Đào tạo “có định hướng” để giảm tỷ lệ thất nghiệp

11/06/2017 12:18

Trả lời PV, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chỉ ra một thực tế rằng trong những năm gần đây chúng ta thấy rằng tỷ lệ LĐ tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm LĐ khác.


8-1112
Ảnh minh họa.

Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, trong cơ cấu đào tạo hiện nay thì số lượng đào tạo đại học, cao đẳng cao hơn hẳn so với bậc trung cấp, sơ cấp.

Hiện nay, trong tỷ lệ đào tạo chung, thì 1 người được đào tạo đại học thì chỉ có 0,36% là cao đẳng và 0,68% là trung cấp và 0,86% là sơ cấp.

Phân tích việc cử nhân ra trường thất nghiệp, ông Vinh cho rằng có nguyên nhân từ nhiều phía. Thứ nhất là từ bố mẹ, gia đình hướng con em mình vào học ngành nghề gì. Trước đây, chúng ta vẫn theo quan điểm cho con cái học ngành nghề gì để vào làm nhà nước, sau này được nhàn thân, nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Thứ hai là tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường chưa được tốt và thông tin thị trường LĐ, nhất là việc kết nối cung và cầu thị trường LĐ nhiều người, nhiều học sinh, nhiều gia đình không nắm được các doanh nghiệp họ đang cần loại LĐ nào, trình độ nào để hướng con em mình và học ngành nghề đó.

Và chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

“Việc mà hàng nghìn, hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không có việc làm gây lãng phí cho gia đình, cho xã hội. Tuy nhiên, chúng ta ở đây cũng phải nhìn nhận một thực tế không phải chỉ ở Việt Nam mà nói chung ở nhiều nước trên thế giới, thì sinh viên tốt nghiệp ra vẫn có tỷ lệ nhất định là thất nghiệp.

Không phải tất cả mọi người thất nghiệp ra đều có thể tìm được việc làm đầy đủ, cái đó xuất phát từ nguyên nhân khách quan là có sự không gắn kết giữa cung và cầu LĐ.

Để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp thì chúng ta cần phải có hàng loạt biện pháp và thực sự đây là các biện pháp lâu dài, không thể là một sớm một chiều bởi vì đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của gia đình, của xã hội.

Cái này đòi hỏi thời gian để thay đổi hệ thống hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho các em và các cơ sở giáo dục đào tạo. Quan trọng nhất là cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo” – ông Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, phát biểu trong Hội thảo “Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường LĐ” nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại chính sách cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search đã cảnh báo, việc chuyển dịch LĐ chất lượng cao trong cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ dẫn tới tình trạng cạnh tranh nhân lực chất lượng cao giữa các doanh nghiệp lớn hơn.

Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ chuyên môn chính là một trong những thách thức lớn nhất mà thị trường Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời đại kỹ thuật số. Bên cạnh đó, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), sự “chảy máu” chất xám bắt đầu có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với nguồn nhân sự cấp trung và cấp cao.

Trên cơ sở đó, bà Phương Mai đề xuất với Chính phủ có các quy định để hỗ trợ doanh nghiệp trong các chính sách đào tạo nhân viên cũng như xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch LĐ trong cộng đồng Kinh tế ASEAN và có những định hướng giáo dục và tư vấn tuyển dụng cho các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của thị trường LĐ.

Ý kiến của bạn

Bình luận