Đổi mới kinh doanh vận tải lan tỏa đến các bến xe ở Hà Nội

Tác giả: Minh Lê

saosaosaosaosao

Nhằm chấm dứt tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách của “cò xe”, các bến xe trên địa bàn TP. Hà Nội đã và đang triển khai công tác soát vé nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự, hướng tới xây dựng “văn hóa bến xe”. Trong quá trình thực hiện, bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình mặc dù còn gặp những khó khăn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên, hai bến xe này đã và đang có sự khởi sắc đáng kể, chuẩn bị tốt các điều kiện khi Thông tư 60 đi vào cuộc sống.

“Cú hích” từ bến xe Mỹ Đình

Kể từ khi cơ quan quản lý nhà nước quy định các doanh nghiệp vận tải tự in phát hành vé cho hành khách đi xe, các bến xe trở thành một kênh bán vé cho các doanh nghiệp qua hình thức ủy thác của các doanh nghiệp vận tải. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải còn trực tiếp bán vé của mình với hình thức như điện thoại đặt vé, bán vé qua mạng… dẫn tới tình trạng doanh nghiệp vận tải thiếu vé nộp đến bến, trốn thuế không gửi vé, không có vé chặng để bán cho khách, gây khó khăn cho việc việc soát vé của đơn vị bởi nhân viên bến xe không thể kiểm soát được vé, hoặc có soát vé cũng chỉ là hình thức đối phó, làm cho xong chuyện dẫn đến hiệu quả công việc không cao.

ben xe My dinh
Nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự, hướng tới xây dựng "văn hoá bến xe"

Chính vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên các tuyến tại Bến xe Mỹ Đình, bến xe đã tăng cường lực lượng kiểm soát nhằm chấm dứt tình trạng cò tranh giành, chèo kéo khách, gây mất trật tự, mỹ quan cũng như an ninh trật tự tại bến xe. Đồng thời, Bến xe Mỹ Đình đã chủ động nắm và kiểm soát lưu lượng khách qua bến trên từng tuyến tại bến xe.

Dưới sự chỉ đạo, giám sát của Bộ GTVT, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã đầu tư, chỉ đạo ban quản lý các bến xe tổ chức tiến hành soát vé. Sau một thời gian thực hiện, công tác quản lý tại các bến xe dần dần được cải thiện, trong đó nổi trội hơn cả là hai bến xe Mỹ Đình và Gia Lâm. Ông Nguyễn Quốc Uy - Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Hiện nay, bến xe Mỹ Đình có 223 đơn vị đang hoạt động và khoảng 150 tuyến đường, bình quân phục vụ 1.350 đến 1.400 lượt xe/ngày, với lưu lượng hành khách qua bến bình quân khoảng 20.000 - 30.000 lượt khách mỗi ngày. Cao điểm vào các dịp lễ tết, lưu lượng khách có thể tăng lên trên 35.000 - 45.000 lượt khách/ngày. Với tần suất và mật độ cao như vậy nhưng công tác kiểm soát vé chưa thực hiện triệt để, dẫn đến tình trạng các nhà xe tranh giành, thuê cò mồi chèo kéo khách, gây ảnh hướng đến văn hóa phục vụ tại bến xe. Chính vì thế, chúng tôi quyết tâm tiến hành công tác soát vé để hướng đến xây dựng văn hóa giao thông tại Bến xe Mỹ Đình”.

DSC08892_Snapseed

Để triển khai công tác soát vé đạt hiệu quả cao, bến xe Mỹ Đình đã không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, lắp đặt thêm các thiết bị hiện đại hỗ trợ CBCNV của bến thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, rà soát xe ra vào bến, bảo vệ được quyền lợi tối đa cho hành khách khi đến bến xe.

Mặc dù bước đầu thực hiện còn gặp nhiều khó khăn bởi hành khách, doanh nghiệp vận tải chưa tạo được thói quen “mua vé trước khi lên xe”. Hành khách thì nôn nóng muốn lên xe, doanh nghiệp thì muốn đưa thật nhiều khách lên xe dù ghế ngồi đã hết… Hiện nay, việc đưa vào quy củ để hoạt động tốt hơn lại khiến cả người kinh doanh lẫn người sử dụng dịch vụ phản ứng.

Tuy nhiên, với sự kiên quyết, phấn đấu vì một bến xe hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, các CBCNV Xí nghiệp Bến xe Mỹ Đình đã làm việc hết mình… Những ngày qua, với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại, công tác quản lý nâng cao rõ rệt, hành khách dần hiểu và chia sẻ, tự động xếp hàng, mua vé; tình trạng lộn xộn, chen chúc vào bến xe đã giảm. Bến xe Mỹ Đình sẽ quyết tâm trong việc tạo lập thói mua vé khi lên xe cho hành khách, thể hiện nét văn minh trong kinh doanh vận tải mà Thông tư 60 của Bộ GTVT đã quy định.

Bến xe Gia Lâm đi trước mở đường

Gia Lâm là bến xe đi tiên phong trong việc triển khai công tác soát vé, nâng cao chất lượng phục vụ của bến xe. Qua quá trình đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hóa kinh doanh, bến xe Gia Lâm đã có những bước tiến đáng kể, dường như vào Bến xe Gia Lâm nhiều người sẽ cảm nhận được không khí bình yên, trật tự, ngăn nắp như tại các sân bay.

Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, Bến xe Gia Lâm cũng trải qua rất nhiều khó khăn khi triển khai soát vé, nâng cao chất lượng bến xe. Nhớ lại những ngày tháng gian truân, ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết: “Trước đây, một nhân viên phải phụ trách kiểm soát 5 - 6 tuyến xe nên việc kiểm soát rất khó khăn; hiện tượng nhà xe thu tiền của khách cao hơn quy định vẫn còn xảy ra; Nhà nước không quản lý triệt để được nguồn thu của doanh nghiệp vận tải…

Trước thực trạng đó, Bến xe Gia Lâm đã tổ chức triển khai việc kiểm soát vé trước khi hành khách lên xe từ ngày 01/11/2014. Thời gian đầu mới thực hiện, chỉ có “non” nửa số hành khách là chấp thuận, ưng ý với cách quản lý mới, phần còn lại thì phản ứng mạnh mẽ, tỏ ý không vừa lòng và thích trở lại hình thức cũ. Không chỉ hành khách mà có những doanh nghiệp vận tải cũng chưa thực sự ủng hộ quy định mới này, bởi họ không còn được tự do bắt khách và phần nào bộc lộ doanh thu thực tế.

Theo ông Trúc thì sau khi thực hiện nghiêm túc quy định kiểm soát vé, công tác an ninh trật tự được đảm bảo, ý thức của doanh nghiệp vận tải, CBCNV nâng lên rõ rệt. Về kỹ thuật, hệ thống camera giám sát ra vào bến thay cho ghi chép phổ thông lạc hậu đã giảm được tác nghiệp của nhân viên trong quá trình quản lý xe, rút ngắn được thời gian và nâng cao độ chính xác, kiểm soát ra, vào bến chặt chẽ, chính xác hơn. “Nếu như trước đây, khi chưa thực hiện việc kiểm soát vé, có doanh nghiệp vận tải tổ chức lực lượng tới hàng chục người để chèo kéo khách đi xe của mình, vừa gây khó chịu cho khách hàng, vừa gây mất trật tự bến xe. Thậm chí, có những trường hợp người của các doanh nghiệp tranh giành khách dẫn đến ẩu đả…

Khi thực hiện việc kiểm soát vé, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải trở nên công bằng hơn. Các doanh nghiệp nhỏ, ít xe, ít người phục vụ không bị yếu thế. Bởi vì, họ không còn bị các doanh nghiệp có lực lượng nhân viên hùng hậu chèo kéo hành khách do khách đã mua vé tại quầy. Đối với hành khách, khi mua vé, họ sẽ hoàn toàn yên tâm về quyền lợi của mình, nhất là bảo hiểm khi có rủi ro, đồng thời còn được nhân viên bán vé, nhân viên soát vé tư vấn về lộ trình để có quyết định tối ưu nhất trước khi mua vé”, ông Trúc chia sẻ.

Có lẽ vì sự quyết tâm đó mà trước cổng Bến xe Gia Lâm không còn hình ảnh nhộn nhạo, chen lấn, xô đẩy; không có cái cảnh nắm áo, kéo tay hành khách; không có cả sự cục cằn, những lời nói thiếu văn hóa giữa người với người.

Với 500 - 600 lượt xe/ngày, Bến xe Gia Lâm vẫn yên bình.

Ý kiến của bạn

Bình luận