Độc đáo hoa phượng rực lửa giữa Festival cồng chiêng Tây nguyên

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Du lịch 01/12/2018 08:56

Nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được thưởng lãm cảnh sắc có một không hai đang hiện diện tại không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018.


Đang chớm đông, nhưng một khung cảnh tuyệt sắc, kỳ lạ diễn ra tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên. Những chùm hoa phượng vĩ trái mùa đang đua nhau bung nở rực rỡ tại khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi diễn ra Festival của những cái cồng, con chiêng trên mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên.

Cảm nhận tại khu vực, một cây phượng dù lá đang xum xuê nhưng đã trổ rất nhiều hoa; cây bên cạnh hoa ít hơn nhưng hơi "độc" là vì vừa có hoa vừa có trái xanh. Nhìn thấy cảnh tượng thú vị này, anh Nguyễn Văn Dũng (du khách đến từ Nghệ An) không khỏi ngạc nhiên thốt lên, thật kỳ lạ. "Hồi nhỏ tới giờ tôi chưa từng thấy chuyện này, đáng ra phượng vỹ phải nở hoa vào mùa hạ chứ", anh Dũng ngạc nhiên. Theo một người dân sống tại khu vực này thì mấy cây phượng ở đây có tuổi đời chưa tới 10 năm. Chẳng hiểu sao đều nở hoa không đúng vào mùa hè.

121212
Những chùm hoa phượng đua nở tại lễ hội công chiêng 2018

Lễ hội Festival công chiêng Tây Nguyên chính thức khai hội vào 20 giờ tối ngày 30-11-2018, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết TP. Pleiku (Gia Lai). Đây là dịp để các đoàn nghệ nhân cồng chiêng khu vực Tây nguyên thuộc các dân tộc như Jrai, Ê Đê, Mơ Nông, Bahnar, K'Ho… đến hội ngộ tranh tài, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc được truyền từ ngàn đời trên mảnh đất Tây nguyên đại ngàn.

Theo ban tổ chức, trong khuôn khổ Festival sẽ có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như lễ hội đường phố với chủ đề chính “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây nguyên” sẽ có hơn 1.000 người thuộc 26 đoàn nghệ nhân đến từ Kon Tum, Đak Lak, Lâm Đồng cùng 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai tham gia; các hoạt động chính như phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống sẽ diễn ra tại công viên Diên Hồng, công viên văn hóa Đồng Xanh và sân nhà rông làng Ốp ở TP. Pleiku; triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam; công bố tour du lịch cộng đồng, tổ chức khảo sát du lịch và tọa đàm liên kết phát triển tour du lịch Gia Lai với các địa phương; lễ hội cà phê đường phố; lễ hội ẩm thực Tây nguyên và ẩm thực 3 miền…

1111
Không gian văn hóa cồng chiêng 2018 tại Gia Lai

Tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Gia Lai, Kon Tum, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, tác phẩm hoàn thành sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Gia Lai. Nhiều không gian được dành riêng cho hoạt động diễn xướng sử thi, hát dân ca tại Bảo tàng Gia Lai để khách thập phương có thể thưởng lãm. Bên cạnh đó, các nghệ nhân sẽ biểu diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; nghệ thuật dân gian và các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt vải; phục dựng các nghi lễ cúng cây nêu cầu an của người Ê Đê (Đak Lak), lễ cúng sức khỏe của người M’nông (Đak Nông), lễ cầu an của người Bahnar (Kon Tum), lễ cưới của người K’Ho (Lâm Đồng) và lễ mừng nhà rông mới của người J'rai (Gia Lai). Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu, đại biểu sẽ tham gia thội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên”.

Ý kiến của bạn

Bình luận