Đầu tư cho hàng không nhằm đi trước đón đầu

Tác giả: cao hà

saosaosaosaosao
Thị trường 29/05/2017 04:47

Thời gian qua, ngành Hàng không luôn nỗ lực thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Trong đó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng tối đa nguồn vốn ưu đãi của các khoản vay ODA, phân tích đánh giá thời điểm cần thiết phát hành trái phiếu và tập trung quản lý ổn định dòng vốn, tính thanh khoản nhanh trong hoạt động kinh doanh để phục vụ đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua đầu tư nâng cấp đồng bộ các cảng hàng không, là chiến lược tối ưu ngành Hàng không nói chung và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) nói riêng.

Nha ga Hanh khach quoc te Noi Bai

SỬ DỤNG HIỆU QUẢ VỐN

Hiện nay, ngành Hàng không đang quản lý, khai thác và chịu trách nhiệm đầu tư cho hệ thống 22 cảng hàng không trong cả nước. Trong 5 năm 2012 - 2016, trên cơ sở cân đối các nguồn lực, phân kỳ đầu tư hợp lý, sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn vốn, ACV đã thực hiện đầu tư nâng cấp dịch vụ cảng hàng không để phù hợp với yêu cầu khai thác qua các thời kỳ tăng trưởng. Đặc biệt tổ chức đầu tư nâng cấp, cải tạo hàng loạt hệ thống hạ tầng, hệ thống trang thiết bị đảm bảo hoạt động bay trong khu bay như: Đường băng, đường lăn, hệ thống chiếu sáng và các hệ thống hỗ trợ khác như khí tượng, hệ thống cất hạ cánh chính xác… nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng dịch vụ, phục vụ… mà còn đảm bảo công tác an ninh an toàn, an ninh quốc phòng tại cảng.

Tổng vốn đầu tư cho 5 năm qua hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 15% chủ yếu cho một số các công trình xây dựng hạ tầng khu bay: Đường hạ cất cánh, đường lăn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV trong giai đoạn vừa qua với tốc độ tăng trưởng luôn vượt ngưỡng 2 con số đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh đối với các chỉ tiêu tài chính. Cổ phiếu ACV chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán từ tháng 11/2016 với tính thanh khoản cao, luôn là sự lựa chọn đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Với nguồn ngân sách hạn hẹp, ACV đã huy động, sử dụng hiệu quả, phân kỳ đầu tư hợp lý các nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn khấu hao tài sản để thực hiện các công tác đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, tăng trưởng hàng năm.

Chưa dừng lại ở đó, để hàng không Việt Nam bay cao hơn, xa hơn, ngành Hàng không đã xác định từ nay đến năm 2020 tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng cảng hàng không trong cả nước theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo an ninh an toàn, phát triển hiệu quả và bền vững; mở rộng hợp tác đầu tư, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng cảng hàng không; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách, phát triển các loại hình dịch vụ hàng không và phi hàng không chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Hàng không, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, năng động, hấp dẫn hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

LINH HOẠT HUY ĐỘNG VỐN

Kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi khả quan, nhiều nền kinh tế lớn đã dần lấy lại được đà tăng trưởng. Đồng thời, giai đoạn 2017 - 2021 sẽ là giai đoạn chuyển đổi quan trọng của kinh tế Việt Nam với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, hàng không Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thị trường vận tải hàng không Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dự kiến đến năm 2021, sản lượng hành khách thông qua cảng đạt khoảng 130 - 150 triệu khách với tốc độ tăng tường bình quân giai đoạn đạt khoảng 12% - 15%/năm.

Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào hàng không, ngành Hàng không xác định huy động mọi nguồn lực cũng như nguồn vốn tích lũy của doanh nghiệp để triển khai các dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực cho các dự án thiết thực, đạt hiệu quả cao hoặc phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Để giải quyết tốt bài toán đầu tư, Ngành đã lên kế hoạch chi tiết cho từng dự án, phân kỳ đầu tư một cách hợp lý, tận dụng tối đa nguồn lực cho các dự án thiết thực, đem lại hiệu quả cao. Sử dụng các giải pháp linh hoạt huy động nguồn vốn để đảm bảo nhu cầu đầu tư, duy trì và phát triển bằng các hình thức đầu tư: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), cổ phần hóa doanh nghiệp.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2021, đối với các tài sản thuộc sở hữu, quản lý của ACV, ACV thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn khấu hao tài sản cố định tích lũy hàng năm và vốn vay thương mại. Tổng nguồn vốn ACV tích lũy được trong giai đoạn 2017 - 2021 khoảng 19.000 tỷ đồng. Với số vốn này, ACV cơ bản đủ để thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp các dự án, tài sản thuộc sở hữu, quản lý của ACV như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá, sân đậu tàu bay, các trang thiết bị… Trong trường hợp còn thiếu, ACV thực hiện các giải pháp vay vốn thương mại hoặc kêu gọi đầu tư để đảm bảo hoàn thành chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Đối với các tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, các dự án đầu tư, mở rộng, do các tài sản khu bay thuộc sở hữu của Nhà nước, nên trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, mở rộng do Nhà nước thực hiện và cấp vốn. Về các dự án sửa chữa có tính chất đảm bảo khai thác hoạt động ổn định tại khu bay, chi phí sửa chữa có tính chất chu kỳ được phản ánh vào kết quả hoạt động kinh doanh của hoạt động khu bay. Do đó, nguồn chi phí sửa chữa lớn các tài sản khu bay được tính toán trong phương án thuê tài sản của ACV với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam. Để đảm bảo nguồn chi phí sửa chữa lớn tài sản này, ACV đề xuất trích trước chi phí sửa chữa lớn hàng năm và được tính toán, phản ánh vào phương án cho thuê khu bay của Nhà nước và được Nhà nước quyết toán định kỳ 5 năm/1 lần phù hợp với Nghị định 102/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Ý kiến của bạn

Bình luận