Đột phá hạ tầng giao thông để phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Xã hội 23/11/2015 16:32

Bộ GTVT khẳng định 5 năm nữa, hệ thống hạ tầng giao thông Tây Bắc sẽ có đột phá ngoạn mục để tăng thêm cơ hội phát triển kinh tế, du lịch.

IMG_8533
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các Bộ ngành, lãnh đạo UBND TP HCM thăm quan các gian hàng quảng bá du lịch vùng Tây Bắc.

Sáng nay (23/11) Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP HCM  tổ chức Hội nghị “Quảng bá, xúc tiến đầu tư du dịch vùng Tây  Bắc” TP HCM. Chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Tây bắc;  Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thành Phong - Phó bí thư Thành ủy TP HCM cùng sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP HCM.  

IMG_8568
Phó Thủ tướng - Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn và đặc sắc. Ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ, sự đa dạng đầy sức cuốn hút của thiên nhiên đây là nơi sinh sống của 32 dân tộc anh em và sự đa sắc màu văn hóa vô cùng độc đáo và hấp dẫn mà hầu như vẫn còn nguyên sơ chưa được khai thác. Tuy nhiên do điều kiện giao thông còn khó khăn, nguồn lực hạn chế… Những kết quả đạt được trong quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng, liên kết giữa các tỉnh trong vùng chưa thực sự có chiều sâu và chiến lược.

Năm 2014 toàn vùng đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1,5 triệu lượt chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 10% trong cơ cấu khách du lịch cả nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc bằng nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đang từng bước cải thiện các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, trong đó có du lịch.

Nhằm tạo bước đột phá mới cho phát triển du lịch Tây Bắc, Hội nghị “Quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc tại TP HCM” với kỳ vọng tập trung xúc tiến thu hút đầu tư khai thác, phát triển du lịch nhằm phát huy bền vững tài nguyên du lịch của vùng thông qua đẩy mạnh quảng bá du lịch Tây Bắc tới thị trường và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại TP.HCM.

Tại hội nghị đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc đã báo cáo nêu lên những tiềm năng nổi bật cũng như khó khăn của địa phương. Nhiều công ty, doanh nghiệp tại TP HCM cũng đưa ra những phương án để đầu tư phát triển một cách có hiệu quả đối với vùng Tây Bắc.

Trước những ý kiến của các đại biểu, doanh nghiệp đưa ra về hạ tầng giao thông của khu vực Tây Bắc còn nhiều hạn chế trong việc phục vụ cho sự phát triển của vùng Tây Bắc. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Đây là vùng có địa hình khó khăn, vốn đầu tư còn hạn chế nên hạ tầng giao thông chưa phát triển và thuận lợi như các vùng khác trong cả nước nhưng hệ thống đường bộ đi qua tất cả các trung tâm đô thị, khu công nghiệp đủ điều kiện để các tỉnh phía Bắc phát triển kinh tế, du lịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, kết nối các tuyến tỉnh lộ lên quốc lộ, trong 5 năm tới tôi cho rằng vùng Tây Bắc sẽ có bước đột phá vượt bậc về hạ tầng giao thông”.

Hiện nay hệ thống đường bộ khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tổng chiều dài khoảng 67.863,1km. Trong đó cao tốc dài 325,3km, quốc lộ có tổng chiều dài 5.461,5km, đường tỉnh lộ dài khoảng 6.310,4km, đường giao thông nông thôn dài khoảng 55.765km.

IMG_8613
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại hội nghị.

Về đường sắt hiện nay vùng có 4 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 700km trong đó 3 tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên hoạt động bình thường. Trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ tích cực nâng cao tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai bởi loại hình giao thông đường sắt giá rẻ và đáp ứng được nhu cầu cao. Về lĩnh vực hàng không của vùng còn hạn chế, chỉ có khả năng tiếp nhận các loại máy bay cỡ nhỏ với tổng năng lực thiết kế khoảng 0,3 triệu lượt khách/năm. Khu vực có 3 cảng hàng không đang được quan tâm gồm: Cảng hàng không Điện Biên, Cảng hàng không Nà Sản và Cảng hàng không Lào Cai. Những năm qua Bộ GTVT cũng đưa ra nhiều giải pháp để nâng cấp các cảng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, Thứ trưởng Trường cho hay.

IMG_8624
Các công ty, doanh nghiệp du lịch tại TP HCM kí kết ghi nhớ đầu tư phát triển với các tỉnh vùng Tây Bắc.

Kết thúc hội nghị Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc cảm ơn TP HCM, các Bộ, ban, ngành và toàn thể các doanh nghiệp đã tham dự hội nghị và đóng góp nhiều ý kiến, chỉ ra những yếu kém của du lịch vùng Tây Bắc như hạ tầng, nguồn nhân lực, quảng bá giới thiệu các sản phẩm cũng như giữ gìn được văn hóa, phát triển bền vững… Và thời gian qua, Tây Bắc cũng có nhiều chuyển biến phát triển du lịch, nhưng vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng sẵn có của khu vực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Để phát huy được tiềm năng sẵn có của du lịch vùng Tây Bắc chúng ta cần có một cơ chế chính sách đầu tư thông thoáng hơn, xã hội hóa mạnh mẽ nguồn nhân lực. Các Bộ ngành và các tỉnh có liên quan vùng Tây Bắc phải xây dựng các điểm, các sản phẩm du lịch đặc sắc, song song với bảo tồn văn hóa địa phương. Tôi đề nghị TP HCM quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa tìm hiểu xây dựng kế hoạch hợp tác đến vùng Tây Bắc. Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức sự kiện, quảng bá xúc tiến xây dựng thương hiệu đào tào nguồn nhân lực cùng với TP HCM..."

Ý kiến của bạn

Bình luận