Đào tạo thuyền viên đường thủy nội địa:Thực trạng và giải pháp

29/11/2019 14:16

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về GTVT đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Để phát triển vận tải thủy nội địa thì phát triển nguồn nhân lực, trong đó phát triển nguồn lực thuyền viên là một yếu tố quyết định để thúc đẩy sự phát triển của Ngành.

 

DSCF1523
DSCF1523

Thiếu và yếu

Theo số liệu của Cục ĐTNĐ Việt Nam, số thuyền viên được đào tạo và đã được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn (CCCM) đến hết quý I/2019 là 408.983 người. Mặt khác, cả nước hiện có 253.797 phương tiện thủy nội địa được đăng ký, chiếm khoảng 53,9%  so với số liệu tổng điều tra năm 2007. Nếu kể cả số phương tiện chưa đăng ký thì nhu cầu thuyền viên cần phải đủ theo định biên (bình quân 02 người/phương tiện) và số lượng thuyên viên đã được đào tạo đến hết quý I/2019 thì Ngành còn thiếu khoảng 50% thuyền viên (theo Báo cáo của Cục ĐTNĐ Việt Nam tại Hội nghị về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ngày 18/6/2019 tại TP. Hồ Chí Minh). Số liệu này cho thấy, nguồn lực thuyền viên đang bị thiếu hụt với một số lượng không nhỏ. 

Trong những năm gần đây, lượng phương tiện phát triển nhanh cả về số lượng và chủng loại. Số lượng các loại phương tiện trọng tải nhỏ có xu hướng giảm thì nhiều loại phương tiện mới có trọng tải lớn, trang thiết bị hiện đại, nhất là các phương tiện vận tải ven biển ngày càng gia tăng, xu thế chuyển từ tàu cá sang phương tiện thủy nội địa cũng có xu hướng tăng tức là có nhiều thuyền viên tàu cá chuyển sang thuyền viên phương tiện thủy nội địa. Điều này phản ánh tính chất giao thông thủy truyền thống đã được thay đổi, do chuyển đổi quá nhanh nên một số thuyền viên chưa đủ khả năng làm chủ được các loại phương tiện mới. 

Thực tế đã cho thấy, đội ngũ thuyền viên của Ngành đang bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng làm việc. Có hàng vạn lao động đang hành nghề trên các phương tiện vận tải nhưng chưa được đào tạo chuẩn mực. Sự khiếm khuyết về trình độ, kỹ năng, ý thức tổ chức kỷ luật của người điều khiển phương tiện là những nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự ATGT đường thủy, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt cho xã hội. 

Cũng tại Hội nghị Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, những tồn tại trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đã chỉ ra: trở ngại lớn nhất trong việc thu hút đào tạo của ngành ĐTNĐ hiện nay chính là phân luồng đào tạo (đào tạo chính quy và đào tạo ngắn hạn). Chuẩn kiến thức và thời gian đào tạo của hai chương trình theo hai hình thức đào tạo này rất khác nhau, đào tạo chính quy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng (chương trình khung) của hệ thống giáo dục nghề nghiệp để cấp bằng dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng theo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; một bên là đào tạo thường xuyên để cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hay có thể gọi là giấy phép hành nghề (do bộ chủ quản quản lý). 

Đào tạo chính quy có chất lượng cao nhưng đòi hỏi học tập trung với thời gian dài (02 năm), trong khi đào tạo bổ túc chỉ học từng đợt với thời gian ngắn. Vì vậy, đã phát sinh một số bất cập không mong muốn: người học chỉ chọn hệ ngắn hạn để được nhanh chóng đi làm, trong đó điều đáng lo ngại là khó tuyển được người học theo hệ chính quy (số lượng đào tạo chính quy hàng năm hệ cao đẳng nghề điều khiển phương tiện thủy nội địa, máy tàu thủy trong cả nước chỉ từ 50 - 60 sinh viên so với hàng vạn người học hệ ngắn hạn). Do vậy, lực lượng lao động chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng là điều tất yếu.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 33 cơ sở dạy nghề riêng khu vực phía Nam, trong đó có 15 cơ sở đào tạo thường xuyên do Cục ĐTNĐ Việt Nam cấp phép. Các cơ sở trên nhìn chung hầu hết đều có qui mô manh mún, nhỏ lẻ với lưu lượng đào tạo ngắn hạn hàng năm từ vài trăm đến vài nghìn học viên. Trong quá trình hoạt động, một số cơ sở đào tạo còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều kiện về cơ sở vật chất hạn chế và đội ngũ giáo viên chưa tương xứng với qui mô đào tạo; một số cơ sở có xu hướng chạy theo thành tích và lợi ích cục bộ, thậm chí “bán” CCCM (không học và thi chiếu lệ cũng đạt).

Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo đã có nhiều cải tiến, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông được học và thi lấy CCCM, giúp thuyền viên nâng cao ý thức nghề nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn những nhược điểm liên quan đến chất lượng đào tạo, đó là: quản lý chuyên ngành mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong quản lý nhưng có lúc chưa giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo, đặc biệt là CCCM nên việc thực hiện qui chế giảng dạy ở một vài cơ sở đôi khi còn tùy tiện hoặc tổ chức đào tạo với số lượng lớn vượt quá năng lực thực tế của cơ sở dẫn đến kém chất lượng. Việc áp dụng các hình thức tiên tiến trong công tác thi cử như ứng dụng tin học trong quản lý chưa có bước đột phá để giảm thiểu việc đánh giá thiếu chính xác, thiếu công bằng; chưa mạnh dạn áp dụng rộng rãi hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính (như thi sát hạch ngành Đường bộ); tổ chức thi còn thiếu tính chuyên nghiệp, thủ tục rườm rà mất nhiều thời gian, kém hiệu quả và khó phát hiện tiêu cực, khi phát hiện tiêu cực thì cũng không qui rõ được trách nhiệm cá nhân.

Việt Nam có tiềm năng lớn về GTVT đường thủy nhưng hiện tại nguồn nhân lực chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ sở đào tạo đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, tăng cường chất lượng đào tạo thuyền viên là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để phát triển ĐTNĐ, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:

- Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần tiếp tục thực hiện xã hội hóa đào tạo để có thêm cơ sở tham gia dạy nghề, giải quyết kịp thời bài toán thiếu hụt số lượng thuyền viên của Ngành. Tuy nhiên, thực hiện xã hội hóa cần phải tuân thủ hai điều kiện bắt buộc là tăng cường hậu kiểm các cơ sở đào tạo, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ nghiêm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa theo Thông tư số 01/2017/TT-BGTVT ngày 20/01/2017 của Bộ GTVT và Chương trình đào tạo theo Thông tư số 03/2017/TT-BGTVT. Theo đó, cấp phép mở cơ sở phải phù hợp qui hoạch mạng lưới đào tạo, dựa trên nhu cầu thực tế, tránh tình trạng cấp phép tràn lan, dẫn đến cạnh tranh quyết liệt, vượt quá sự kiểm soát của cơ quan chức năng;

- Mạnh dạn triển khai việc tin học hóa trong quản lý thi, cấp giấy CCCM, tiến tới thành lập thí điểm các trung tâm sát hạch thuyền viên để đổi mới công tác sát hạch; 

- Đánh giá và công nhận kết quả thi tuy chỉ là một khâu cuối cùng của quá trình đào tạo song có ý nghĩa quan trọng, có tác động làm thay đổi toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo. Nếu đánh giá chính xác năng lực người học, đảm bảo công bằng, khách quan, giảm thiểu yếu tố tiêu cực (may - rủi hoặc mua - bán) trong kỳ thi thì để tồn tại và phát triển, các cơ sở đào tạo bắt buộc phải tự nghiêm khắc hoàn thiện công tác giảng dạy có chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Người học sẽ phải ý thức trách nhiệm hơn trong học tập, tự giác rèn luyện nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu hành nghề. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước phải quy rõ phạm vi trách nhiệm, chỉ cần tập trung quản lý, giám sát đầu ra, còn quá trình đào tạo có thể phân cấp cho cơ sở, như vậy sẽ giảm bớt áp lực hành chính để tập trung thực hiện chức năng quản lý vĩ mô tốt hơn;

- Rà soát, cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp thực tế phát triển của Ngành, chú trọng yêu cầu phát triển năng lực thực hành nghề, giảm bớt các kiến thức hàn lâm không cần thiết. Dựa trên cơ sở phân tích nghề, phân tích công việc, mỗi chức danh đào tạo cần được lượng hóa năng lực thực hiện, nghĩa là xác định được chuẩn kiến thức và kỹ năng đầu ra một cách cụ thể, từ đó làm căn cứ để xây dựng nội dung chương trình và phân bố thời gian (lý thuyết và thực hành) hợp lý, nâng dần chất lượng các ngân hàng đề thi cũng như cải tiến hình thức thi; cần bảo đảm tính liên thông giữa các cấp hạng đào tạo. Cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ qui định và quản lý chặt chẽ chuẩn đầu ra thông qua việc qui định chương trình khung và kỳ thi sát hạch, còn việc biên soạn giáo trình sẽ phân cấp cho cơ sở đào tạo tự biên soạn;

- Nghiên cứu xây dựng lại mục tiêu đào tạo và tiêu chuẩn tuyển sinh đối với hai hệ đào tạo bổ túc và đào tạo chính qui tập trung để hai hệ không mâu thuẫn nhau; không dễ dãi hạ thấp chất lượng hệ ngắn hạn đồng thời chú trọng phát triển hệ chính quy; đào tạo chính qui không phát triển sẽ hẫng hụt nguồn lực lao động chất lượng cao trong tương lai

Ý kiến của bạn

Bình luận