Doanh nghiệp FDI muốn “đẩy” người lao động lớn tuổi nghỉ việc sớm?

22/06/2017 05:23

Doanh nghiệp FDI vận động người lao động có thâm niên nghỉ việc với lý do đơn hàng giảm sút, cần nguồn lao động trẻ được đào tạo…

nike_vemn_iykg
Nhiều doanh nghiệp FDI khuyến khích công nhân có thâm niên nghỉ việc nhận hỗ trợ 1 lần. (Ảnh minh họa: KT)

Một công nhân có thâm niên làm việc từ 15 - 20 năm, doanh nghiệp phải trả mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Với một số ngành nghề đặc thù, nếu tuyển một công nhân trẻ tuổi, năng suất lao động có thể tương đương, song mức lương trả thấp hơn 2 - 3 lần.

Chính sự chênh lệch này đã khiến một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai tìm cách “đẩy” người lao động lớn tuổi nghỉ việc sớm, thay thế bằng lao động trẻ hơn.

Nghỉ việc sớm, nhận cả trăm triệu trợ cấp

Chị Phạm Thị Hằng ở phường Tân Phong, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có hơn 20 năm làm việc cho Công ty Pouchen Việt Nam 100% vốn của Đài Loan (Trung Quốc), chuyên gia công giày da tại xã Hóa An, thành phố Biên Hòa.

Cuối năm 2016, chị nhận thông tin công ty khuyến khích các lao động lớn tuổi chủ động xin nghỉ việc sớm, kèm theo một khoản hỗ trợ 1 lần. Cụ thể, nếu lao động làm việc đủ 15 năm nghỉ việc sẽ được hỗ trợ 12 tháng lương, cứ thêm 1 năm làm việc thì được thêm 1 tháng lương. 

Sau khi cân nhắc thiệt hơn, chị Hằng quyết định đồng ý nghỉ việc sớm dù chị mới chỉ 38 tuổi, cầm theo khoản tiền hơn 210 triệu đồng, tương đương với 18 tháng lương gần nhất, mỗi tháng 12 triệu đồng.

Hơn 210 triệu có thể nói là số tiền lớn, nhưng chị Hằng cho biết chưa có kế hoạch gì cho tương lai. Thực tế là chỉ chưa đầy nửa năm sau, số tiền nay đã hao hụt phần nhiều.

“Công nhân có thâm niên chỉ được vận động mà còn nhiều áp lực khác, nếu không có áp lực thì nhiều người cũng không muốn nghỉ. Số tiền nhận được 1 lần là số tiền lớn nhưng nếu so với cuộc sống bây giờ sẽ rất khó tồn tại trong trong hoàn cảnh không có việc làm”, chị Hằng chia sẻ.

Ở Đồng Nai, không khó để tìm gặp những lao động chấp nhận nghỉ việc sớm với khoản trợ cấp vài trăm triệu đồng, dù cho họ đang trong độ tuổi lao động, chủ yếu là công nhân làm việc trong ngành dệt may, da giày. Đa số những người này đều không có kế hoạch cụ thể cho công việc tiếp theo và làm gì với số tiền được lĩnh một lần.  

Theo thống kê của ngành chức năng Đồng Nai, hiện đã có một số công ty thực hiện chính sách này như Công ty Pouchen Việt Nam có khoảng 800 lao động, Công ty Changshin Việt Nam hơn 400 lao động, Công ty Splendour cũng khoảng 400 lao động đồng ý thỏa thuận nghỉ việc và nhận trợ cấp. Ngoài ra, một số doanh nghiệp dự kiến sẽ áp dụng phương án này trong thời gian tới.

Không trái luật

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự chênh lệch giữa mức lương của lao động lâu năm và lao động mới. Theo quy định, lương tối thiểu vùng mỗi năm đều tăng, các doanh nghiệp hàng năm cũng đều xét tăng bậc lương khiến lương của những lao động lâu năm tăng lên trong khi năng suất lao động không tăng hoặc tăng không đáng kể, thậm chí là giảm năng suất do tuổi tác.

Nếu chấm dứt hợp đồng với người lao động lâu năm và ký hợp đồng với lao động trẻ sẽ có nhiều lợi thế như sức khỏe, năng suất lao động và quan trọng nhất là mức lương thấp hơn rất nhiều. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, ngoài vấn đề tiền lương, lý do chủ yếu được các doanh nghiệp giải thích cho chính sách giảm lao động lớn tuổi là do đơn hàng giảm sút, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ cao đòi hỏi nguồn lao động trẻ được đào tạo… đây là những lý do chính đáng song có thể gây ra những hệ lụy đối với người lao động nghỉ việc.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai – ông Phạm Văn Cộng cho rằng, nếu nguyên nhân do đổi mới công nghệ hay do đơn hàng giảm khiến công ty phải giảm lao động là bình thường.

“Sở cũng đã khuyến cáo người lao động cân nhắc khi quyết định nghỉ việc sớm, tránh tình trạng nhận được một khoản tiền, chi dùng hết lại đi kiếm việc làm, tạo ra khó khăn cho cả bản thân người lao động và khó khăn cho cả xã hội sau này”, ông Cộng nêu rõ.

Trước tình hình nêu trên, các cấp công đoàn tỉnh Đồng Nai đã giám sát, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, đồng thời tuyên truyền để người lao động hiểu rõ những quyền lợi của mình, từ đó quyết định nghỉ hay tiếp tục làm việc.

Ý kiến của bạn

Bình luận