Dùng thế nào cho đúng các thuật ngữ giao thông đường bộ và đường sắt

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Đào tạo 30/03/2017 05:49

Việc sử dụng chưa đúng các đơn vị đo cũng như các thuật ngữ trong ngành GTVT hiện đang tồn tại và trở thành vấn đề cấp bách cần được giải quyết.


DSC_6247
PGS.TS Nguyễn Văn Vịnh - Phó hiệu trưởng trường Đại học GTVT, trưởng ban tổ chức khai mạc Hội thảo.

Sáng 29/3, Trường Đại học GTVT tổ chức Hội thảo Khoa học “Về một số thuật ngữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Vịnh - Phó hiệu trưởng trường Đại học GTVT cho biết việc sử dụng chưa đúng và không thống nhất các đơn vị đo cũng như các thuật ngữ trong ngành GTVT là tình trạng đã kéo dài, hiện đang tồn tại và trở thành vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Để khắc phục tình trạng ấy, nhằm đi đến thống nhất và sử dụng đúng các thuật ngữ trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc trong các văn bản nhà nước được ban hành và trong việc thực thi quản lý an toàn các hoạt động GTVT, đặc biệt trước mắt là lĩnh vực đường bộ và đường sắt, trường Đại học GTVT đã tổ chức hội thảo này.

“Chủ đề của buổi Hội thảo ngày hôm nay đề cập đến vấn đề rất thú vị, tưởng chừng như quen thuộc nhưng tô itin rằng đó là vấn đề còn đang tranh cãi không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn ngành GTVT mà còn là vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Kết quả Hội thảo lần này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo trong quá trònh biên soạn các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Các nhà khoa học, các thầy cô giáo cũng có thể tham khảo trong việc sử dụng đúng các thuật ngữ chuyên ngành cũng như trong việc viết giáo trình, bài giảng và các sách tham khảo”, PGS.TS Nguyễn Văn Vịnh nói.

DSC_6256
Chủ trì Hội thảo là các GS - PGS.TS hàng đầu trong lĩnh vực GTVT.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày, phát biểu về nhiều vấn đề như một số thuật ngữ trong giao thông đường bộ; vấn đề tiêu chuẩn ngành 22 TCN 56-84, quy trình tính toán sức kéo đoàn tàu đường sắt; việc sử dụng các hệ thống đơn vị đo lường, tên gọi, ký hiệu và đơn vị tính của một số đại lượng vật lý thường dùng trong kỹ thuật; thuật ngữ tiếng Anh và tiếng Việt trong ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông nhìn từ góc độ hoạch định ngôn ngữ…

Trong đó, khi trao đổi về thuật ngữ trong giao thông đường bộ, PGS.TS Phan Văn Khôi, nguyên Nghiên cứu viên cao cấp Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá trong khi rất nhiều văn bản, sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu sử dụng đúng các từ tải trọng, trọng tải, khối lượng và trọng lượng thì trong một số văn bản giao thông đường bộ lại gây tranh cãi. Do sử dụng chưa đúng từ ngữ, trên thực tế đã xảy ra sự hiểu không thống nhất giữa các bên quản lý đường bộ, CSGT, doanh nghiệp vận tải và lái xe. Việc sao chép hay viện dẫn lẫn nhau giữa các văn bản khiến tình trạng hiểu mơ hồ các từ ngữ này ngày càng lan rộng trong cộng đồng, kể cả trong giới kỹ thuật.. Trong đó những vướng mắc về từ ngữ chủ yếu là lẫn lộn trọng tải với tải trọng, lẫn lộn vượt trọng tải, quá tải trọng và quá tải, lẫn lộn giữa khối lượng, trọng lượng cũng như viết sai các đơn vị đo của chúng.

“Vì vậy để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, cập nhật các tiến bộ khoa học và hội nhập quốc tết, việc thay đổi sao cho hiểu thống nhất các từ ngữ này trong giao thông đường bộ là một đòi hỏi thực tế”, PGS.TS Phan Văn Khôi khẳng định.

Về vấn đề này, GS.TS Vũ Đình Lai, bộ môn Sức bền vật liệu, Khoa công trình, Đại học GTVT cho rằng những vấn đề PGS.TS Phan Văn Khôi nêu ra để tháo gỡ chỉ là một số ít danh từ trong một lĩnh vực hẹp. Nhìn rộng ra ta thấy nó nằm trong bối cảnh ngôn ngữ Việt hiện nay đang bị buông lỏng, không được quản lý, dẫn đến kết quả là rất nhiều người trong đó không ít là tri thức, đặc biệt là truyền thông sử dụng tùy tiện làm cho ngôn ngữ Việt ngày càng xuống cấp, nham nhở, xấu xí. Đối với ngành GTVT thì nên trao việc quản lý những từ chuyên môn trong ngành cho một bộ phận phụ trách ví dụ như Vụ Khoa học và Công nghệ thì mới có thể tránh được sự du nhập vào ngôn ngữ kỹ thuật của ngành những từ không chuẩn, lai căng... 

DSC_6266
Tham dự Hội thảo có rất đông các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của nhiều lĩnh vực

Về giao thông đường sắt, GS.TS Đỗ Đức Tuấn, bộ môn Đầu máy - Toa xe, khoa Cơ khí cho biết Quy trình tính toán sức kéo của đoàn tàu đường sắt là tiêu chuẩn ngành 22 TCN 56-84 do Bộ GTVT ban hành ngày 24/5/1985. Quy trình này đã tồn tại 32 năm và cho đến nay vẫn là văn bản pháp lý duy nhất được ngành đường sắt Việt Nam áp dụng để tính toán sức kéo đoàn tàu và xây dựng các Công lệnh sức kéo ngành. Tuy nhiên, từ năm 1985 đến nay ngành đường sắt Việt Nam nói chung đã có nhiều thay đổi. Trong đó, lĩnh vực tàu máy ,toa xe đã có những thay đổi rất cơ bản. Ngoài ra, các đơn vị đo lường trong Quy trình cũng không còn phù hợp với các quy định hiện hành, không thuận tiện cho việc tính toán sức kéo vì thế cần phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay đổi.

Ngoài ra, kỷ yếu của Hội thảo còn tập hợp một số kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các giảng viên và các nhà khoa học trong nước. Các bài báo phản ánh một cách tương đối đầy đủ về hiện trạng và đưa ra các kiến nghị sử dụng những thuật ngữ chuyên môn và đơn vị đo lường dựa trên cơ sở pháp lý.

Ý kiến của bạn

Bình luận