sông Hồng ngừng hoạt động, không vận chuyển khách du lịch.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ra, vào cảng, bến làm thủ tục và xếp dỡ hàng hóa thuận tiện, Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I đã áp dụng công nghệ thông tin thực hiện việc làm thủ tục vào, rời cảng, bến cho phương tiện bằng tin nhắn, email, zalo…; thu phí và lệ phí bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đại lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thuyền viên lên bờ làm thủ tục. Theo ông Văn Trọng Dũng - Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực I, để phòng chống dịch Covid-19, đơn vị yêu cầu tất cả thuyền viên của phương tiện được phép lên bờ làm thủ tục vào, rời cảng, bến hoặc công tác khác phải thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang. Các thuyền viên khác làm việc trên tàu không được lên bờ, chỉ được phép lên bờ trong trường hợp cần thiết và chỉ trong phạm vi cảng, bến. Đối với những người đi trên tàu nhưng không phải là thành viên trên tàu, đơn vị thực hiện thông báo cho các địa phương để có biện pháp tổ chức cách ly y tế theo quy định.

Để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tiến hành rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để giảm chi phí trong lĩnh vực ĐTNĐ. Theo đó, Cục đề nghị Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ hàng loạt giải pháp đối với giá, phí, lệ phí cho phù hợp với tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, cần giảm thuế VAT cho phương thức vận tải container bằng ĐTNĐ từ 10% xuống 5%, qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy; tiến hành xem xét việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 15%/năm đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy Việt Nam - Campuchia; giảm lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực đường thủy xuống còn ở mức 4,5%/năm. Ngoài ra, cần miễn 100 phí neo đậu, lệ phí cảng, lệ phí hoa tiêu, phí đảm bảo hàng hải... trong trường hợp phương tiện thủy bị cách ly bắt buộc, phải dừng hoạt động để khử trùng, thay đổi thuyền viên mới khi thuyền viên cũ bị phát hiện dương tính với Covid-19; đề nghị các doanh nghiệp cảng biển giảm 30% giá dịch vụ tại các cảng biển lớn trong thời hạn 6 tháng. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hải Phòng xem xét không thu phí cơ sở hạ tầng đối với container hàng hóa xuất nhập khẩu được vận tải bằng ĐTNĐ...

Ý kiến của bạn

Bình luận