Dự án BOT cần lắm một cách nhìn toàn diện

Tác giả: Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Thị trường 24/06/2017 04:47

Đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 là then chốt trong sự liên kết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, tồn tại khiến chủ đầu tư gặp khó khăn và gây bức xúc trong dư luận.

 

BOT quoc lo 19.jpg
Trạm thu phí BOT trên QL19

Là trục đường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội miền Trung và Tây Nguyên, QL19 có vai trò chiến lược về quốc phòng - an ninh trong kết nối vùng, thúc đẩy phát triển vùng biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. QL19 trước kia còn được gọi là Xa lộ 19, với điểm đầu là Cảng Quy Nhơn, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối là Cửa khẩu Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai. Tuyến đường được xây dựng từ thời Pháp thuộc, qua nhiều năm sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Lúc này, thời điểm nguồn vốn từ Chính phủ không thể dàn trải hết trong đầu tư cơ sở hạ tầng nên chủ trương xã hội hóa nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án GTVT là giải pháp khả dĩ được Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm.

Với năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực thi công xây dựng, đầu tư các dự án và kinh doanh thương mại, tháng 12/2013, Bộ GTVT quyết định giao cho Tổng công ty 36 làm chủ đầu tư Dự án cải tảo, nâng cấp và mở rộng tuyến QL19 theo hình thức hợp đồng BOT.

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Dự án đã hoàn thành từ đoạn Km17+027 - Km50+000 tỉnh Bình Định và đoạn Km108+000

- Km131+300 tỉnh Gia Lai và và đưa vào khai thác trạm thu phí hoạt động từ ngày 01/6/2016. Trong bối cảnh một số dự án BOT thời gian qua chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách thiện cảm thì Dự án BOT QL19 có thể nói là một điểm sáng bởi dự án này sử dụng ít vốn ngân sách, chủ yếu hoàn vốn cho nhà đầu tư thông qua kinh doanh công trình dự án.

Bên cạnh những “gam màu sáng”, bức tranh BOT còn nhiều bất cập nên chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác thu phí hoàn vốn.

Cụ thể, tại tuyến QL19 hiện nay còn một số đoạn chưa được cải tạo, nâng cấp, chất lượng mặt đường một số vị trí đã xuống cấp. Vì vậy, để đảm bảo khai thác đồng bộ, tạo điều kiện cho việc đi lại của nhân dân và việc thu phí được thuận lợi, nhà đầu tư mong muốn Chính phủ và Bộ GTVT cần xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách để mở rộng, nâng cấp những đoạn còn lại trên toàn tuyến QL19, trong đó ưu tiên triển khai ngay những đoạn đã xuống cấp, đặc biệt là đoạn qua huyện Đak Pơ và đèo An Khê, tỉnh Gia Lai.

Tổng công ty 36 đã có tờ trình gửi Bộ GTVT và các tỉnh Bình Định, Gia Lai quan tâm, xem xét sớm phê duyệt đoạn bổ sung dự án (Km90+00 - Km108+00) qua địa phận huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai và đoạn Km50+00 - Km51+150 qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Qua đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chấp thuận đề xuất để nhà đầu tư triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, một số chính sách của Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan đã thay đổi, làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch. Ví dụ, theo Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 của Bộ Tài chính quy định: Trường hợp chỉ định nhà đầu tư thì mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán thỏa thuận không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.

Như vậy, quy định này không phù hợp với Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng đối với khách hàng. Nhà đầu tư không thể thực hiện vay vốn ngân hàng. Đối với những dự án chỉ định thầu thì đa số là những dự án đặc thù, kém hấp dẫn về lợi nhuận nên chỉ duy nhất một nhà đầu tư tham gia…, do vậy vướng mắc càng khó khăn hơn. Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi việc thực hiện cho phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường để các dự án nói chung và QL19 nói riêng trong giai đoạn bổ sung được triển khai thực hiện sớm, góp phần bảo đảm ATGT, an ninh chính trị và phát triển hạ tầng trên tuyến QL19.

33

Ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 chia sẻ, doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này phải chịu áp lực từ dư luận xã hội rất lớn, có khi bị đối xử như... “tội đồ”. Ông Dũng cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát các quy chuẩn về các quy định của pháp luật đối với các dự án BOT giao thông để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.

Ý kiến của bạn

Bình luận