Dân "tố" BOT tuyến tránh Biên Hòa “chặn” đường ép xe vào trạm thu phí

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Ý kiến 08/05/2017 06:18

Tiếp tục phản ánh tình trạng mất ATGT trên tuyến đường tránh BOT Tp.Biên Hòa, Đồng Nai, Tạp chí GTVT đã phát hiện nhiều bất cập tại đây.

IMG_5675
Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa được đặt tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Barrier mọc bất thường trong đường nông thôn

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí GTVT, từ lúc trạm thu phí tại Km 1841+912 Quốc lộ 1A (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), thuộc dự án BOT tuyến tránh TP.Biên Hòa do Công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư, chính thức hoạt động thì nhiều người dân sống xung quanh chịu rất nhiều thiệt hại. Phán ánh của người dân cho biết, trạm thu phí đặt tại nơi tập trung đông dân cư ngay trước trung tâm hành chính huyện Trảng Bom. Và khi ô tô đi vào trung tâm tỉnh Đồng Nai hay đến các KCN của huyện Trảng Bom đều phải mua vé qua trạm thu phí này dù không hề đi trên tuyến đường tránh.

Hầu hết các hộ dân sinh sống và kinh doanh dọc hai bên trạm thu phí đều bức xúc cho biết: “Người dân giờ muốn ghé thăm người quen cũng phải mất tiền. Chỉ cần xe qua trạm thì chúng tôi phải trả 35.000 đồng và khi quay về thì phải tiếp tục mua vé. Thậm chí cả hai quãng đường đi chỉ chưa đầy 7km nhưng chúng tôi phải trả 70.000 đồng. Nếu chiếu theo quy định cứ 70km mới có một trạm thu phí thì với số tiền 70.000 đồng đó chúng tôi phải được đi trên quảng đường  dài 140km”.

IMG_2889
Người dân phải trả một khoản phí không hề nhỏ cho trạm này

Trao đổi với chúng tôi, đại diện chủ doanh nghiệp kinh doanh đồ nội thất ở đây cho biết: “Cửa hàng của chúng tôi chỉ cách trạm thu phí chưa đến 200 mét. Thế nhưng mỗi lần giao hàng hóa cho người dân bên kia trạm, xe chúng tôi phải trả 2 lượt phí liên tiếp. Ngoài xe tải, gia đình tôi có xe ô tô để di chuyển và sinh hoạt cá nhân nên mỗi tháng chúng tôi phải trả số tiền 2,1 triệu đồng (vé tháng của mỗi xe là 1.050.000 đồng/xe) cho trạm thu phí này mặc dù chúng tôi không đi một mét đất nào của tuyến đường tránh. Chưa kể những lúc vận chuyển hàng hóa cho khách chúng tôi phải trả vé lượt cho từng loại xe tải. Vì vậy chi phí mà chúng tôi phải trả mỗi tháng có có khi lên đến 10 triệu đồng, nhất là dịp lễ tết”.

Chính vì sự phi lí đó, một số hộ dân sống xung quanh gần trạm thu phí đã chọn việc di chuyển vào các đường nông thôn kế bên trạm để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Thế nhưng không lâu sau đó, người dân ngỡ ngàng khi hai đầu đường D12 hướng từ Đồng Nai về Long Khánh và đường Tây Hòa – Trung Hòa hướng ngược lại xuất hiện 2 thanh chắn  Barrier với mức giới hạn chiều cao là 1,6 mét. Như vậy, việc đặt barrier tại hai con đường này là hết sức phi lí và vi phạm pháp luật khi mà đường chỉ giới hạn tải trọng trên 10 tấn, chứ không hề giới hạn chiều cao.

Và câu chuyện bi hài khi barrier chỉ “mọc” một chiều

Không chỉ đặt hai thanh chắn ở đây, mà điều kỳ lạ hơn nữa là cạnh bên khu vực này còn có “người gác” barrier mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra ở đây là con đường này phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, và họ không hề thuê người hoặc cử người xuống để  “bảo vệ” đường. Thế nhưng không hiểu sao những “người lạ” này lại xuất hiện và làm nhiệm vụ gác cổng, chặn các xe du lịch, xe tải nhẹ đi vào tuyến đường.

IMG_5688
Thanh chắn có chiều cao 1,6m đặt trên đường D12

Và theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ GTVT đã có quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ký ngày 25/12/2014 về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2020 nêu rõ: “Đường giao thông nông thôn (GTNT) bao gồm các tuyến nối tiếp từ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đến tận các làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi… phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế văn hóa xã hội của các địa phương.

Hệ thống đường GTNT nói chung bao gồm 4 cấp kỹ thuật (cấp A, cấp B, cấp C hoặc cấp D). Và đối với tiêu chuẩn “Đường thôn” chủ yếu phục vụ sự đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa trong phạm vi của thôn, làng, ấp, bản. Đồng thời kết nối và lưu thông hàng hóa tới các trang trại, ruộng đồng, nương rẫy, cơ sở sản xuất, chăn nuôi thuộc cấp B và cấp C”.

Và quy định này nêu rõ đối với lai loại cấp kỹ thuật này thì tĩnh không thông xe cấp B là 3,5 mét. Và tĩnh không thông xe cấp C không nhỏ hơn 3,0 mét. Vậy việc đặt Barrier tại hai tuyến đường này có chính xác hay không? Ai là người đã lập hai thanh chắn Barrier này?

Người dân địa phương ở đây cũng xác nhận rằng, việc đặt Barrier ở đây nhằm mục đích “ép” xe của người dân đi vào trạm thu phí. Vì trên thực tế, với giới hạn chiều cao 1,7 mét thì chỉ có ô tô 4 chỗ mới “lọt” qua được thanh chắn này. Còn các phương tiện khác đành bó tay. Và câu chuyện này còn khôi hài ở chi tiết, nếu người dân đi từ Biên Hòa về Trảng Bom, khi đến đường D12 để về nhà thì không thể về vì vướng thanh chắn. Nhưng sau khi qua trạm thu phí và trả tiền cho trạm với giá vé tương ứng loại xe đang đi thì có thể rẻ vào đường để đi theo hướng ngược lại? Tức là thanh chắn này chắn đúng 1 chiều, chỉ cần qua trạm và mua vé thì người dân mới có thể “được đi” trên chính con đường của mình. 

Ý kiến của bạn

Bình luận