Doanh nghiệp Mỹ vẫn rót tiền vào Trung Quốc

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 17/11/2019 08:59

Trái ngược hoàn toàn với mong muốn của Trump, các công ty Mỹ vẫn đầu tư vào Trung Quốc, thị trường với hơn 1,4 tỷ dân.

tesla-shanghai-1573809939-5972-1573810045_shvo

Bên ngoài nhà máy của Tesla tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này 9 tháng đầu năm nay tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ năm 2018 cũng tương tự.

"Các công ty đa quốc gia giờ càng có khả năng đầu tư vào Trung Quốc hơn, do phục vụ thị trường này từ nước ngoài là việc rất rủi ro, trong bối cảnh hàng loạt rào cản thương mại đang được dựng lên và việc đình chiến có thể chỉ là tạm thời", David Dollar - chuyên gia phân tích cấp cao tại Brookings Institution giải thích.

Khoảng 75% FDI vào Trung Quốc hiện đổ vào dịch vụ, điện nước gas và các lĩnh vực khác nhằm phục vụ riêng thị trường nước này, Dollar cho biết. Chiến tranh thương mại chỉ càng khiến họ thêm đảm bảo là phải có cơ sở tại Trung Quốc.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì ông Trump mong muốn, là các công ty Mỹ phải tìm phương án khác thay thế Trung Quốc. "Nếu anh nói với các doanh nghiệp lớn của Mỹ rằng: Giới chức bảo phải rời thị trường Trung Quốc đi, họ sẽ trả lời là Không thể đâu, vì phần thưởng ở đây quá lớn", Arthur Kroeber - Giám đốc nghiên cứu tại Gavekal cho biết trong một sự kiện tại Hong Kong tháng này.

Rất nhiều công ty đang đặt cược lớn vào người tiêu dùng Trung Quốc. Tesla muốn sản xuất hàng loạt tại nhà máy mới ở Thượng Hải. Đây là nhà máy đầu tiên của họ nằm ngoài Mỹ và đã được các nhà băng Trung Quốc cho vay tới 521 triệu USD.

LG Chem - hãng sản xuất pin lithium-ion lớn nhì thế giới tháng trước cho biết có kế hoạch đầu tư khoảng 430 triệu USD vào mảng kinh doanh ở Trung Quốc. Hồi tháng 6, họ cũng hợp tác với hãng xe Trung Quốc Geely Automobile Holdings để sản xuất pin cho xe điện.

Cả GE Renewable Energy, BASF và Walmart gần đây cũng công bố rót hàng tỷ USD vào cơ sở ở Trung Quốc. Những khoản đầu tư như thế này sẽ giúp xoa dịu ảnh hưởng từ việc các hãng sản xuất rời Trung Quốc vì đòn thuế của Mỹ, giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu về việc làm kể cả trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm nhất gần 30 năm.

CEO AstraZeneca Pascal Soriot cho biết dù có chiến tranh thương mại hay không, sức hút từ 1,4 tỷ dân cũng là không thể chối từ. "Chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc", ông phát biểu trong Hội chợ Triển lãm Nhập khẩu ở Thượng Hải tháng này.

Ker Gibbs - lãnh đạo Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải thì cho biết các công ty Mỹ vẫn được chào đón tại Trung Quốc. "Ở cấp địa phương, chúng tôi thậm chí thấy họ còn nhiệt tình hơn với vốn đầu tư nước ngoài. Họ rất tích cực mời gọi chúng tôi", ông nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận