Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Thị trường 22/10/2018 06:33

9 tháng đầu năm, công tác giải ngân chỉ đạt 54% kế hoạch, do đó các chủ đầu tư cần chủ động rà soát và có phương án đẩy nhanh tiến độ giải ngân để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.

 

Cao toc Ha Long - Hai Phong
 

Chưa đạt kỳ vọng

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 9, công tác giải ngân được 13.758 tỷ đồng, đạt 54,1% kế hoạch giải ngân. Kết quả giải ngân đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng (chỉ đạt 54% so với mức kỳ vọng từ 65 - 70%). Nguyên nhân được cho là do điều kiện thời tiết trong 3 tháng gần đây tại khu vực dự án có mưa nhiều, một số dự án đang trong giai đoạn hoàn thành  nên chưa lên được phiếu giá thanh toán, một số dự án mới khởi công chưa có khối lượng thanh toán, một số dự án còn đang đấu thầu, có vướng mắc về mặt bằng, thủ tục thanh toán…

Số vốn chưa giải ngân tập trung chủ yếu ở nhóm các dự án ODA và các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (các dự án sử dụng vốn dư), chiếm 91% kế hoạch còn lại chưa giải ngân của Bộ (10.616/11.660 tỷ đồng). Đối với nhóm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước cơ bản đã giải ngân hết kế hoạch được giao.

Đối với nhóm các dự án ODA, số vốn chưa giải ngân chủ yếu là nguồn vốn nước ngoài, hiện mới giải ngân được 6.973/14.147 tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch. Số vốn nước ngoài chưa giải ngân còn khoảng 7.174 tỷ đồng, chiếm 61,5% tổng số kế hoạch chưa giải ngân của Bộ (còn 11.660 tỷ đồng), tập trung tại 9 dự án (trên tổng số 37 dự án được giao kế hoạch): Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; LRAMP; Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; VRAMP; Cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Đối với nhóm các dự án vốn trái phiếu Chính phủ (toàn bộ là các dự án sử dụng vốn dư QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên) được giao kế hoạch tổng số 5.065 tỷ đồng (2.695 tỷ đồng kế hoạch năm 2018, 2.370 tỷ đồng kế hoạch năm 2017 kéo dài), đến nay giải ngân được 1.623 tỷ đồng (923 tỷ đồng kế hoạch năm 2018; 760 tỷ đồng kế hoạch năm 2017 kéo dài), đạt 37,7% kế hoạch. Kế hoạch chưa giải ngân còn 3.442 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng số kế hoạch chưa giải ngân của Bộ.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Trước yêu cầu đẩy nhanh công tác giải ngân, lãnh đạo Bộ yêu cầu chủ đầu tư, ban QLDA trực tiếp rà soát tiến độ và kế hoạch triển khai cụ thể của từng dự án trong thời gian từ nay tới cuối năm; khả năng giải ngân theo kế hoạch vốn được giao; chủ động có phương án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, phương án xử lý nguồn vốn được giao trong trường hợp không thể giải ngân hết kế hoạch được giao trong năm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT về số liệu báo cáo và phương án đề xuất; tiếp tục theo dõi, bám sát kế hoạch giải ngân đã lập cho mỗi dự án theo từng tháng, từng quý để kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án; có biện pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng hoàn thành... để đảm bảo tiến độ giải ngân đã đề ra.

Đối với các dự án ODA, kế hoạch được giao chủ yếu cho các dự án có quy mô vốn lớn, đang triển khai thi công giai đoạn cuối như: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; LRAMP; đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; VRAMP; đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện và một số dự án mới khởi công như: Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai III TP. Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1.

Để thúc đẩy công tác giải ngân kế hoạch, các chủ đầu tư/bQLDA cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục trong quá trình triển khai, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục tạm ứng hợp đồng, đền bù giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công để sớm giải ngân kế hoạch. Đồng thời, các chủ đầu tư/ban QLDA cần rà soát kỹ nhu cầu, khả năng giải ngân kế hoạch báo cáo Bộ phương án xử lý điều hòa, điều chỉnh kế hoạch năm được giao cho sát với tình hình thực hiện dự án. Vừa qua, Vụ Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản đề nghị điều hòa, điều chỉnh kế hoạch đợt 1 giữa các dự án ODA của Ban QLDA Đường sắt và Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long.

Đối với các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ, số vốn chưa giải ngân hiện còn tồn lớn (trên dưới 100 tỷ đồng) tại 18 dự án: Đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ; đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku; tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'Leo; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê; mở rộng QL1 đoạn km1027 - km1045+780, tỉnh Quảng Ngãi; mở rộng QL1 đoạn Bắc TP. Hà Tĩnh; tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Quảng Trị; tuyến tránh QL1A đoạn qua Đèo Con; 02 cầu vượt trên QL1 tại các nút giao với QL1C và nút giao Ngã ba Thành, tỉnh Khánh Hòa; đơn nguyên cầu vượt tại nút giao giữa QL1 và đường Nghi Sơn - Bãi Trành; QL15B đoạn Ngã ba Đồng Lộc - QL1, tỉnh Hà Tĩnh; đường nối từ QL1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; Tiểu dự án xây dựng cầu Bình Ca và đường dẫn cầu; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Chợ Chu; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh trung tâm huyện Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc; đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1; tuyến tránh QL1 đoạn qua TP. Tân An, tỉnh Long An. Đối với các dự án trái phiếu Chính phủ, yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA cần khẩn trương phê duyệt quyết toán với các dự án đã hoàn thành để làm cơ sở giải ngân hết số vốn còn lại, đồng thời chốt số vốn tiếp tục còn dư để làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch cho các dự án sử dụng vốn tiếp tục còn dư; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng để thanh toán cho các nhà thầu đối với dự án đang thi công, sắp hoàn thành; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công... để sớm triển khai thi công các dự án

Ý kiến của bạn

Bình luận