Dự án đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội thực hiện được 30% khối lượng

Thị trường 03/07/2017 14:31

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra sáng 3/7, ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính đã báo cáo phương án sử dụng và trả nợ vốn vay lại nguồn vốn ODA của Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn- Ga Hà Nội.

Dự án đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội thực hiện được 30%
Tổng nguồn vốn vay ODA của Dự án đường sắt Nhổn ga Hà Nội theo phương án do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lập là hơn 957 triệu Euro.

Theo đó, tổng nguồn vốn vay ODA của Dự án theo phương án do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lập là hơn 957 triệu Euro, quy đổi tương đương tiền Việt Nam là hơn 24.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn cấp phát là hơn 469 triệu Euro, tương đương khoảng 12.000 tỷ đồng và vốn vay lại là hơn 487 triệu Euro, tương đương hơn 12.000 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện, ông Hà Minh Hải cho biết, Dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, hiện còn gói thầu số 9- Hệ thống thẻ vé đang chuẩn bị, chưa triển khai đấu thầu. Đến nay, Dự án thực hiện được khoảng 30% khối lượng, tiến độ thực hiện Dự án đang có những chuyển biến tích cực, Chủ đầu tư đã chủ động thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các gói thầu xây lắp đã từng bước rút ngắn thời gian bị chậm, phấn đấu hoàn thành Dự án vào năm 2021.

Cũng theo Giám đốc Sở tài chính, hiện Dự án đang vay vốn của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp, AFD, EIB và ADB. Theo các hiệp định vay đã ký với nhà tài trợ, bắt đầu từ năm 2017, UBND TP sẽ phải trả nợ khoản vay lại đầu tiên với giá trị khoảng 6,69 triệu Euro (khoảng 159 tỷ đồng), thời điểm trả nợ khoản vay lại cuối cùng là năm 2055.

Liên quan tới vấn đề giao thông của Hà Nội, theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng năm 2017, Hà Nội đã và đang triển khai mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo “Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”, trong 5 tháng đầu năm mở mới 6 tuyến.

Hà Nội cũng đã điều chỉnh 623/681 nốt (giờ) (chiếm 99%) của 24 tỉnh trong vận tải hành khách liên tỉnh nhằm đảm bảo đúng định hướng quy hoạch giao thông vận tải và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân tại các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát.

Hà Nội cũng siết chặt công tác vận tải khách bằng xe taxi, xây dựng quy định đối với việc lắp đặt thiết bị in hóa đơn và màu sơn xe của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi, tăng cường giám sát hoạt động của phương tiện vận tải thông qua việc khai thác dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện, thực hiện công tác hậu kiểm tại các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận