Đặt tên đường: Không chỉ là chuyện cái tên

Ý kiến phản biện 19/11/2016 15:59

TP.HCM cạn quỹ tên đường để đặt mới, thiếu hơn 2.100 tên. Tại sao? Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, cựu ủy viên thường trực Hội đồng đặt đổi tên đường TP.HCM giai đoạn 1995-2005.

eca110da
Đường D5 giao với đường D2, Q. Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau năm 1975, ông Nguyễn Đình Tư đam mê nghiên cứu văn hóa với 50 đầu sách giá trị, trong đó có cuốn Đường phố nội thành TP.HCM. Chính từ cuốn sách giá trị nghiên cứu này, ông Tư dù không giữ chức vụ, việc chuyên môn nào vẫn được UBND TP.HCM mời tham gia Hội đồng đặt đổi tên đường.

Nay đã sang tuổi 95 nhưng nhà nghiên cứu cao tuổi vẫn quan tâm vấn đề tên đường phố. Bởi theo ông, nó không chỉ đơn thuần là địa chỉ, mà còn là văn hóa, lịch sử của 
TP này.

Tốc độ đô thị hóa 
quá nhanh...

* Xin phép được hỏi thẳng ông câu đầu tiên: Lâu nay chắc ông cũng nghe người dân ta thán những “ma trận” trên đường phố trùng lắp nhau, rồi cả tên vô nghĩa, sai lịch sử. Từng là thường trực trong Hội đồng đặt đổi tên đường TP.HCM, ông nghĩ sao?

- Một số phản ảnh của người dân xuất phát từ thực tế, chẳng hạn có đường Hoàng Hoa Thám ở Bình Thạnh, lại có Hoàng Hoa Thám ở Tân Bình... Ngay từ đầu, chúng tôi đã muốn mỗi tên chỉ đặt một đường nhưng không thể.

Lý do đầu tiên là TP.HCM được hợp nhất từ hai đơn vị hành chính TP Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Do đó, khi cả hai nhập lại TP.HCM mới có sự trùng lặp tên đường giữa các quận, thậm chí trong quận.

Năm 1995, UBND TP.HCM quyết định thành lập Hội đồng đặt đổi tên đường mới với 20 thành viên kiêm nhiệm. Ban đầu, hội đồng được chỉ đạo mỗi tên chỉ đặt cho một đường.

Nhưng nếu làm như vậy sẽ gây xáo trộn lớn, làm khổ, làm thiệt đồng bào, nhất là về giấy tờ hộ tịch, bằng cấp, bất động sản nên đành chấp nhận nguyên tắc: tên đường được trùng nhau giữa các quận huyện nhưng không được trùng trong một quận huyện (nếu có sẽ phải đổi).

Còn một số tên bị sai như Trương Quốc Dụng đặt sai ra Trương Quốc Dung đã có từ trước, chưa sửa đổi kịp.

* Tiếp tục với nội dung “chưa đặt đổi kịp”. Ông có thể cho biết rõ “chưa kịp” là thế nào?

- Thời kỳ tôi làm, trong năm năm chỉ đặt đổi được hơn 800 tên đường, vì chậm ở khâu xét duyệt của HĐND TP.HCM. Thời đó, theo tôi biết, trong các phiên họp của HĐND, mục xét duyệt tên đường được đặt sau cùng vì có nhiều nội dung quan trọng, cấp bách hơn.

Khi tới mục tên đường, hết thời gian nên hoãn lại kỳ họp sau, rồi kỳ họp sau nữa trong khi đó tốc độ đô thị hóa quá nhanh, đường sá xuất hiện ngày càng nhiều. Đó chính là nguyên nhân tại sao lại có nhiều con đường mang tên số 1, số 2, số 3...

Cần đổi những tên đường Kênh Nước Đen, Vành Đai, Tên Lửa...

* Trở lại trước năm 1975, ông nghiên cứu thế nào về việc đặt đổi tên đường?

- Trước 1954, chính quyền Pháp chủ yếu chỉ lấy tên tướng lãnh quân sự người Pháp, kể cả những kẻ đi xâm lược, để đặt cho đường phố VN. Điều này không thể chấp nhận.

Chúng ta, đất nước có lịch sử, văn hiến để tự hào truyền đời, không thể chấp nhận những cái tên đô đốc hải quân Pháp, đại úy bộ binh viễn chinh này nọ.

Sau đó, ông Ngô Đình Diệm đã yêu cầu thay tất cả tên đường Pháp sang tên Việt, chủ yếu là các danh nhân quân sự từ thế kỷ thứ 10 trở lại, trong đó nhiều tên tuổi thời nhà Nguyễn và thời chống Pháp sau này.

Ngoài biển, tên các đảo được chính quyền Pháp đặt tên của họ trước đó cũng được đổi sang tên nhân vật lịch sử Việt.

* Nếu bỏ qua tên Pháp, có ý kiến cho rằng tên đường phố thời 1954-1975 rất dễ phân biệt, dễ tìm. Ông nhận xét thế nào?

- Rất rõ ràng thôi. Trước 1975, Sài Gòn và Gia Định là riêng biệt và quy mô TP nào cũng còn nhỏ. Ngoài ra, chính quyền cũ thường đặt tên đường theo cụm.

Tôi nghĩ rất hay. Ví dụ khu Tân Định đặt cụm tên đường thời nhà Trần như Trần Quang Khải, cụm quận 4 đặt tên thời Lê, khu chợ Bến Thành thì đặt tên thời chống Pháp như Nguyễn Thái Học...

Nó giúp người ta rất dễ xác định khu vực. Chẳng hạn cứ nghe tên đường thời nhà Trần là biết ngay phải tìm đến khu Tân Định rồi.

Khi làm ủy viên thường trực Hội đồng đặt đổi tên đường, tôi rất muốn tiếp tục đặt theo cụm như vậy, nhưng đối diện với nhiều cái khó. Bởi ngay sau 1975, quá nhiều tên đường đã thay đổi, đặt biệt là tên các nhân vật nhà Nguyễn gần như bị xóa hết để thay bằng tên mới.

Làm sao có thể trở lại tên đường theo cụm được nữa?

* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng một số tên đường hiện không hay, không có ý nghĩa, thậm chí phản cảm như đường Kênh Nước Đen, Liên Khu, Vành Đai, Tên Lửa... Tại sao lại vậy? Việc đặt đổi tên đường được chọn trên những tiêu chí nào? Như chính ông nói việc này thực chất đâu có gì mới mẻ, đã có quá nhiều kinh nghiệm từ các chính quyền trước.

- Sau năm 1975, những tên đường đổi mới chủ yếu là nhân vật và sự kiện cách mạng. Lần đặt đổi tên đường từ năm 1995, hội đồng lùi thời gian chọn lựa nhân vật lại từ thời Hùng Vương lập quốc.

Chúng tôi không chỉ chọn những người có công chính trị, quân sự mà mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như văn học, nghệ thuật, công nghệ, kinh tế, thiên văn, toán học, nhà ngoại giao uy tín, nhà cai trị tốt mang lại cơm no áo ấm cho đồng bào.

Đồng thời, hội đồng cũng khôi phục tên đường theo một số địa danh đã gắn bó với dân chúng, dễ biết, dễ nhớ như đường Tân Sơn Nhì. Đặc biệt, chúng tôi cũng đề xuất đặt tên đường Hoàng Sa và Trường Sa cho tuyến kênh Nhiêu Lộc.

Đúng là cũng có một số tên đường nghe không hay lắm như Kênh Nước Đen này nọ, nhưng hình như nó đã có từ trước hoặc do quận đặt tên, chúng tôi không chọn lựa. Theo tôi, những tên đường như thế này cũng cần phải được đổi lại.

Đừng trễ nải nữa

* Theo ông, việc đặt tên đường hiện nay cần những điều kiện gì để giải quyết các “lộm cộm” mà xã hội góp ý và khắc phục quan điểm hết quỹ tên đường?

- Tôi nghĩ rằng Hội đồng đặt đổi tên đường phố phải có người chuyên trách (chứ không kiêm nhiệm như trước đây), đặc biệt là những nhà sử học uy tín. Lịch làm việc của HĐND cũng cần dành khoản thời gian cố định cho nội dung này, để đừng trễ nải như trước. 

Thật ra, việc đặt tên đường phố đâu có gì quá phức tạp, vấn đề là sự chọn lựa và thái độ chúng ta thế nào. Hồi chúng tôi làm đều mò mẫm xe máy xuống tận nơi để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến người dân trước khi chọn lựa cái tên nào đó.

Nên đặt tên những bậc tiền hiền

* Có ý kiến cho rằng TP.HCM đang cạn quỹ tên đường, cụ thể là thiếu hơn 2.100 tên để đặt. Quan điểm ông thế nào?

- Tôi khẳng định rằng không thể nào thiếu tên đường được. Quốc gia có lịch sử 4.000 năm, trải qua bao nhiêu thời đại thăng trầm, chiến cuộc vệ quốc, xuất hiện biết bao nhân vật hiển hách, tài giỏi trong nhiều lĩnh vực mà nói không đủ tên đặt cho đường phố là không đúng.

Tôi nói thẳng không chỉ TP quy mô thế này, mà lớn gấp đôi, gấp ba vẫn dư tên để đặt. Chẳng hạn lấy tên các cù lao, bãi san hô, hòn đảo nước Việt từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa, từ biển Bắc xuống Nam là đã có hàng ngàn cái tên rất ý nghĩa.

Ví dụ đường Song Tử Tây, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Gạc Ma... (tên các hòn đảo, bãi san hô ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Rồi đặt tên đường từ các địa danh chiến trận, địa danh lịch sử, tên các tỉnh thành, huyện lỵ, sông núi, hang động, cánh rừng nổi tiếng trong cả nước để giúp người dân hiểu thêm sử địa thì càng ý nghĩa.

* Tên đường phố đâu chỉ đơn giản để người dân tìm địa chỉ, mà còn thể hiện văn hóa, lịch sử. Ông suy nghĩ thế nào về chuyện này?

- Tôi nhớ có lần định đổi tên đường Cộng Hòa thành Trần Văn Trà - vị tướng tài ba xứng đáng được đặt tên đường. Nhưng tên Cộng Hòa cũng ý nghĩa, nền chính trị thượng tôn quyền lực nhân dân được cả thế giới công nhận, vậy sao phải đổi.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị giữ tên đường Cộng Hòa, đặt tên đường Trần Văn Trà ở quận 7. Rồi Công trường Dân Chủ vẫn được giữ lại, cái tên ý nghĩa như vậy thì đổi làm gì.

Gần đây, lịch sử chúng ta cũng minh định lại công tội nhiều bậc tiền nhân bị rơi vào vòng xoáy khắc nghiệt của thời cuộc, của những góc nhìn lịch sử khác nhau. Chúng ta nên trả lại tên tuổi cho các vị ấy để con cháu hiểu đúng tổ tiên mình, bởi không có xưa làm sao có nay.

Tôi rất mong có ngày đường phố đặt lại những tên như danh tướng trung liệt Võ Tánh, học giả có công truyền bá quốc ngữ Trương Vĩnh Ký, công thần Phan Thanh Giản, tổng trấn Lê Văn Duyệt... Họ đều là bậc tiền hiền có công với nước, có nghĩa với dân.

* Đúng là lịch sử chúng ta không thiếu hiền tài để đặt tên đường, nhưng thế giới cũng có nhiều tên tuổi đạt tầm vóc nhân loại, được mọi thời đại, mọi dân tộc tưởng nhớ. Có nên đặt những tên này để mở rộng tầm nhìn cho thế hệ mai sau?

- Tôi ủng hộ quan điểm này. Thế giới có biết bao tên tuổi xứng đáng để mình chọn lựa. Chẳng hạn những nhân vật lừng danh như Gandhi, Tagor ở Ấn Độ, nhạc sĩ Mozart, nhà tự nhiên học Darwin...

Đừng ngại tên nước ngoài xa lạ. Chúng ta đã có những đường rất thân thuộc như Yersin, Alexandre de Rhodes.

Trước đây, việc đặt tên đường cũng bàn thảo chuyện này, đề xuất chọn nhân vật nước ngoài gắn với VN. Nhưng tôi nghĩ dù họ không gắn với nước mình mà có giá trị tầm nhân loại thì vẫn vô cùng xứng đáng.

f66e0a48
Ông Nguyễn Đình Tư - Ảnh: L.Đ.


Ông Nguyễn Đình Tư sinh năm 1922, quê Thanh Chương, Nghệ An. Thời chống Pháp, ông từng tham gia viết báo kháng chiến. Về sau ông vào miền Trung làm Ty Điền địa Phú Yên, Khánh Hòa và viết sách.

Ngoài nhiều tiểu thuyết lịch sử, ông còn viết nhiều sách nghiên cứu lịch sử - địa chí Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị... Đặc biệt, ông còn là tác giả của các bộ sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, Tiểu sử và hành trạng các nhà Hán học Nam bộ.

Sau năm 1975, mặc dù cuộc sống rất khó khăn nhưng ông vẫn tự bỏ kinh phí, đạp xe thực địa, viết sách Đường phố nội thành TP.HCM do Cục Bản đồ và khảo sát xây dựng, NXB TP.HCM xuất bản 1993.

Ý kiến của bạn

Bình luận