Dốc sức thi công cầu Bình Lợi, nâng cao năng lực đường thủy

Tác giả: Nguyễn Quyết

saosaosaosaosao
Thị trường 03/09/2017 15:11

Nhà thầu quyết tâm khi có mặt bằng sạch sẽ tập trung toàn bộ nhân lực, máy móc triển khai thi công để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm nâng cao năng lực đường thủy, giảm UTGT đường bộ.

 

hình 3 den trang
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa (thứ ba từ trái qua) kiểm tra, chỉ đạo tại dự án cầu sắt Bình Lợi

 

Những ngày đầu tháng 8, có mặt tại công trường cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, chúng tôi mới cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, hối hả của từng bộ phận công nhân, kỹ sư và đơn vị tư vấn giám sát. Tất cả đều mong muốn đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Bình Lợi đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng để nâng cao năng lực đường thủy.

Đang tất bật trong công tác quản lý các bộ phận trên công trường, anh Vũ Đình Linh - chỉ huy trưởng công trường xây dựng cầu Bình Lợi thuộc Công ty Cổ phần Nam Tân cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện đường công vụ, mặt sàn công tác trụ P5 đã hoàn thiện và đang tiến hành đóng mặt sàn công tác trụ P6 để phục vụ cho công tác khoan cọc. Trên bờ, anh em đang gấp rút gia công lồng thép. Về cơ bản, chúng tôi đã tập kết 3 sà lan, các phương tiện máy móc, vật tư bố trí đầy đủ để tiến hành khoan trụ P5 dưới sông”.

Đánh giá về tiến độ chung của dự án, ông Nguyễn Hồng Nội - Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tân nhận định: “Đến thời điểm hiện nay, tổng thể dự án được đảm bảo. Đơn vị đã thi công được 01 mố, 01 trụ phía quận Thủ Đức, phía quận Bình Thạnh đã hoàn thành 3 trụ và 01 trụ khoan cọc. Trong thời gian tới sẽ tập trung nhân lực, thiết bị máy móc triển khai thực hiện 5 trụ dưới sông. Tuy nhiên, hiện nay còn vướng mặt bằng tại quận Bình Thạnh, địa phương hứa trong tháng 8/2017 sẽ bàn giao mặt bằng để nhà thầu triển khai”.

“Trong quá trình thi công, khó khăn lớn nhất là vướng đá hộc, nước sâu và nước chảy xiết nên công tác triển khai bị hạn chế. Vừa qua, chúng tôi phải thuê thợ lặn giải phóng mặt bằng ở dưới lòng sông và trong quá trình thi công chúng tôi rất chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn trong việc neo đậu sà lan. Ngoài ra, hiện nay nguồn vốn còn vướng một số thủ tục nên chúng tôi đang chờ các cơ quan chức năng hoàn thiện để cấp vốn”, ông Nội chia sẻ.

Trước đó ngày 12/7, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã trực tiếp kiểm tra tại dự án. Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT phê duyệt các gói thầu đủ điều kiện để có cơ sở giải ngân, tạm ứng vốn cho nhà thầu, đồng thời hỗ trợ ban quản lý dự án, nhà đầu tư khi có mặt bằng sạch để tập trung nhân lực, máy móc triển khai thi công các trụ dưới sông, sớm hoàn thành dự án nhằm nâng cao năng lực đường thủy, giảm UTGT đường bộ.

Hiện nay đang là mùa mưa, cộng thêm mật độ giao thông thủy rất lớn nên trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh những tai nạn không đáng có xảy ra. Đối với những vướng mắc mặt bằng phía Nam, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện bàn giao mặt bằng càng sớm càng tốt.

“Đây là dự án BOT nên quá trình quản lý hồ sơ phải đảm bảo tính khoa học, dứt điểm, làm đến đâu phải gọn đến đó để có thể thanh quyết toán, đảm bảo tính minh bạch. Dự án hết sức phức tạp về thi công nên Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải quan tâm hơn, có kế hoạch cụ thể, chi tiết về việc di chuyển, lắp đặt dầm cầu dài hơn 100m", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương) được thực hiện theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng. Để dự án triển khai nhanh, tỉnh Bình Dương đã cho chủ đầu tư vay 300 tỷ đồng chi phí xây dựng. TP. Hồ Chí Minh cũng cho vay không hoàn lại trên 156 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP. Hồ Chí Minh, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận