Đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo 11 năm chờ phê duyệt ga ngầm

Thị trường 25/09/2019 07:09

Do vướng quy hoạch ga ngầm C9 nằm cạnh di tích hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), 11 năm qua tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn chưa thể triển khai.

 

ga-c9-15693127872451559021774
Mô hình ga ngầm C9 của tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Ảnh: T.Đ.H

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng chấp thuận vị trí, quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế và thi công ga ngầm C9 tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

TP Hà Nội cũng cam kết với Thủ tướng sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích quốc gia hồ Hoàn Kiếm khi thi công nhà ga C9.

Tính đến nay dự án đã kéo dài 11 năm, chủ yếu do các vướng mắc liên quan đến quy hoạch của ga ngầm C9. Theo UBND TP Hà Nội, sự chậm trễ này đang có tác động tiêu cực, khiến dự án kéo dài, dẫn tới đội vốn do các yếu tố trượt giá, tăng chi phí nhân công, vật tư, máy móc, tăng lãi vay, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến hiệp định vay ODA và các cam kết vốn của nhà tài trợ.

Cũng theo TP Hà Nội, nếu thay đổi vị trí nhà ga C9, hướng tuyến của đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo so với đề xuất hiện nay sẽ kéo dài thêm thời gian phê duyệt dự án, chậm thi công công trình, phải lùi thời điểm vận hành khai thác.

Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Đến nay, dù chưa thể triển khai xây dựng nhưng tuyến đường sắt đô thị này đã điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 19.555 tỉ đồng lên 35.678 tỉ đồng, tăng khoảng 16.123 tỉ đồng.

so-do-ga-c9-1569312872995830568044
Sơ đồ hướng tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Ảnh: T.Đ.H

Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là một phần của tuyến đường sắt số 2 của TP Hà Nội, có vai trò kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm TP, dài khoảng 11,5km, với 2,6km đi trên cao và 8,9km đi ngầm dưới lòng đất.

Tuyến đường sắt đô thị này có 10 ga, trong đó ga C9 được TP Hà Nội đề xuất xây dựng ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vườn hoa cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, vị trí xây dựng phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội.

Để đảm bảo sự hài hòa về không gian kiến trúc, bảo tồn di tích quốc gia hồ Hoàn Kiếm, tháng 3-2018 Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội đã tổ chức trưng bày, lấy ý kiến rộng rãi người dân trong khu vực. Kết quả lấy ý kiến cũng ghi nhận 90,3% người dân ủng hộ việc xây dựng ga ngầm C9 cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, 7,2% người dân phản đối và khoảng 2,5% người dân không có ý kiến.

Tuy nhiên, khi cho ý kiến về việc xây dựng ga ngầm C9 đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại cho rằng nên xây dựng ga lùi về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng.

Một số chuyên gia đề nghị xây dựng ga C9 ở các vị trí khác như quảng trường Ngân hàng Nhà nước, quảng trường Nhà hát lớn...

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có văn bản gửi Thủ tướng bày tỏ lo ngại việc xây dựng ga ngầm C9 sẽ ảnh hưởng đến di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tuy vậy, việc di dời ga ngầm C9 theo TP Hà Nội là không khả thi, vị trí ga ngầm này liên quan chặt chẽ tới hướng tuyến hai đầu ga, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, nếu di chuyển ga C9 tuyến đường sắt đô thị này phải chạy qua khu dân cư, tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, và phức tạp trong phương án kết nối với các tuyến đường sắt số 1, số 3, ảnh hưởng tới quy hoạch chung của mạng lưới đường sắt TP.

Vì vậy, TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng có văn bản đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thống nhất với phương án thiết kế, thi công ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Ý kiến của bạn

Bình luận