Đấm học sinh trong cơn nóng giận, thầy giáo Nhật gây tranh cãi

Ý kiến 25/01/2019 06:46

Hành vi bạo lực bị nhiều người phản đối kịch liệt, nhưng nhóm khác lại thông cảm cho áp lực thầy giáo phải chịu khi học sinh quá vô lễ.

thay-giao-Nhat-2-6492-1548298097
Thầy giáo khiển trách nam sinh 16 tuổi ở hành lang. Ảnh: SCMP

SCMP ngày 23/1 đưa tin, video quay lại cuộc cãi vã giữa một nam sinh và thầy giáo ở Nhật Bản đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Cảnh thầy giáo không thể kiềm chế được cơn nóng giận và đấm ngã nam sinh đã khơi mào cho cuộc tranh cãi sôi nổi về vấn đề bạo lực học đường và áp lực của nhà giáo. 

Video dài hơn một phút được các học sinh trường trung học Machida Sogo ở phía tây Tokyo ghi lại vào ngày 16/1. Ban đầu, thầy giáo và nam sinh 16 tuổi đứng đối mặt và nói chuyện với nhau ở hành lang.

Nam sinh đã bị khiển trách vì đeo một chiếc khuyên tai, trái quy định về trang phục của nhà trường. Trong khi thầy giáo khá bình tĩnh, nam sinh hét vào mặt anh những câu vô lễ: "Dùng bộ não tí hon của ông mà nghĩ đi!", "Ông là tên đần đấy à?".

Tình huống đột ngột thay đổi khi thầy giáo bước một bước về phía trước và đấm nam sinh ngã xuống sàn. Sau đó, anh túm lấy người nam sinh bằng một tay. Thấy thế, nhóm học sinh từ phòng học gần đó chạy đến can thiệp. 

Sau khi bị đánh, nam sinh bầm tím mặt và chảy máu ở miệng. Thầy giáo trong video, người chưa từng có hành vi bạo lực với học sinh, đã phải gửi lời xin lỗi chính thức đến phụ huynh học sinh.

"Tôi đã mất kiểm soát trước những lời lẽ của học sinh và trở nên bạo lực. Tôi rất hối hận về hành động của mình", thầy nói. 

Gia đình nam sinh không bình luận về sự cố. Nhà trường đang xem xét hình thức kỷ luật thích hợp đối với thầy giáo. Cơ quan quản lý giáo dục địa phương và cảnh sát cũng đang thực hiện các bước cần thiết để quyết định có nên đưa ra cáo buộc hình sự hay không. 

Những ngày qua, cộng đồng phân ra hai luồng ý kiến trái chiều. "Thầy giáo sai 100% rồi. Dù học sinh nói gì đi nữa thì anh ta cũng không có quyền tấn công. Nhiệm vụ của giáo viên là tìm cách xoa dịu những tình huống căng thẳng. Anh ta đi quá giới hạn do không có khả năng tự chủ. Anh ta nên chịu tội!", một người bình luận trên Japan Today.

Những người đồng tình với anh nghĩ phương án tốt nhất dành cho thầy giáo là quay lưng bỏ đi, thay vì đẩy mọi thứ đi quá xa bằng bạo lực.

Tuy nhiên, nhiều người khác chỉ trích nam sinh vì không biết tôn sư trọng đạo. Họ biết hành vi của thầy giáo không đúng nhưng có thể thông cảm. Do vậy, một bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu sa thải thầy giáo sau khi đăng lên mạng chỉ kêu gọi được 39 chữ ký trong bốn ngày. 

thay-giao-Nhat-1-4051-1548298097
Không kiềm chế được cơn nóng giận, thầy giáo dùng đến bạo lực. Ảnh: SCMP

Tamaki Terazawa, phát ngôn viên của Liên đoàn Giáo viên Quốc gia cho biết: "Giáo viên không bao giờ nên dùng bạo lực đối với học sinh. Chúng tôi muốn mọi thành viên phải có khả năng giao tiếp với học sinh, luôn kiên nhẫn và tránh mọi cuộc ẩu đả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra có một số tình huống thật sự rất khó kiểm soát. Trong video, rõ ràng thầy giáo đã cố nói chuyện bình tĩnh với nam sinh, nhưng thái độ của em đó cực kỳ tệ". 

Liên đoàn đang kêu gọi bộ trưởng giáo dục và chính quyền địa phương cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, nhằm giúp giải quyết các vấn đề trong lớp học một cách thuận lợi hơn. Hiện giáo viên Nhật Bản phải làm trung bình 80 giờ một tuần, con số cao nhất khi so với các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 

Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, cho biết thực trạng nam sinh trung học gây rối ở trường đang gia tăng, bởi các em ở độ tuổi này muốn "thể hiện" với bạn bè. 

"Khi tôi còn nhỏ, các giáo viên có thể la mắng hoặc tát tai học sinh. Nhưng học sinh ngày nay biết rõ rằng giáo viên không thể động vào mình do phải tuân thủ nhiều nguyên tắc hơn trước. Điều đó khiến các em trở nên ngang bướng hơn", giáo sư nhận định. 

Watanabe tin rằng đó cũng chính là nguyên nhân khiến ngày càng ít giáo viên muốn làm trong môi trường phức tạp như trường trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.

Ý kiến của bạn

Bình luận