Đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá VEC và CIPM

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
11/03/2016 16:17

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu hai Tổng công ty nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá (CPH).

CAO_TOCHLD_194
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Sáng nay, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp tình hình thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM).

Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ QLDN cho biết, trước khi CPH, để đảm bảo mục tiêu phát triển hệ thống đường cao tốc, Vụ QLDN đã phối hợp với VEC và CIPM xây dựng phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ cho VEC và CIPM.

Về công tác CPH VEC,  Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh nguồn vốn ngân sách đầu tư trực tiếp vào dự án và vốn vay ODA của 5 dự án đường cao tốc thành vốn điều lệ của VEC đến thời điểm năm 2019 là 72.602 tỉ đồng. Trong thời gian tới VEC sẽ cho tiến hành thành lập một số công ty cổ phần nhằm chuyển nhượng toàn bộ 5 tuyến cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.

Trong đó, tiến độ tăng vốn là: Đến 31/12/2015 là 32.998,3 tỷ đồng (bao gồm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ hiện tại, 31.712 tỷ đồng ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án và 286,3 tỷ đồng từ kinh phí dư sau đấu thầu các trạm thu phí); Đến 31/12 hàng năm, VEC báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính về số vốn thực tế giải ngân phần vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án để làm thủ tục ghi tăng vốn điều lệ cho VEC.

Còn đối với Tổng công ty Cửu Long, hiện tại Tổng công ty đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án CPH Công ty mẹ-Tổng công ty trình Bộ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với mục tiêu CIPM có khoảng 1.500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để làm vốn đối ứng thực hiện dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, do vậy, quy mô, cơ cấu vốn điều lệ được dự kiến theo hai phương án.

Phương án đầu tiên, trường hợp CIPM được cấp bổ sung đủ 1.500 tỷ từ ngân sách, phương án CPH là bán bớt phần vốn nhà nước cho cổ đông khác để duy trì tỷ lệ vốn nhà nước là 36% vốn điều lệ. Phương án 2, trường hợp CIPM không được ngân sách nhà nước cấp vốn bổ sung, phương án CPH là giữ nguyên vốn nhà nước (144 tỷ đồng) và phát hành thêm (1.356 tỷ đồng), nhà nước nắm giữu 9,6% vốn điều lệ.

Tiến độ dự kiến hoàn thiện phương án CPH, Ban chỉ đạo họp thẩm tra phương án CPH trình Bộ trong tháng 3 và hoàn thiện phương án, trình Thủ tướng trong tháng 4.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng để có thể hoàn thành đúng lộ trình thì VEC phải hết sức quyết liệt trong công tác thực hiện. Liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, VEC thì phức tạp và đặc thù nên phải xin tham khảo từ bộ tài chính, xác định đơn vị định giá và tham vấn cho mình.

Còn đối với Tổng công ty Cửu Long, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá Tổng công ty cần phải hoàn thiện lại bộ máy mới có thể thực hiện được đúng tiến độ CPH.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị 2 Tổng công ty phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ CPH. Đối với VEC, phương án cổ phần công ty mẹ phải xây dựng xong và trong tháng 3 phải chốt được nhà tư vấn. Còn đối với CIPM, Thứ trưởng cho rằng công ty phải cố gắng tìm được nhà đầu tư chiến lược. xây dựng lộ trình CPH cụ thể, rõ ràng.

Thứ trưởng Trường còn yêu cầu chậm nhất đến trước 30/7 và 30/9, CIPM và VEC phải hoàn thành phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Ban chỉ đạo mỗi tháng phải họp một lần để đảm bảo kịp thời giải quyết các khó khan để quá trình CPH 2 Tổng công ty đạt đúng tiến độ đề ra.

Ý kiến của bạn

Bình luận