Dạy học bằng tiếng Anh: Giáo viên còn lúng túng... huống gì học sinh!

22/05/2017 13:52

Học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế, trình độ để tiếp thu; trong khi giáo viên chưa thực sự tự tin, còn lúng túng với các từ vựng chuyên ngành...


18622522_1042389912560023_3238567592151423199_n_RX
Nhu cầu học các môn cơ bản bằng tiếng Anh ngày càng tăng cao. Ảnh: Huyên Nguyễn

Nhiều bất cập trong triển khai

Phát biểu tại Hội thảo “Đào tạo GV dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong xu thế hội nhập” do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Tô Chung - Phó trưởng Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 - cho biết: Từ năm học 2011-2012, Bộ GDĐT và Ban quản lý Đề án ngoại ngữ 2020 đã chỉ đạo các trường THPT trên cả nước triển khai thí điểm dạy các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học bằng tiếng Anh.

Ông Chung cho hay, thực tế còn nhiều bất cập trong đào tạo GV dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh như từ phía năng lực của giảng viên, sinh viên, chính sách và môi trường dạy và học để áp dụng hình thức này.

Đánh giá về chất lượng áp dụng chương trình, ông Chử Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho biết: Trong 2 năm đầu thí điểm, một số HS chưa được chuẩn bị tâm thế để học các môn khoa học bằng tiếng Anh, do đó, chưa đủ trình độ để tiếp thu. Trong khi đó, GV vẫn chưa thực sự tự tin, còn lúng túng với các từ vựng chuyên ngành, nhiều GV chưa soạn được giáo án bằng tiếng Anh.

Thực trạng đó hiện hữu ngay ở Thủ đô. Ông Dũng dẫn chứng, GV đạt trình độ B2 về tiếng Anh nhưng còn lúng túng, chưa đủ các từ chuyên ngành để trình bày bài giảng môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh. Hơn nữa, số tiết học bổ sung chỉ có 1 tiết/môn/tuần nên kết quả chưa khả quan, GV cũng chưa chuyên tâm cho mô hình này. “Trong khi đó, tại các trường chuyên hay các trường chất lượng cao, đặc biệt ở Hà Nội thì khả năng của HS rất khá. Đây là áp lực lớn nhưng sẽ là động lực giúp các GV phải tự hoàn thiện, nâng cao mình hơn” - ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Dũng đề cập, chương trình chuẩn để dạy các môn bằng tiếng Anh chưa có. Hiện nay, GV tự tìm tòi và xây dựng, phản biện để xây dựng tài liệu giảng dạy theo các chủ đề chứ không thể “bê” nguyên tài liệu ở đâu về dạy...

PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nêu thực trạng: “Đội ngũ GV phổ thông hầu hết không có khả năng giảng dạy cho HS chương trình bộ môn đó bằng tiếng Anh. Một lượng lớn GV phổ thông không có khả năng sử dụng tiếng Anh trong việc đọc và tham khảo các tài liệu chuyên môn nên không nâng cao chất lượng giảng dạy” - ông Trào nói.

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đại diện Sở GDĐT Quảng Ninh: “Cần phải nhìn nhận sinh viên sư phạm vốn được đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh, nhưng tiếng Anh lại không bằng những người khác. HS học cũng thấy băn khoăn”.

Nhu cầu nhiều nhưng nhân lực không đáp ứng

Ông Vũ Xuân Hòa - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Lạng Sơn - cho biết, Lạng Sơn chưa có một GV nào được đào tạo dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Đại diện Sở GDĐT Khánh Hòa cũng cho biết, tỉnh đã bắt đầu triển khai dạy môn Toán bằng tiếng Anh ở trường chuyên. Tuy nhiên, GV chuyên Anh không có nên phải đưa GV dạy Toán đi bồi dưỡng thêm tiếng Anh.

Bàn về nhu cầu nhân lực, ông Chử Xuân Dũng cho biết, hiện nhu cầu sử dụng đội ngũ GV dạy các môn bằng tiếng Anh ở Hà Nội ngày càng lớn. “Do đó, nếu trường sư phạm đào tạo được đội ngũ này một cách bài bản thì sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các trường phổ thông và giảm được gánh nặng chi phí cho nhà trường, phụ huynh”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, thực tế cả nước chỉ có duy nhất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo cử nhân sư phạm chuyên ngành bằng tiếng Anh từ năm học 2013-2014.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cũng cho biết: Từ năm 2013, chương trình đào tạo GV dạy Toán bằng tiếng Anh đã chính thức được vận hành. Đến năm 2014, chương trình đào tạo GV dạy Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ thông tin bằng tiếng Anh cũng được triển khai. Đến nay, lứa đào tạo GV dạy Toán bằng tiếng Anh chuẩn bị ra trường. Song dù nhiều năm chuẩn bị về chương trình, giáo trình và đội ngũ nhưng việc triển khai chương trình đào tạo GV dạy chuyên ngành tiếng Anh của nhà trường những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ý kiến của bạn

Bình luận