Dấu ấn GTVT 75 năm: Hai công trình giao thông mang tầm thời đại

Thị trường 29/08/2020 06:06

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là hai trong những dự án trọng điểm có quy mô và tầm cỡ của ngành GTVT. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là sợi chỉ đỏ kết nối, thông thương giữa các vùng kinh tế. Đối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, ngoài vai trò về mặt chiến lược, kinh tế thì công nghệ được xem là đặc điểm nổi bật.

image001
Cảng HKQT Long Thành sẽ sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất

Cao tốc Bắc - Nam: hình thành tuyến đường xuyên việt thứ 3

Tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông là dự án trọng điểm quốc gia được chia làm 11 dự án, trong đó 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 117/2020/QH14 về việc chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công - tư 3 dự án gồm: đoạn Mai Sơn - QL45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư công. Đây là một trong những dự án trọng điểm của ngành GTVT trong giai đoạn vừa qua và các năm tới đây, do đó Ngành đang dồn toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Quốc hội giao phó.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng được các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh, nhằm đảm bảo tiến độ dự án mà Quốc hội và Chính phủ giao. Tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông có tổng chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư các dự án khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành. Khi hoàn thành tuyến đường bộ xuyên Việt thứ 3, sẽ kết nối QL1 và đường Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, Bộ GTVT được giao khẩn trương triển khai thủ tục phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần đầu tư công. Với 5 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hiện đã hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán. Do đó, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ đấu thầu chọn nhà đầu tư, đảm bảo công khai, minh bạch, chọn được nhà đầu tư đủ năng lực nhằm khởi công các dự án như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với 5 dự án thành phần còn lại, Bộ GTVT đã hoàn thành sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư vào cuối tháng 7/2020, thời hạn mua hồ sơ mời thầu trước ngày 20/9. Đến nay, đã có 14 trong số 16 nhà đầu tư qua sơ tuyển đến mua hồ sơ mời thầu. Theo quy định pháp luật về đấu thầu, nhà đầu tư có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Dự kiến khoảng ngày 20/9 sẽ mở thầu, các ban QLDA sẽ thành lập tổ chuyên gia đấu thầu để đánh giá hồ sơ dự thầu theo đúng quy định pháp luật.

Dự kiến trong tháng 12/2020 sẽ phê duyệt kết quả đấu thầu và đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư (nếu đấu thầu thành công) và khởi công các dự án vào đầu năm 2021. Thời gian qua, các đơn vị hữu quan của Bộ GTVT cùng với 14 địa phương nơi dự án đi qua đã tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đến nay đã bàn giao 569,9/653,61 km (đạt 87,3%), dự kiến hoàn thành trong đầu quý IV/2020... Để xử lý, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu mặt bằng sạch để triển khai thi công, đảm bảo tiến độ mà Quốc hội đã phê duyệt.

Cảng HKQT Long Thành: Sân bay thông minh 4.0

Với mục tiêu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành trở thành một sân bay thông minh, thân thiện với môi trường, tư vấn đã lựa chọn áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng HKQT tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí thuận tiện, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay...) được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn được thời gian làm thủ tục hàng không. AI sẽ phân tích đối chiếu và đưa ra các cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh.

Tư vấn đã thiết kế một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại Trung tâm dữ liệu của Cảng (Data Center) để lưu trữ thông tin của các hệ thống của toàn bộ sân bay như: hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ga, đài kiểm soát không lưu, hệ thống thông tin dẫn đường, hệ thống hướng dẫn cất, hạ cánh, hệ thống thông tin xuất nhập cảnh, hệ thống thông tin hải quan...

Đối với Cảng HKQT Long Thành, tất cả các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật nhà ga hàng không, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bay, các trang thiết bị thuộc các trụ sở quản lý nhà nước hoạt động tại cảng hàng không, các hãng hàng không... sẽ là thành phần của Internet vạn vật (IoT), được gắn kết với phần mềm, cảm biến, kết nối mạng... và tất cả có khả năng thu thập, truyền tải và trao đổi thông tin, dữ liệu. Một trong những ứng dụng IoT nổi bật là công nghệ nhận dạng thông tin bằng tần số vô tuyến - RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ kết nối để tự động xác định và theo dõi bằng các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể như hành lý, thiết bị, đối tượng...

Tư vấn đã thiết kế hệ thống BHS được kết hợp với công nghệ nhận dạng thông tin hành lý bằng RFID nhằm giúp cho việc phân loại và nhận dạng hành lý gần như tuyệt đối chính xác, đảm bảo an toàn cho kiểm soát thông tin soi chiếu an ninh, soi chiếu hải quan, giảm thiểu thất lạc hành lý. Bên cạnh đó, hành khách dễ dàng truy cập, kiểm tra thông tin lộ trình hành lý của mình thông qua ứng dụng trên máy tính cá nhân hoặc điện thoại.

Ngoài ra, IoT cho phép phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ các tiện ích tại Cảng như: bãi đậu xe thông minh, thông tin chuyến bay, sơ đồ nhà ga, thông tin mua sắm, thông tin khởi hành bay...

Đối với trang thiết bị kỹ thuật, tư vấn thiết kế lựa chọn công nghệ tự động hóa (hiện được áp dụng cho các nhà ga mới của các sân bay lớn trên thế giới như Incheon T2, Changi T4...) cho các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật tự động như: hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục hàng, hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý, hệ thống kiểm soát an ninh tại cổng ra vào tự động, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, hệ thống cửa ra tàu bay tự động.

Trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, các công nghệ hiện đại nhất cũng được sử dụng bao gồm: Công nghệ định vị, dẫn đường bằng vệ tinh và dẫn đường theo tính năng; Công nghệ tự động hóa quản lý không lưu; Công nghệ tự động hóa điều khiển và dẫn dắt mặt đất Mức độ 2+; Công nghệ tự động quản lý chuyến bay đi, đến...

Đối với lĩnh vực đảm bảo an ninh hàng không, thiết bị kiểm thể tự động (Body Scanner) sẽ được trang bị 100% bên trong nhà ga hành khách thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay như trước đây nhằm tăng cường hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian ở khâu kiểm tra an ninh và tạo sự thoải mái cho hành khách. Tư vấn đã thiết kế hàng rào an ninh sử dụng hệ thống cáp quang cảm biến chống xâm nhập kết hợp camera giám sát nhằm phát hiện sớm các vị trí có nguy cơ xâm nhập trái phép, cung cấp và lưu trữ hình ảnh tại khu vực có cảnh báo, phục vụ công tác đảm bảo an ninh hàng không.

Về phương án đảm bảo an toàn nguồn điện và áp dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng, nguồn điện 22KV cấp cho Cảng gồm hai tuyến độc lập, được lấy từ trạm biến áp Sân bay Long Thành 110/22KV. Tư vấn đã thiết kế Hệ thống mạng lưới điện thông minh (Smart Grid) tại Cảng HKQT Long Thành hoạt động dựa trên dữ liệu trạng thái các nguồn điện cung cấp và yêu cầu phụ tải của Cảng để tối ưu hóa vận hành hệ thống điện và tiết kiệm năng lượng.

Ý kiến của bạn

Bình luận