Đổi mới công tác bảo trì đường bộ

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/03/2018 14:43

Công tác bảo trì đường bộ (BTĐB) trong những năm qua đã có nhiều thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao tuổi thọ công trình.

 

IMG_7120
 

Chủ động được nguồn vốn

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, việc sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương và các quỹ địa phương góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Từ năm 2012 đến nay, nhu cầu vận tải trên đường bộ tăng nhanh, chiếm tỷ lệ vận tải hành khác trên đường bộ bằng 90% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 70% tổng khối lượng vận tải hàng hóa. Nhu cầu vận tải đường bộ tăng, kéo theo số lượng ô tô giai đoạn 2012 - 2017 tăng bình quân 15%/năm, dự kiến giai đoạn 2018 - 2020 tỷ lệ ô tô tăng hàng năm là 10 - 13%/năm. Do đó, nhiệm vụ quản lý, bảo trì mạng lưới đường bộ và nguồn vốn từ Quỹ BTĐB ngày càng quan trọng đối với việc duy trì hệ thống đường bộ, đáp ứng yêu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó là 20.582km quốc lộ và 5.450 cầu được bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) bằng nguồn vốn của Quỹ BTĐB, chưa kể các tuyến đường đang thực hiện BOT và các dự án xây dựng công trình chưa hoàn thành. Các công trình cầu phao, bến phà và hầm đường bộ cũng được sử dụng Quỹ BTĐB để bảo trì và vận hành khai thác an toàn, thông suốt.

Cũng theo ông Huyện, trước khi có Quỹ BTĐB, ngân sách giao thường chậm dẫn đến việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng không kịp thời. Thường thì ngân sách sẽ giao trong tháng 3, thậm chí sang đầu quý II, sau đó phải tổ chức đấu thầu dẫn đến khi đấu thầu xong, ký hợp đồng sửa chữa thì đã vào mùa mưa (tháng 6, 7, 8) nên việc sửa chữa, bảo trì không kịp thời và hiệu quả thấp, dẫn đến hư hỏng trên đường bộ phát triển lớn hơn, từ đó chi phí để sửa chữa lớn hơn, giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kể từ khi có Quỹ BTĐB, ngay từ quý III năm trước đã có kế hoạch bảo trì năm sau nên có đủ thời gian khảo sát, thiết kế, đấu thầu. Sau đó vào đầu năm đã có thể triển khai thi công, do đó các hư hỏng được sửa chữa, khắc phục sớm, hạn chế phát sinh thêm khối lượng cần sửa chữa, góp phần tiết kiệm cho ngân sách. Bên cạnh đó, do có Quỹ BTĐB, nhiều vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, các hư hỏng do bão, lũ, lụt và các hư hỏng đột xuất khác phát sinh trong quá trình khai thác đã được kịp thời xử lý. Việc sử dụng Quỹ BTĐB đã thực hiện tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt và các sự cố thiên tai, sự cố khác nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đường bộ.

Việc sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương và các quỹ địa phương góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả.

Đổi mới mô hình quản lý

Năm 2013, thực hiện Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các khu quản lý đường bộ (QLĐB) đã được chuyển thành các cục QLĐB, Văn phòng Quản lý Đường cao tốc đã chuyển đổi thành Cục QLĐB cao tốc, đặc biệt đã thành lập 26 Chi cục QLĐB đóng tại các vùng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì các quốc lộ của các cục QLĐB; phối hợp với địa phương quản lý quốc lộ ủy thác cho các sở GTVT và quản lý hệ thống đường địa phương. Tại các sở GTVT đã thống nhất mô hình đơn vị tham mưu cho sở GTVT là phòng Kết cấu hạ tầng giao thông. Một số sở GTVT thành lập và duy trì ban Quản lý BTĐB giúp sở GTVT quản lý các công trình bảo trì, quản lý, giám sát công tác BDTX đường bộ. Thực hiện Nghị định số 10/2013/NĐ-CP về quản lý, khai thác tài sản đường bộ, từ năm 2013 công tác BDTX đường bộ đã chuyển từ hình thức nghiệm thu theo khối lượng thực hiện sang hình thức nghiệm thu đánh giá theo chất lượng thực hiện. Đây là nội dung căn bản về đổi mới quản lý BTĐB được Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến khích áp dụng như các quốc gia khác.

Đồng thời, với việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về BTĐB, Tổng cục ĐBVN đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo công tác quản lý chất lượng. Hàng năm, Tổng cục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại ở các đơn vị và đã tiếp thu các kiến nghị của đơn vị để điều chỉnh, bổ sung quy định có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm của chủ đầu tư, ban QLDA. Một số nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế có vi phạm đã bị xử lý nghiêm với các hình thức cấm, trừ điểm, đánh giá năng lực còn hạn chế đối với nhà thầu, xử lý về kinh tế, giảm trừ chi phí được thanh toán…

Việc lựa chọn nhà thầu thi công sửa chữa, các nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án, lập thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn khác được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 và thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, các gói thầu thi công sửa chữa có giá trị từ 01 tỷ đồng và gói thầu tư vấn có giá trị từ 0,5 tỷ đồng trở lên đều tiến hành đấu thầu rộng rãi trên cơ sở thông báo mời thầu đăng công khai. Các trường hợp giá gói thầu nhỏ hơn thì được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Như vậy, các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công sửa chữa, các nhà thầu tư vấn từ nguồn vốn Quỹ BTĐB thực hiện theo Luật Đấu thầu và các văn bản QPPL khác có liên quan, tương tự như quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tại các dự án đầu tư xây dựng

Ý kiến của bạn

Bình luận