Đầu tư hạ tầng cảng hàng không không thể chậm trễ

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 03/10/2019 07:08

Được dự báo là quốc gia có thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và vẫn nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển song cũng không ít áp lực đè nặng lên hạ tầng hàng không, đặc biệt là hạ tầng cảng.

 

Toàn cảnh cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
Toàn cảnh Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn

Thực trạng hạ tầng cảng hàng không Việt Nam

Hiện tại Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Hệ thống cảng hàng không đã cơ bản thể hiện rõ tính hợp lý, phân bổ hài hòa trên toàn bộ lãnh thổ và các vùng miền.

Tổng công suất hệ thống cảng hàng không đạt 90,4 triệu hành khách, trong khi sản lượng hành khách thông qua năm 2018 đạt 103,4 triệu hành khách. Lưu lượng hoạt động bay liên tục gia tăng (tổng số chuyến bay điều hành tăng trung bình từ 11 - 12%/năm, trong đó năm 2018 đạt 890.517 lượt chuyến, trong đó bay đi/đến là 444.368 lượt chuyến và bay quá cảnh là 446.249 lượt chuyến).

Sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam năm 2018 đạt hơn 103 triệu hành khách và 1,48 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 9,9% về hành khách và 8,5% về hàng hóa so với năm 2017.

Hiện tại, 5 hãng hàng không Việt Nam (HKVN) đang khai thác các đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh theo hệ thống mạng đường bay “trục-nan” từ 3 trung tâm, kết hợp phát triển mạng đường bay “điểm đến điểm” với các cảng hàng không địa phương, trong đó Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác 9 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.

Dự kiến đến năm 2020, sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 131 triệu hành khách/năm và 2,2 triệu tấn hàng hóa/năm, công suất thiết kế của các cảng hàng không đạt khoảng 144 triệu hành khách/năm và 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2030, sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt khoảng 280 triệu hành khách/năm và 6,8 triệu tấn hàng hóa/năm, công suất thiết kế của các cảng hàng không đạt khoảng 308 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo thống kê từ Cục HKVN, trong khoảng thời gian 10 năm (2008 - 2018), số lượng tàu bay của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần (đạt 192 chiếc so với con số 60 chiếc của năm 2008). Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Đáng lưu ý, nếu như năm 2008 đội tàu bay sở hữu của Việt Nam chỉ có 29 chiếc thì đến nay con số này là 57 chiếc. Bên cạnh đó, mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008. Trước đây, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc… Thị trường hàng không giờ cũng đã sôi động hơn rất nhiều khi ngoài Vietnam Airlines thì đã có sự tham gia mạnh mẽ của các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways, đó là còn chưa kể một số pháp nhân khác đã đăng ký doanh nghiệp và đang thực hiện các thủ tục để được cấp phép khai thác vận tải hàng không.

 Nhiều cảng hàng không đã quá tải, đặc biệt là Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ùn tắc cả trên không, dưới mặt đất và đường thoát ra bên ngoài, đe dọa an toàn, an ninh hàng không. Do áp lực từ tăng trưởng đã dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cảng hàng không trên cả nước, đặc biệt tại các trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay tại các địa phương ven biển. Bên cạnh đó, công tác dự báo, quy hoạch còn nhiều bất cập, nhiều nội dung không phù hợp so với thực tế phát triển, dẫn đến đầu tư chắp vá, vừa đầu tư xong đã phải sửa chữa. Ngoài ra, đầu tư phát triển các sân bay thời gian qua còn tình trạng thiếu bài bản, chưa khoa học, không đồng bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng

“Tắc nghẽn” hạ tầng cảng hàng không

 

Capture

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục HKVN nhận định, sự phát triển nhanh của thị trường vận tải hàng không cũng như lực lượng vận tải HKVN đặt ra những thách thức mới đối với hệ thống hạ tầng cảng HKVN, đặc biệt là những cửa ngõ chính như Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Về tổng thể, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đang vượt tổng công suất hệ thống cảng hàng không. Điều này đặt áp lực lớn lên các cảng hàng không và đòi hỏi các cảng hàng không cần sớm nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, đặc biệt là các cảng hàng không đã và đang khai thác vượt công suất thiết kế một số hạng mục công trình của cảng.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Việt Nam được xếp vào một trong những nước phát triển hàng không cao nhất khu vực, ít có ngành nào tác động đến tăng trưởng GDP mạnh mẽ như hàng không. Nếu hàng không tăng trưởng 01% thì GDP tăng trưởng tương ứng từ 0,4 - 0,5%, trong khi thực tế thời gian qua bình quân tăng trưởng hàng không nước ta đạt 14 - 15%, tương ứng 6,8 - 7% GDP. Theo đó, những năm gần đây tăng trưởng hàng không khá “nóng” nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức như quá tải về hạ tầng sân bay bến đỗ, an ninh trên các chuyến bay, trong đó sự gia nhập của các hãng hàng không quy mô mới có thể tạo ra sự cạnh tranh “phi quy luật”, từ đó đặt ra nhiều thách thức không hề nhỏ.

Về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng: “Chúng ta đang bị nghẽn về hạ tầng hàng không, cụ thể là các cảng hàng không sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không”. Hàng không đang tắc nghẽn cục bộ mà thực tế tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là minh chứng điển hình, từ đó dẫn đến tắc nghẽn ở các cảng hàng không khác. 

Quá tải cả bên trong lẫn khu vực ngoài sân bay Tân Sơn Nhất đang là thực trạng của bức tranh chung hạ tầng hàng không Việt Nam. Nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả triệt để. Nhà ga T3 đến nay chưa được đầu tư xây dựng, như vậy chiếc “chìa khóa” để giải quyết tình trạng quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu phát triển của sân bay theo quy hoạch phát triển ngành Hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn chưa thể “tra vào được ổ”. Từ đó, các ngành chức năng không thể cấp thêm “slot” (suất) bay cho các hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không trong nước muốn tăng chuyến bay hoặc đường bay mới tại sân bay này.

Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, quá tải là tình trạng chung của các sân bay khác như Cam Ranh, Đà Nẵng… Với công suất thiết kế 10 triệu hành khách/năm nhưng năm 2018 sân bay Đà Nẵng đã đón 13,2 triệu hành khách. Tương tự, sân bay Cam Ranh có công suất 6,5 triệu hành khách/năm nhưng năm 2018 đã thông qua hơn 8,2 triệu hành khách. Một số sân bay khác như Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phù Cát, Tuy Hòa... cũng đã khai thác xấp xỉ ngưỡng công suất.

Tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thời gian qua đã xuất hiện hư hỏng nặng, hằn lún “sống trâu” tại hai đường cất, hạ cánh và hệ thống đường lăn. Đây là hệ quả tất yếu khi sản lượng bay tại cảng này tăng trưởng bình quân 11%/năm, có thời điểm số chuyến bay cất và hạ cánh lên tới 42 chuyến/giờ so với năng lực khai thác là 37 chuyến/giờ. Tần suất khai thác của các loại máy bay, đặc biệt là các máy bay có trọng tải lớn gia tăng đã dẫn đến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp với mức độ hư hỏng, mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng. Hiện tượng hư hỏng đường băng sân bay tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (kể cả Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa có đợt sửa chữa lớn nào. Nguyên nhân là bởi từ năm 2016, khi ACV chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thì kết cấu hạ tầng khu bay là tài sản nhà nước, cho nên các công trình hạ tầng khu bay như đường băng, đường lăn… tại các sân bay được chuyển lại Nhà nước quản lý. Do đó, việc bố trí kinh phí bảo trì, nâng cấp cải tạo thuộc trách nhiệm của Nhà nước nhưng từ đó đến nay, ngân sách nhà nước chưa bố trí được. Để giải quyết vấn đề trên, vừa qua Bộ GTVT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án sử dụng 10% dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để cân đối, bổ sung vốn triển khai ngay các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch

Về giải pháp tổng thể, để đáp ứng nhu cầu phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 236 ngày 23/02/2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch GTVT ngành Hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ khai thác hệ thống 23 cảng hàng không gồm 13 cảng hàng không quốc nội và 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó 4 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế; được phân bổ theo khu vực quản lý chuyên ngành. Đồng thời, tiến hành nâng cấp, mở rộng 21 cảng hàng không hiện hữu để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không; triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư xây dựng mới các cảng hàng không Vân Đồn (đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác), Phan Thiết, Sa Pa và các cảng hàng không khác theo quy hoạch.

Về giải pháp cụ thể, Cục HKVN đã trình Bộ GTVT và Bộ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng tại các cảng hàng không đang khai thác giai đoạn 2018 - 2025, trong đó có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng chính tại từng sân bay giai đoạn đến năm 2025, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đặc biệt, cần khẩn trương đầu tư, xây dựng, khai thác nhà ga T3 (Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất), đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng là cần đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các cảng hàng không.

Bộ đã hoàn thành quy hoạch lại 22 sân bay trong cả nước, hướng tới tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng chắp vá, vừa xây xong đã quá tải. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định quy hoạch phát triển hàng không bảo đảm đồng bộ tốc độ phát triển của tất cả yếu tố tương đồng nhau, gồm phát triển quy mô đội tàu bay phù hợp tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công, kỹ sư, năng lực quản lý, giám sát nhà chức trách để ngành Hàng không phát triển bền vững, bảo đảm an toàn tuyệt đối việc khai thác.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Ý kiến của bạn

Bình luận