Đường sắt thay đổi tư duy nội tại hướng đến phát triển toàn diện

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Doanh nhân 08/02/2019 16:17

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được năm 2018, năm 2019 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ĐSVN tập trung triển khai Đề án “Tái cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020, đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 10% so với cùng kỳ, triển khai có hiệu quả các biện pháp giảm dần TNGT, phấn đấu giảm so với năm 2018 ít nhất 5% ở cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

ĐSVN tập trung nâng cao chất lượng, dịch vụ trên t
Nhiều đoàn tàu của ĐSVN được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dịch vụ được nâng cao

Những con số “biết nói”

Lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN cho biết, năm 2018 tiếp tục là một năm khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Đó là hạn chế về năng lực nội tại; áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với các phương tiện khác, bão lũ nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng. Trong khi đó, vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm qua rất hạn hẹp, không có dự án mới triển khai, vì vậy chưa có sự đột phá về chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt, công việc của các công ty cổ phần xây lắp tiếp tục khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản dưới luật (Luật Đường sắt 2017) chưa được hoàn thiện cùng với việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản trị nội bộ và xử lý chuyển tiếp những công việc đang làm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tổng công ty.

Tuy vậy, sau những nỗ lực đổi mới, vận tải đường sắt đã có sự khởi sắc. Sản lượng, doanh thu toàn Tổng công ty bước đầu hồi phục đà tăng trưởng, đặc biệt khối vận tải lần đầu tiên tăng trưởng lượng luân chuyển T.km tính đổi trên 8%, chặn được đà sụt giảm thị phần vận tải đường sắt. Khối công nghiệp tăng trưởng đột phá, đóng mới, đưa vào vận dụng hàng chục đoàn tàu khách thế hệ 3, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường, chất lượng đảm bảo. Công tác an ninh, ATGT đường sắt bước đầu kiểm soát được những tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an toàn chạy tàu, ATGT đường sắt giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2017.

Cụ thể, sản lượng toàn Tổng công ty đạt 8.367,9 tỷ đồng, tăng 106,7% so với cùng kỳ; doanh thu 8.260,9 tỷ đồng, tăng 101,9% so với cùng kỳ. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 8,46 triệu đồng. Riêng Công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 2.626,865 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu do Bộ GTVT giao. Lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, đạt 140% chỉ tiêu do Bộ GTVT giao, bằng 99% so cùng kỳ.

Đánh giá về hoạt động của Tổng công ty ĐSVN trong năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho đường sắt còn hạn chế, những kết quả đạt được của Tổng công ty ĐSVN trong năm 2018 thể hiện được sự nỗ lực đổi mới. Đặc biệt, vận tải đang đi đúng hướng, linh hoạt, chuyển dịch mạnh mẽ với việc linh hoạt trong xây dựng biểu đồ chạy tàu, tập trung chạy tàu khách tuyến ngắn hiệu quả và vận tải hàng hóa... Công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt đã nền nếp hơn trong lập kế hoạch, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, triển khai hiệu quả…

Thứ trưởng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế mà Tổng công ty cần khắc phục ngay trong năm tới, trong đó cần cơ cấu lại mô hình vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Cùng với đó, đơn vị cần đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp ở cả Công ty mẹ và các đơn vị thành viên; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương có giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt, tiến tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt.

“Cần đẩy mạnh vận tải hơn nữa, nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, trong đó giảm tỷ trọng vận tải đường bộ, nâng tỷ trọng vận tải đường sắt. Mặt khác, ĐSVN cần thực hiện mạnh mẽ các giải pháp để đến năm 2020, vận tải đường sắt phải đạt thị phần 02% về khách và 3 - 4% về hàng hóa”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.

Cần thay đổi tư duy nội tại

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho rằng, những giải pháp đang thực hiện có kết quả ban đầu chứng tỏ hướng đi đúng đắn. Theo ông Minh, trong năm 2019 toàn Ngành tiếp tục năng động, sáng tạo để huy động mọi nguồn lực phát triển Tổng công ty có sức cạnh tranh cao, kinh doanh hiệu quả; chủ động, tích cực thực hiện chiến lược phát triển GTVT ĐSVN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, ĐSVN tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty năm 2019; tổ chức xây dựng hoàn thành các nội dung liên quan của Tổng công ty khi được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kiềm chế và giảm dần TNGT đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2018 ít nhất 5% ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương; tập trung triển khai Đề án “Tái cơ cấu lại Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2017 - 2020; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các quy chế quản lý nội bộ để phù hợp với Luật; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; xây dựng phương án tác nghiệp cầu đường, thi công cơ giới theo hướng đầu tư trọng tâm; xây dựng Biểu đồ tàu chạy và biện pháp tổ chức chạy tàu trên từng khu đoạn, tuyến đường theo từng thời điểm, mùa vụ phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác; triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của ngành Đường sắt, đặc biệt là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc gói 7.000 tỷ đồng và đóng mới đầu máy giai đoạn 2016 - 2019 được Tổng công ty đề ra.

Trong năm 2019, ngành Đường sắt sẽ tập trung khai thác an toàn cao nhất kết cấu hạ tầng hiện có, đa dạng hóa dải vé, chất lượng dịch vụ vận tải. Về vận tải hành khách, ĐSVN sẽ tập trung các tuyến có lợi thế và cự ly trung bình như Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh để có thể cạnh tranh với phân khúc vận tải khác. Ngành ÐSVN sẽ ưu tiên đầu tư tàu tốt, bố trí giờ đẹp đối với tuyến này để chú trọng vào hành khách đi du lịch, đồng thời bán vé ô tô kết nối từ ga đường sắt đến điểm du lịch.

ĐSVN cần chủ động thay đổi tư duy nội tại, cung ứng những gì xã hội cần chứ không phải những gì đã có. “Ðơn cử, trước đây giờ tàu chạy là cố định, kể cả khi bão đổ bộ, đường sắt gặp sự cố, các đoàn tàu vẫn “lao vào tâm bão” để rồi buộc phải dừng giữa đường chuyển tải khách, phục vụ hàng trăm hành khách trong điều kiện hết sức khó khăn. Thực tế trong năm 2018, lần đầu tiên ngành ÐSVN đã mạnh dạn điều chỉnh giờ tàu từ ga đi, chờ bão tan, đường thông mới xuất phát, bảo đảm an toàn cao nhất cho hành khách và giảm các chi phí không cần thiết”, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Vũ Anh Minh nhấn mạnh

Ý kiến của bạn

Bình luận