Đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô

Tác giả: Nhị Hà

saosaosaosaosao
Xã hội 20/10/2018 14:47

Năm 2018 đánh dấu cột mốc 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và hơn sáu thập niên hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô bước ra khỏi chiến tranh, phục hồi và phát triển, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Bia 2-t17
Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông

Trưởng thành theo năm tháng

64 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), từ hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội xưa với những khu phố cổ, đường phố “bàn cờ,” phương tiện mắc cửi, đến nay hạ tầng của Thủ đô đang lớn dần, trưởng thành theo năm tháng.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cảm nhận, từ khi giải phóng tới nay, Hà Nội đã tập trung cao độ để giải các bài toán giảm tải ách tắc giao thông nội đô bằng hệ thống đường vành đai, đường sắt trên cao, cầu vượt nhẹ và chú trọng vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, Thành phố đã đầu tư hệ thống giao thông kết nối với vùng vành đai, với các tỉnh, thành phố để thông thương về hàng hóa, đi lại thuận tiện cho nhân dân.

Hiện Thủ đô Hà Nội có mật độ dân cư cao, nơi tập trung đông các cơ quan Trung ương và là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị, là đầu mối giao thông của cả nước nên Thủ đô có tầm quan trọng đặc biệt.

Với tầm quan trọng đó, Thủ đô Hà Nội đã ưu tiên nguồn ngân sách cho việc phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, nhất là các nút giao thông trọng yếu. Đồng thời, Hà Nội tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tích cực, giảm dần và tiến tới chấm dứt hiện tượng ách tắc trên địa bàn Thành phố. Hàng năm, lần lượt các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông được triển khai, nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cũng theo ông Viện, với sự quan tâm đầu tư hạ tầng GTVT hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, diện mạo giao thông Thủ đô đã có những thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, hệ thống giao thông Thủ đô đã được mở mang thuận tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong đó 20% là trục chính, 7 trục hướng tâm và 3 đường vành đai.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành được 223km đường xây mới; đã tổ chức xây dựng hoàn thành các cầu lớn (cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù); xây dựng mới 9 cầu vượt nhẹ trực thông các nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra UTGT như: Cầu vượt nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng; cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Thái Hà; nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; cầu vượt nút giao Nguyễn Khoái; xây dựng mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui dân sinh..., góp phần cải thiện không nhỏ tình hình giao thông tại các khu vực này.

Các tuyến đường vành đai cơ bản được khép kín như tuyến đường Vành đai 1 ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; xây dựng khép kín đường Vành đai 2, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai... Đồng thời, Thành phố đang triển khai xây dựng phần đường Vành đai 3 cao tốc cho đoạn cầu Thăng Long - Mai Dịch.

Vươn mình trong tương lai

Cầu Nhật Tân được khánh thành đồng bộ với đường Nh
Cầu Nhật Tân kết nối đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến đường hiện đại, thẩm mỹ

 

Thời gian qua, việc đưa vào sử dụng công trình cầu vượt kết hợp với việc giải tỏa chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã làm thay đổi đáng kể tình hình giao thông Thủ đô. Thành phố cũng quan tâm đầu tư cho giao thông thủy, đường sắt. Riêng hạ tầng đường sắt hiện đã lập xong quy hoạch mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài gần 306km. Các công trình giao thông trọng điểm đã và đang được hoàn thiện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một trong những đô thị hiện đại, biểu tượng phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế, kết nối trái tim của cả nước với mọi vùng miền và vươn ra thế giới.

Trong quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn từ 2016 - 2030, Hà Nội đã, đang và sẽ xây dựng mới 14 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống đoạn thuộc địa bàn Hà Nội, trong đó có 10 cây cầu qua sông Hồng, gồm: Cầu Văn Lang, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở, cầu Phú Xuyên. Ngoài ra còn có 4 cầu qua sông Đuống, gồm: Cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên, cầu Mai Lâm.

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện 5 dự án xây dựng với số tiền lên tới hơn 36.000 tỷ đồng. Các dự án này bao gồm: Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng; Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu; xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2).Tại Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: Kế thừa thành tựu đạt được sau 64 năm xây dựng và phát triển, Hà Nội bước vào giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tới với những thuận lợi và thách thức đan xen. Để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đưa Hà Nội trở thành đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực, Hà Nội sẽ phải dồn lực, huy động sức mạnh toàn xã hội để phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn

Ý kiến của bạn

Bình luận