Dấu ấn trên những công trình giao thông

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Doanh nhân 22/12/2016 06:13

Từ một xí nghiệp quy mô nhỏ với khoảng 100 lao động đang trong tình trạng chuẩn bị giải thể do làm ăn thua lỗ, nợ đọng vào năm 2002, đến nay Tổng công ty 36 đã phát triển thành một doanh nghiệp mạnh với vốn điều lệ 430 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 6.800 tỷ đồng với 10.000 cán bộ, chiến sĩ và người lao động. Từ chỗ tên gọi 36 chưa được biết tới, đến nay Tổng công ty 36 đã là tên tuổi của một thương hiệu nổi tiếng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

duong BOT quoc lo 19 doan Binh dinh - Gia Lai

Để có sự phát triển đột phá đó, Tổng công ty 36 đã hoạch định chiến lược phát triển đúng hướng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ và trang thiết bị hiện đại, thực hiện phương thức quản lý, điều hành trực tuyến và chăm lo phát triển nhân tố con người, đặc biệt đã phát huy được hàng chục sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, góp phần tháo gỡ khó khăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm cho ngân sách và các chủ đầu tư.

Cùng với các tập đoàn, tổng công ty kinh tế của quân đội đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế liên tục tăng trưởng trong những năm qua, Tổng công ty 36 là một trong những điểm sáng của người lính hôm nay trên mặt trận phát triển kinh tế nói chung và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

Hành trình vượt khó đi lên của Tổng công ty 36 không thể diễn tả hết trong khuôn khổ bài viết này, nhưng có thể dễ dàng cảm nhận hành trình ấy kết tinh từ những giá trị cao đẹp của đội ngũ CB, CNV kỹ sư mặc áo lính làm kinh tế. Từ lao động nặng nhọc, Tổng công ty 36 đã trưởng thành trên nền tảng tri thức chuyên môn sâu đến nền văn hóa kinh doanh và đặc biệt là ý trí khát vọng vươn lên của những người lính để hôm nay, diện mạo của Tổng công ty 36 thật bề thế và diện mạo ấy đang trải khắp mọi nẻo đường, trên các công trình giao thông của đất nước, ghi đậm dấu ấn của người lính 36 anh hùng. Từ bàn tay của những người thợ Tổng công ty 36 đã làm nên hàng trăm công trình hiện đại, nguy nga trong nhiều lĩnh vực, góp phần làm giàu đẹp đất nước, viết tiếp truyền thống hào hùng của người lính Cụ Hồ.

Một trong những công trình hạ tầng giao thông ghi đậm dấu ấn người lính 36 phải kể đến là đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh từ Quảng Nam đến Lâm Đồng dài 700km. Đây là công trình giao thông quan trọng trong chiến lược an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tổng công ty đã được Bộ Quốc phòng tin tưởng giao thi công tuyến đường đôi lưỡng dụng qua huyện M’Drắk thuộc tỉnh Đắk Lắk, để đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của chủ đầu tư. Trước yêu cầu khắt khe đó, Tổng công ty 36 đã đầu tư nhiều thiết bị tiên tiến như: Máy rải nhựa hiện đại GOMRCO, máy khoan cọc nhồi, máy đào tường vây Pewer PG hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay… và nhiều thiết bị hiện đại khác mang vóc dáng của đơn vị thi công có tầm quốc tế, mở hướng vươn ra những công trình lớn quy mô hiện đại.

IMG_8759

Để vươn lên trở thành nhà thầu mạnh có tầm quốc tế, Tổng công ty 36 đã chủ động xây dựng doanh nghiệp “5 mạnh”: Mạnh về tài chính, mạnh về nguồn nhân lực, mạnh về năng lực điều hành, mạnh về năng lực thiết bị, mạnh về khả năng kinh doanh mang tính chuyên nghiệp cao; đầu tư hàng trăm triệu USD để mua sắm; nhập ngoại nhiều loại trang thiết bị, máy móc xây dựng hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay. Nhờ vậy, tỷ lệ thắng thầu của Tổng công ty luôn đạt mức trên 90%.

Thời gian qua, Tổng công ty xác định thực hiện các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là một bước đi chiến lược, với dự cảm của người lãnh đạo từng trải, cùng khát vọng đóng góp thật nhiều cho sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước. Trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ trong việc huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Tổng giám đốc Tổng công ty trực tiếp xây dựng đề án, huy động trí tuệ tập thể, mạnh dạn đầu tư vào dự án BOT QL19 nối Bình Định - Pleiku với gói thầu hơn 50km. Dự án này có lượng xe qua lại lớn, vừa thi công nhưng vẫn đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông bình thường. Quá trình thi công gặp không ít khó khăn, với những vị trí đèo dốc phức tạp, ta-luy cao, các đơn vị thi công của Tổng công ty 36 đều có biện pháp thi công đảm bảo công trình về đích đúng hẹn với chất lượng tốt nhất, minh chứng cho năng lực chuyên môn cũng như uy tín của Tổng công ty 36 và hướng đi đúng đắn khi làm công trình BOT. Dự án đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh cho Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ.

Một trong những dự án BOT lớn mà Tổng công ty 36 làm chủ đầu tư không thể không nhắc đến là Dự án BOT Xuân Mai - Hòa Bình trên tuyến QL6. Đây là công trình vừa cải tạo, vừa mở mới hoàn toàn, rút ngắn thời gian đi lại đoạn Hà Nội - Hòa Bình. Đối với những khu vực mở tuyến mới, cán bộ, chiến sỹ Tổng công ty 36 đã huy động tổng lực, xe máy, nhân lực lên công trường để rút ngắn tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình, đáp lại sự mong đợi của nhân dân bao ngày nay, tạo diện mạo mới cho vùng Tây Bắc. Khẳng định về chủ trương đầu tư hình thức BOT, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp nhấn mạnh: “Thực hiện BOT là đi trước một bước, là tiền đề cho cổ phần hóa thành công của Tổng công ty, từ đây huy động tối đa nguồn lực của xã hội. Nếu chỉ nhìn vào doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước, chỉ nhìn vào vốn đầu tư công bằng vốn Nhà nước thì đất nước không thể nào đuổi kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới. Hợp tác công - tư là mô hình rất tiên tiến trên thế giới, các nước phát triển áp dụng từ rất lâu. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách phát triển rất hợp lý và kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Đặc biệt, tôi đánh giá cao chủ trương quyết liệt của Bộ GTVT trong việc triển khai thực hiện các dự án BOT thời gian qua là rất sáng suốt”.

Điểm nhấn quan trọng đối với Tổng công ty 36 thời gian qua là chủ trương đầu tư BOT các dự án hạ tầng giao thông. Đây là những bước đi quan trọng tạo ra thế và lực cho Tổng công ty 36 tiến ra biển lớn hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn vốn Chính phủ không thể dàn trải trong đầu tư cơ sở hạ tầng nên chủ trương xã hội hóa nguồn vốn đầu tư là một giải pháp khả dĩ được Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm. Riêng giai đoạn 2011 - 2015, ngành GTVT đã đột phá huy động nguồn lực đầu tư bằng hình thức xã hội hóa hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhạy bén nắm bắt xu thế ấy, Tổng công ty 36 là một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai các dự án BOT.

unnamed

Bên cạnh các dự án BOT, người thợ 36 còn thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông như Dự án cầu cảng nhập xăng dầu công suất 35.000 tấn. Đây là một trong những cầu cảng lớn của khu vực miền Nam trên sông Sài Gòn và Đồng Nai thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án mang dấu ấn của Tổng công ty 36, tiến độ của công trình được chủ đầu tư giao 13 tháng, song Tổng công ty đã phát huy năng lực, đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo chất lượng về đích trước tiến độ thi công 5 tháng, được chủ đầu tư đánh giá cao.

Có thể nói, những dấu ấn của Tổng công ty 36 trên các công trình hạ tầng giao thông thời gian qua là những minh chứng, tiền đề quan trọng để Tổng công ty tiến ra biển lớn trong hội nhập, tham gia cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án giao thông có tầm cỡ của đất nước và khu vực. Cũng từ đây, tên tuổi của Tổng công ty 36 được các đối tác, chủ đầu tư, đặc biệt là ngành GTVT đánh giá cao, xứng tầm là một Tổng công ty Anh hùng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Ý kiến của bạn

Bình luận