“Đi 100m cũng nhảy lên xe máy thì không thể văn minh được”

Ý kiến phản biện 01/07/2017 17:17

"Lâu nay, người dân vẫn có thói quen dù đi 100m cũng nhảy lên xe máy. Với thói quen ấy không thể văn minh được", Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nói.

 

“Đi 100m cũng nhảy lên xe máy thì không thê

Ông Vũ Văn Viện

Cấm xe máy, dân đi bằng gì?

Sau khi được công bố, Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.

Một trong những quan tâm lớn nhất của người dân đó là về phương tiện thay thế sau khi thực hiện dừng xe máy.

Làm rõ thắc mắc này, tại tọa đàm “Hà Nội hạn chế xe cá nhân - Những lo lắng của người dân” do báo Giao thông tổ chức ngày 30/6, ông Lê Đỗ Mười - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết đến năm 2030 chúng ta đã đầu tư tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.

“Đến năm 2030 khu vực nội đô từ vành đai 4 đổ vào, vận tải công cộng sẽ đáp ứng được 40-50% nhu cầu thì dừng xe máy. Từ nay đến 2030, UBND TP. Hà Nội đã xin đầu tư 10 tuyến đường sắt với nhiều hình thức. Tôi nghĩ rằng với quy hoạch như thế, tỷ lệ vận tải công cộng sẽ đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân là khả thi”, ông Viện nói.

Ông Mười cho biết, ở Hà Nội hiện nay vận tải công cộng đáp ứng được 14%, trong đó xe bus là 8-10%. Trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, xe bus vẫn là xương sống chính của Hà Nội trong vận tải công cộng cho đến 2025.

“Mạng lưới xe, điểm dừng nhà chờ sẽ được cải tạo triệt để, làm sao đáp ứng được trong khoảng cách người dân tiếp xúc điểm dừng nhà chờ dưới 500m. Phấn đấu đưa vận tải hành khách bằng xe bus lên 25%. Sau đó, mới là các phương tiện khác như đường sắt, xe taxi, vận tải khách đảm đương các thị phần còn lại…”, ông Mười cho biết.

Căn cứ vào những số liệu hiện nay, ông Mười cho biết đã thống kê được 2,8-3,2 triệu lượt đi/ngày, trong đó đi lại bằng phương tiện cá nhân chiếm từ 65-70%. 

Theo dự báo, tỷ lệ xu thế chuyển đối từ cá nhân sang công cộng là 40-50% so với cơ cấu hiện nay. Do vậy khi vận tải công cộng đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại thì dừng xe mát là khả thi.

Trả lời câu hỏi, khi Thành phố ra quyết định dừng hoạt động của xe máy mà người dân vẫn đi thì có bị phạt không? Ông Mười cho biết, trong luật và tất cả các Nghị định không có từ “cấm” mà chỉ “dừng”. 

“Cấm là cấm đăng ký, sở hữu. Dừng vẫn cho đăng ký và có thể cho hoạt động trong một thời điểm thích hợp, trong những khu vực nhất định. Khi chủ trương đã được HĐND, UBND Thành phố thông qua thì người dân phải thực hiện”, ông Mười nói.

Một số ý kiến băn khoăn, nếu chuyển từ xe máy sang đi ô tô thì tỷ lệ ô nhiễm môi trường tăng chứ không giảm vì ô tô phát thải nhiều hơn xe máy.

Giải đáp câu hỏi này, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định, khí thải của xe máy cao gấp nhiều lần so với khí thải của ô tô và việc kiểm soát khí thải của ô tô cũng dễ và thuận lợi hơn nhiều so với kiểm soát khí thải của xe máy. 

“Chúng ta đang thực hiện tiêu chuẩn Euro3, Euro 4 nên khí thải của ô tô được quản lý tốt, không thể nói ô tô ô nhiễm hơn xe máy”, ông Viện nói.

Thay đổi thói quen không văn minh

Theo ông Vũ Văn Viện, Nhà nước đang hỗ trợ hệ thống giao thông công cộng bằng trợ giá với vé rất rẻ, phải nói là không có gì rẻ bằng. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa ý thức được lợi ích của phương tiện công cộng. Hơn nữa, phải thừa nhận, phương tiện cộng cộng còn chưa đáp ứng được về mặt thời gian và tính kết nối.

Ông Viện cho biết, trong 6 nhóm giải pháp mà đề án đưa ra, có giải pháp áp dụng cuộc cách mạng 4.0, trong đó ứng dụng giao thông thông minh là giải pháp tiên quyết, có tính chất quyết định. 

“Chúng ta phải xây dựng được thành phố thông minh, ứng dụng được phần mềm, làm sao để người dân kết nối, lựa chọn được chuyến đi tốt nhất. Trong đề án này chúng tôi đã đặt ra lộ trình ấy, nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân”, ông Viện nói.

Cũng theo vị này, có một vấn đề mà nhiều người thắc mắc là tại sao phải đưa ra thời điểm nhất định để hạn chế xe cá nhân, vì sao không để thế mà phát triển tự nhiên. “Tôi cho rằng, đã là hoạch định chính sách, cơ quan quản lý bao giờ cũng phải đưa ra lộ trình, có kế hoạch để đạt được chỉ tiêu cụ thể”, ông Viện nói.

Ông Viện cho hay, Quyết định 519 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mọi vấn đề hoạch định cho giao thông Hà Nội đều phải thực hiện theo, để căn cứ vào lộ trình ấy xây dựng kế hoạch cụ thể hoá, đáp ứng…

Còn đưa ra thời điểm đến 2030, HĐND Thành phố tại thời điểm ấy sẽ quyết định cuối cùng, đề án nêu rõ mở rộng việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại nội thành, khi đã vận dụng tất cả các tiêu chí. Khi đó HĐND Thành phố xem xét nếu đủ điều kiện, đáp ứng theo đúng thì dừng ngay.

Nếu bất khả kháng, không đáp ứng yêu cầu thì có thể khác. Còn bây giờ cần hoạch định chính sách, đưa ra mục tiêu cụ thể, căn cứ pháp lý ở Quyết định 519 phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Chúng ta phải tạo thói quen cho người dân sử dụng giao thông công cộng. Lâu nay, người dân vẫn có thói quen dù 100m cũng nhảy lên xe máy. Với thói quen ấy không thể văn minh được. Chúng ta phải xây dựng thế hệ công dân mới. Tức là bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, phải nâng cao ý thức người dân. Với tất cả những mục tiêu ấy, chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Còn dừng hẳn xe máy vào thời điểm nào là thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố vào thời điểm năm 2030, lúc đó mới đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Viện nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận