Đột phá phát triển Hạ tầng giao thông

Diễn đàn khoa học 08/05/2013 09:54

Năm Tân Mão là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Chúng ta đã kết thúc bước đi 10 năm đầu thế kỷ XXI, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới với mục tiêu “đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đây là thời điểm có ý nghĩa nhất để nhìn lại và hướng tới tương lai.


BỨT PHÁ TRONG BỐI CẢNH KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, 10 năm vừa qua là giai đoạn đầy sóng gió. Đồng thời, cũng là thời kỳ có rất nhiều nỗ lực vượt bậc nhằm tiếp tục đưa tư tưởng chỉ đạo của Đảng “GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và “GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế” vào cuộc sống.
Do các yếu tố chủ quan cũng như khách quan, giai đoạn 2001-2010 phát sinh liên tiếp nhiều khó khăn nhất. Đó là: Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) hàng chục nghìn tỷ đồng, làm cho hầu hết các doanh nghiệp xây dựng bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Tiếp đó xảy ra vụ án PMU 18 và cuộc tranh luận về cơ chế, mô hình tổ chức quản lý XDCB (nhất là mô hình ban quản lý dự án), đã kìm hãm tiến độ triển khai nhiều dự án giao thông. Nhiều bất hợp lý trong chính sách di dân tái định cư đã làm chậm quá trình giải phóng mặt bằng, một trở ngại rất lớn đối với tiến độ giải ngân. Lúng túng trong xử lý bù giá khi giá vật liệu tăng đột biến trong năm 2008 đầu năm 2009, dẫn đến nhiều công trường “án binh bất động”. Mặt khác, năng lực quản lý, năng lực thi công hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ và hiệu quả đầu tư thấp. Khi nhiều vướng mắc nói trên được khắc phục, tiến độ giải ngân được đẩy lên, thì tình trạng thiếu vốn đầu tư lại diễn ra phổ biến và trở thành thách thức lớn nhất đầu năm 2011…
Xác định đây là những khó khăn nảy sinh trong quá trình phát triển, ngành GTVT đã chấp nhận đương đầu và từng bước vượt qua. Rất nhiều công trình lớn và hiện đại đã được hoàn thành trong giai đọan này. Hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đã có những thay đổi lớn về diện mạo: hầu hết các tuyến quốc lộ, các cảng biển, sân bay trên toàn quốc đã lần lượt được nâng cấp, cải tạo, làm tăng đáng kể năng lực vận tải và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của xã hội. Kết cấu hạ tầng GTVT được cải thiện cũng góp phần nâng cao tốc độ chạy xe trên các tuyến đường bộ, rút ngắn thời gian chạy tàu trên các tuyến đường sắt, đường sông, tăng lượng hàng hoá và hành khách thông qua các cảng biển, cảng hàng không. Giao thông đô thị có tiến bộ trong việc tăng cường các phương tiện vận tải công cộng và thực hiên nhiều biện pháo hạn chế ùn tắc. Giao thông địa phương, nhất là giao thông nông thôn được mở mang góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã tạo được một số chuyển biến; đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ tai nạn giao thông tính trên 10.000 phương tiện đã có chiều hướng giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương…
Trong chiến tranh giao thông góp phần “mở đường thắng lợi”, còn trong xây dựng thời bình, kết cấu hạ tầng kinh tế (trong đó giao thông là một khâu quan trọng) là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, có thể khẳng định: những kết quả của ngành GTVT đạt được đã góp phần tạo nên thành tựu to lớn và rất quan trọng của đất nước trong mười năm qua, đặc biệt là đã đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, một mốc vô cùng quan trọng trong sự nghiệp chấn hưng đất nước…
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Giao thông vận tải cũng bộc lộ một số bất cập. Dù có bước bứt phá nhất định, song do điểm xuất phát thấp, nhiều khó khăn nảy sinh và một số thiếu sót, hạn chế trong tổ chức thực hiện, nên hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng phát triển chậm và thiếu đồng bộ, đang là một trong những điểm nghẽn đối với quá trình phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được nâng cấp một bước cơ bản nhưng cũng chỉ mới tập trung cho những công trình quan trọng, cấp bách. Chúng ta vẫn thiếu nguồn lực để hoàn chỉnh hệ thống giao thông qua nhiều thành phố, thị xã, các vùng kinh tế trọng điểm, do vậy vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Giao thông ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới cũng còn thiếu và chưa bảo đảm thông suốt trong mùa mưa lũ. Hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hạ tầng hàng không nhìn chung chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển, giá thành vận tải còn cao so với khu vực, một yếu tố hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta. Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, việc kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông chưa có sự chắc chắn, bền vững…
ĐỘT PHÁ ĐỂ ĐI LÊN
Thực tế cuộc sống nói trên đã được phản ánh rất rõ ràng trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng. Trước những khó khăn, hạn chế nói trên, bứt phá chưa đủ mà phải đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng, vượt qua khỏi “điểm nghẽn”, phấn đấu đi trước một bước. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba “ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC” của mười năm tới. Tiếp đó, về phương hướng nêu rõ “Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông” với nội dung “Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC, là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
Còn trong Báo cáo Chính trị, phần phương hướng 2011-2015 đã chỉ ra: “Tập trung xây dựng, tạo bước ĐỘT PHÁ về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Phần cuối của Báo cáo này một lần nữa nhắc lại “xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự phát triển kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân” là một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong 5 năm tới. Yêu cầu này không dùng từ đột phá, song thể hiện rất rõ ý nghĩa đột phá…
Đột phá tập trung vào những nội dung gì? Đó là:
Tiếp tục rà soát điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển; tăng cường công tác quản lý thực hiện quy hoạch ở tất cả các cấp để đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông phù hợp quy hoạch và gắn kết hệ thống GTV quốc gia và địa phương làm tăng năng lực thông qua của toàn hệ thống đảm bảo sự phát triển bền vững. Trên cơ sở quy hoạch cần có chính sách xác định rõ quỹ đất dành cho sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để chuẩn bị trước một bước khi triển khai đầu tư xây dựng.
Tích cực góp phần đẩy nhanh hơn nữa việc, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về XDCB (bao gồm cả công tác giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư để xây dựng công trình giao thông) nhằm tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc hiện nay. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích đầu tư và tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp nhà thầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.
Nghiên cứu, tham gia đề xuất với Đảng và Nhà nước những cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tối đa mọi nguồn lực, chú trọng nguồn nội lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là phát triển hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, đường sắt cao tốc. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm, tập trung huy động mọi nguồn vốn ngoài ngân sách bằng các hình thức BOT, BT, BOO, chuyển nhượng quyền thu phí đối với việc triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp thiết, đặc biệt là triển khai thí điểm một số dự án lớn theo hình thức PPP.
Tập trung chỉ đạo và đổi mới khâu tổ chức thực hiện. Đặc biệt, phải khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải. Trong bối cảnh hiện nay, ở thành thị cũng như nông thôn, các trung tâm công nghiệp cũng như ở vùng sâu và vùng xa, nhu cầu phát triển giao thông đều cấp bách. Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, nếu nôn nóng rải vốn ra triển khai nhiều công trình, dự án thì hiệu quả đầu tư thấp. Muốn đột phá thành công, trước hết phải đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm và thi công dứt điểm, sớm đưa công trình vào sử dụng và phát huy tác dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo thêm điều kiện để huy động nguồn vốn xây dựng các công trình tiếp theo.
Nâng cao hơn nữa chất lượng công trình từ khâu thiết kế đến thi công. Chủ điểm năm 2011 là “năm chất lượng xây dựng”. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm hiện tượng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư; khắc phục sự mất cân đối giữa chi cho đầu tư nâng cấp, cải tạo, làm mới¬ và chi thường xuyên cho công tác bảo trì, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…
Chủ trương của Đảng tạo bước đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng là thời cơ vô cùng lớn và đối với người làm GTVT, đây là thời cơ “kép”. Thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng nói trên đồng nghĩa với việc đẩy nhanh xây dựng yếu tố nền tảng của GTVT, điều kiện có tính chất quyết định để ngành GTVT khắc phục nhiều mặt hạn chế, bất cập, đi lên theo hướng hiện đại và bền vững. Từ đó, tạo thêm nhiều thuận lợi và cơ hội lớn để cán bộ, công nhân GTVT đóng góp nhiều hơn, xứng đáng hơn vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện điều kiện đi lại của người dân, góp phần “mở đường thắng lợi” đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…

Quang Tuấn

Ý kiến của bạn

Bình luận