Dấu ấn người lính 36 trên các dự án BOT

Tác giả: Khánh Tình

saosaosaosaosao
Doanh nhân 23/12/2018 14:37

Tổng công ty 36 - CTCP (Bộ Quốc phòng) đã tham gia nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông, vào cuộc với tinh thần người lính vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

 

DJI_0039_1
BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình

 Vượt qua khó khăn

Khi tiếp quản dự án QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội sau nhiều năm “án binh bất động”, lãnh đạo ngành GTVT đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Tổng công ty 36 “vào cuộc với tinh thần người lính của đơn vị Anh hùng chỉ làm những việc khó”. Liên danh nhà thầu Tổng công ty 36, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội (Hanco) và Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Thành Lộc hình thành để thực hiện tiếp dự án QL6 theo hình thức BOT, gồm hai hợp phần: Xây mới tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7km và cải tạo, nâng cấp tuyến QL6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,6km. Trong đó, hợp phần QL6 Xuân Mai - Hòa Bình đã hoàn thành từ tháng 4/2015, tiến hành thu phí từ ngày 20/10/2015. Còn về tuyến mới Hòa Lạc - Hòa Bình, từ đầu năm 2018 trước sự “ì ạch” của chủ đầu tư, nhà thầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ra tối hậu thư: “Nếu đường Hòa Lạc - Hòa Bình không hoàn thành vào ngày 31/8 thì Vụ Đối tác công tư và Ban QLDA 2 phải làm đề xuất hủy hợp đồng BOT và không cho nhà đầu tư thu phí trên QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình”.

Trung tá Bùi Quang Bát - Giám đốc BOT QL6 cho biết, tại thời điểm đó BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình “vướng” cả chuyện mặt bằng và vốn, trong đó “điểm nghẽn” lớn nhất của chủ đầu tư là thiếu vốn góp trong liên danh. Vì thế, ngân hàng đã ngừng cấp vốn cho dự án từ ngày 01/11/2017.  

Sau khi có chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu ngành GTVT, đến tháng 4/2018, Tổng công ty 36 đã bỏ tiền mua lại 9,5% cổ phần (khoảng 34 tỷ đồng) của Hanco, nâng phần vốn góp của Tổng công ty 36 lên 49,5% (khoảng 185,13 tỷ đồng). Đồng thời, Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc cũng góp thêm 25% để bảo đảm phần vốn góp là 93,5 tỷ đồng. Về phía Hanco cũng đã đóng được 95,37 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng công ty 36 huy động nhân, vật lực để thay thế, cắt việc một số nhà thầu yếu kém để bảo đảm tiến độ, chất lượng chung của dự án như thay thế nhà thầu Nam Việt (gói 7) và liên danh Thành Nam - Sao Vàng (gói 8), Công ty Cổ phần 36.25 thuộc Tổng công ty 36 (gói 10) và liên danh Nam Việt - Công ty Xây dựng 222 (gói 14). Các đơn vị xây lắp của Tổng công ty 36 đã được huy động vào cuộc có những thời điểm lên đến cả ngàn người, cùng thiết bị thi công để đuổi kịp tiến độ… Vượt mọi khó khăn, thách thức, vào cuộc với tinh thần của người lính, dự án đã được hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 10/10/2018.

Lợi nhuận không phải là tất cả

Đã là kinh doanh, lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu, tuy nhiên đối với dự án BOT QL19 do Công ty 36.71 làm chủ đầu tư thì lợi nhuận không phải là tất cả. Thượng tá Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 chia sẻ, Dự án BOT QL19 chạy qua hai tỉnh Bình Định, Gia Lai triển khai thi công cuối năm 2013, hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác hoàn vốn từ ngày 01/6/2016. Đoạn qua tỉnh Bình Định từ km17+054 đến km50+00. Chiều dài tuyến 33,082km qua địa bàn thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn. Đối với các dự án BOT thông thường, nhà đầu tư chọn vị trí đặt trạm thu phí ở địa điểm thuận lợi cho việc khai thác hoàn vốn, nhưng riêng BOT QL19 thì không, trạm thu phí đặt tại km49+550 nằm ở cuối tuyến, cách trung tâm huyện Tây Sơn 10km, cách thị xã An Nhơn 20 - 30km, trong khi lưu lượng xe chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm đổ về QL1A, cảng và TP. Quy Nhơn... nên người dân khu vực nói trên hưởng lợi từ dự án rất nhiều. Người dân thường xuyên lưu thông trên con đường BOT hàng chục kilomet nhưng không phải đóng phí, xe qua trạm thì chủ yếu là xe đường dài...

Trong khi đó, trong quá trình khai thác nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về phương án tài chính không khả thi (do lưu lượng xe qua trạm ít dẫn đến doanh thu thấp), khó khăn khi người dân không thấu hiểu dẫn đến ý thức trong quá trình sử dụng chưa tuân thủ đúng quy định. Dự án hoàn thành gần 3 năm nhưng nhà đầu tư đã phải tiến hành sửa chữa rất nhiều lần... Xe từ các khu mỏ, khu công nghiệp lưu thông không tuân thủ các quy định làm hư hỏng đường, đặc biệt là nắp tấm đan bị mất, bị vỡ rất nhiều. Nguyên nhân là theo thiết kế, tấm đan không chịu lực nhưng xe có tải trọng lớn thường dừng, đỗ lên, rồi xe ra vào đổ nguyên vật liệu khi người dân xây dựng công trình dân sinh ven đường, cá biệt một số chỗ còn bị mất. Nhà đầu tư đã tiến hành sửa chữa, lắp đặt bổ sung rất nhiều lần và tốn rất nhiều kinh phí…

“Nhớ lại khi hoàn thành dự án BOT QL19 năm 2013, với vai trò vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu thi công, trong thời gian đầu triển khai dự án chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình thiết yếu do vấn đề lịch sử để lại. Đặc biệt, quá trình thi công phải xử lý một số vấn đề phức tạp về kỹ thuật để đảm bảo mặt đường êm thuận và bảo đảm ATGT như xử lý sụt lún, chống hằn lún vệt bánh xe và vừa thi công vừa bảo đảm giao thông đoạn qua đèo MangYang (km108+00 - km112+00) với địa hình đèo dốc quanh co, khối lượng đào đắp đất đá lớn. Với tinh thần chủ động quyết liệt, sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ hệ thống Công ty, chúng tôi đã vượt mọi khó khăn, tập trung nhân lực, thiết bị, đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công, tăng ca khi được bàn giao mặt bằng để thi công gói thầu, dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh Bình Định, Gia Lai, kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo ATGT. Chúng tôi mong muốn công trình tiếp tục mang lại hiệu quả cho xã hội và chính người dân địa phương”, ông Dũng chia sẻ

Ý kiến của bạn

Bình luận