Dân Sài Gòn khốn khổ trong biển nước, các dự án chống ngập ở đâu?

Tác giả: Thắng Khang

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 27/11/2018 05:37

Dư luật cho rằng “Ngập nước khiến cuộc sống người dân khốn khổ, thiệt hại kinh tế vậy các dự án chống ngập đầu tư sao không phát huy được hiệu quả”.

IMG_8296
Cơn mưa lớn kéo dài ngày 25/11 khiến hầu hết các tuyến đường trên TP.HCM ngập sâu.

Thời gian gần đây mỗi khi trời mưa hay có đợt triều cường dâng cao là cuộc sống của người dân TP.HCM lại vật lộn, khốn khổ với biển nước cả ngoài đường cho đến khi về nhà. Cơn mưa lớn kéo dài ngày 25/11 do ảnh hưởng bão số 9 đã làm hầu như toàn bộ các tuyến đường ở TP.HCM ngập nặng, có nơi ngập sâu hơn 1m khiến giao thông tê liệt, người đi đường khổ sở dắt xe máy bì bõm, hàng loạt ô tô ngập nước chết máy nằm ngổn ngang trên đường. Nước ngập tràn vào nhà nhiều cửa hàng không thể hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó nhiều năm qua, TP.HCM đã thực hiện hàng loạt các dự án chống ngập, cải thiện môi trường quy mô lớn với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng như: Dự án cải thiện vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc -Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Kênh Tẻ, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ngoài ra còn có nhiều dự án chống ngập nhỏ, chống ngập cục bộ cho các tuyến đường, khu dân cư được triển khai như việc lắp máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đặc biệt là dự án 10 nghìn tỷ đồng chống ngập xét đến biến đổi khí hậu đang triển khai do Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư thế nhưng đến nay ngập vẫn hoàn ngập khiến người dân đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những công trình chống ngập.

IMG_7349
Dự án siêu máy bơm đầu tư tại đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng mưa lớn ngập vẫn hoàn ngập.

Bà Nguyễn Thị Ba ngụ đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình bức xúc nói: “Cơn mưa lớn ngày 25/11 kéo dài nước ùa vào nhà tôi 30 - 40cm, còn ngoài đường ngập sâu cả mét, gia đình tôi phải thuê khách sạn ngủ qua đêm. Biết bao nhiêu dự án chống ngập hàng nghìn tỉ đồng được thành phố đầu tư triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng cứ mưa là ngập khiến cuộc sống của người dân chúng tôi khốn khổ vô cùng. Không biết cần bao nhiêu tiền, triển khai bao nhiêu công trình chống ngập nữa thì người dân mới hết bì bõm lội nước".

Đánh giá về các dự án chống ngập tại TP.HCM, TS Võ Kim Cương, Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết: “Các công trình chống ngập hiện nay của thành phố không có chiến lược rõ ràng, chưa đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả như: Chống ngập bằng việc lắp máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nâng cấp đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), dự án chống ngập 10 nghìn tỷ của Trung Nam giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018, nhưng đến nay lại ngưng thi công do nguồn vốn chưa cấp đủ. Việc chống ngập theo từng tuyến đường như hiện nay là không hợp lý, mà phải xét theo từng lưu vực”.

Có một số khu vực nền đất bị lún so với các thiết kế trước đây, gây ảnh hưởng đến dòng chảy vì vậy các dự án chống ngập có hiệu quả hay không trước tiên phải xem xét lại cấu trúc đường ống hệ thống đã đủ độ dốc chưa. Đồng thời cần chú trọng đến việc quản lý. Công ty thoát nước môi trường đô thị phải có trách nhiệm khảo sát, kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước không nên đỗ lỗi cho những hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây, ông Cương nhấn mạnh.

h1
Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ vẫn đang đắp chiếu do thiếu vốn.

Ông Phạm Sanh, Chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết nguyên nhân khiến TP.HCM ngập trong biển nước là do hệ thống cống thoát nước ở đây vừa thiếu vừa yếu. TP.HCM làm đường nhưng lại không làm cống trước, đây là lỗi từ quy hoạch, từ quản lý đô thị. Bên cạnh đó, một số cống được xây dựng nhưng công tác bảo trì không được thực hiện thường xuyên, khiến tình trạng tồn ứ rác quá nhiều, nước không thoát được. Thành phố cần xem lại từ việc quy hoạch dân cư đến kiểm tra kết cấu hạ tầng và phân cấp quản lý, bảo trì, sửa chữa. Theo đó, việc khôi phục lại các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc cần theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ.

Trước đó tại cuộc họp về kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh 5 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng: “Việc chống ngập phải có nhạc trưởng; phải đồng bộ quy hoạch chứ không phải mạnh ai nấy làm. Như chuyện cốt nền, không thể mỗi nơi làm một kiểu. Công tác quản lý quy hoạch còn bất cập”.

Dư luận cho rằng liệu các dự án chống ngập trên địa bàn đã và đang triển khai có mang lại hiệu quả chống ngập cho người dân Thành phố hay chỉ là những đề xuất “ngốn tiền ngân sách” cho những thí nghiệm hay một bộ phận lợi ích nhóm?

Ý kiến của bạn

Bình luận