Đường sắt Việt Nam vượt qua năm khó khăn nhất trong lịch sử thế nào?

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Sự kiện 19/02/2021 07:41

Bên cạnh những khó khăn cố hữu như vốn ít, công nghệ lạc hậu, hạ tầng cũ kĩ, đường đơn, khổ hẹp, không đồng đều tải trọng, hơn 14.000 vị trí bị xâm phạm hành lang ATGT... thì đại dịch Covid-19 và thiên tai tại miền Trung vừa qua ập đến khiến 2020 trở thành năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành Đường sắt nói chung và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) nói riêng.

 

Tau qua Ca Na (5)
 

Năm khó khăn nhất trong lịch sử

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, nguồn vốn đầu tư cho ngành Đường sắt trong giai đoạn 2010 - 2020 khoảng hơn 40.000 tỷ đồng, trung bình hơn 4.000 tỷ đồng/năm. Nếu không tính đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì nguồn lực đầu tư cho đường sắt quốc gia chỉ khoảng 2.200 - 2.500 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn cho đường sắt có tăng lên trong những năm gần đây nhưng không nhiều, chủ yếu để duy trì chạy tàu, bảo trì kết cấu hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh cho rằng, cũng vì nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt còn quá thấp so với nhu cầu nên ngành Đường sắt có tính hấp dẫn ít nhất trong các phương thức vận tải. Với các ngành khác, khi đầu tư hạ tầng sẽ tạo ra một dòng sản lượng mới, còn với đường sắt chỉ đầu tư để thay thế cái cũ chứ không tạo ra dòng sản lượng mới.

Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã khiến những tuyến đường sắt chủ đạo phục vụ khách du lịch bị lỗ nặng, tuyến Hà Nội - Lào Cai gần như tê liệt, phải tạm dừng hoạt động hoặc cắt tần suất chạy tàu, một số tuyến gần như không có khách, có những chuyến tàu chỉ còn 10 - 15% khách mà vẫn phải duy trì chạy. Bên cạnh đó, bão lũ năm 2020 khiến hàng trăm chuyến tàu phải dừng giữa chừng hoặc chuyển tải, hàng nghìn chuyến tàu bị chậm trễ, chưa bao giờ chỉ số đúng giờ lại thấp như năm 2020. Những điều này dẫn đến doanh thu vận tải bị sụt giảm thê thảm, ảnh hưởng lớn đến doanh số của Công ty mẹ.

Đã đến lúc phải tự tạo áp lực cho chính mình

Để khắc phục khó khăn cho hoạt động vận tải, thời gian qua, Tổng công ty đã triển khai một số giải pháp như: thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh song song với phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và người lao động làm công tác chạy tàu; tăng cường cho ra mắt các gói kích cầu du lịch, giảm giá vé sau mỗi đợt bãi bỏ tình trạng giãn cách xã hội nhằm thu hút hành khách. Khi xảy ra mưa lũ tại miền Trung phải dừng chạy tàu, thực hiện chuyển tải hành khách, hàng hóa đảm bảo an toàn mọi mặt.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm, nhờ đó, sản lượng vận tải hàng hóa vẫn được giữ vững và có tăng trưởng. Tổng công ty cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành vận tải hàng hóa để nâng cao hiệu quả vận tải, tiết kiệm chi phí; kịp thời đầu tư và đưa vào khai thác các toa xe hành lý mới; đẩy mạnh khai thác các đoàn tàu liên vận quốc tế...

Năm 2020, Tổng công ty cũng đã áp dụng hiệu quả đầu máy chạy suốt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Năm 2021, Tổng công ty sẽ áp dụng 3

Năm 2020, sản lượng toàn Tổng công ty chỉ đạt hơn 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 6.565,1 tỷ đồng, bằng 78,3% cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, bằng 86,2% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng doanh thu Công ty mẹ chỉ đạt hơn 1.713 tỷ đồng, giảm gần 34% so với cùng kỳ, ước lỗ hơn 1.324 tỷ đồng.

“Với tình hình hiện nay và dịch bệnh vẫn tiếp diễn thì đến năm 2022, Tổng công ty sẽ mất hoàn toàn 3.250 tỷ đồng vốn chủ sở hữu tại hai công ty vận tải Hà Nội và Sài Gòn. Toàn bộ nỗ lực cố gắng của biết bao thế hệ để đạt con số 3.250 tỷ vốn điều lệ sẽ bị xóa sạch hoàn toàn chỉ trong vòng 3 năm”, Chủ tịch Vũ Anh Minh lo ngại.

ban máy đi suốt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, giảm thời gian dừng nghỉ và tiêu tốn nhân lực. Cùng với đó, Tổng công ty tiếp tục triển khai những biện pháp tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt, nhờ đó, TNGT đường sắt tiếp tục giảm được cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Mặc dù vậy, ngành Đường sắt vẫn cần những chiến lược dài hạn, có những giải pháp phải xuất phát từ nội tại nhưng có những giải pháp phải dựa vào các cơ quan có thẩm quyền. Về nội tại, Chủ tịch Vũ Anh Minh khẳng định, thời gian tới, Tổng công ty sẽ phải tái cơ cấu toàn diện từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ đến sản phẩm, dịch vụ..., nếu không thành công thì buộc phải tái cơ cấu nhân sự, mô hình tổ chức. Hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được trình Chính phủ, trong đó một số nội dung sẽ được tách ra để thực hiện trước vào năm 2021. Trước mắt cần sắp xếp lại đơn vị vận tải, thu gọn đơn vị phụ thuộc, giảm định biên với mong muốn cuối cùng là giảm chi phí, giảm giá thành dịch vụ, khai thác có hiệu quả nguồn lực, nhân lực hiện có.

“Chúng ta không còn ở thời kỳ hành khách xếp hàng đến tận Văn Miếu để mua vé. Không thể để 3 vạn con người cùng chết chìm mà phải giảm định biên lao động ở tất cả các vị trí, thực hiện kiêm nhiệm ở tất cả các bộ máy hành chính”, ông Minh nhấn mạnh.

Về cơ chế chính sách, Tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời hạn áp dụng Nghị định 65/2018/NĐ-CP, trong đó có quy định về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe, bởi việc đầu tư gần 7.000 tỷ để thay thế đầu máy và toa xe tại thời điểm này rất khó khăn. Ngoài ra, Tổng công ty cũng đang đề xuất Bộ Tài chính dự thảo Thông tư giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Thời gian tới, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lên các cơ quan quản lý nhà nước những cơ chế chính sách để tạo sự thay đổi và động lực phát triển cho Ngành.

Ý kiến của bạn

Bình luận