Đắk Lắk: Nguy cơ rừng tiếp tục “chảy máu”

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Xã hội 12/12/2017 16:47

Công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng nếu còn những tồn tại, bất cập không được giải quyết kịp thời, thì nguy cơ rừng tiếp tục “chảy máu” là hoàn toàn hiện hữu.

Tại Kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Lắk thứ 5 vừa qua, nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng và việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn từng nhiều lại một lần nữa làm nóng Kỳ họp.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê, vai trò của người đứng đầu, các chủ rừng hiện nay chưa tốt. Rừng vừa giao cho chủ xong đã bị cưa gỗ là có sự tiếp tay của chủ rừng trong các vụ phá rừng. “Tại sao DN không đủ năng lực vẫn nhận quản lý rừng?” - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk đặt nghi vấn.

Đặc biệt, nhiều chủ rừng lợi dụng chính sách để khai thác trắng rừng. Do vậy, UBND tỉnh cần nghiêm túc, cầu thị, rút kinh nghiệm về những tồn tại liên quan. “Cả hệ thống chính trị tỉnh phải chấn chỉnh lại để giữ những mảng xanh còn lại của những cánh rừng trên địa bàn”, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.

Qua kết luận giám sát tại kỳ họp, mặc dù là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp và diện tích rừng lớn nhưng tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp tỉnh Đắc Lắc chiếm giá trị rất thấp trong ngành nông nghiệp, không những không tăng mà rừng đang đứng trước nguy cơ tiếp tục bị suy giảm, chất lượng rừng rất thấp. Đặc biệt, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là rừng tự nhiên tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng tự nhiên liên tục giảm qua các năm… Ngay tại vùng lõi của rừng tự nhiên ở các huyện MD’răk, Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, nhiều diện tích rừng tự nhiên bị chặt hạ tận thu gỗ, trụ tiêu, đốt than, sau đó lấy đất sản xuất. Tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông còn xảy ra tình trạng công ty để người dân phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất, sau đó, lại  phải thuê đất đó để trồng rừng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Y Giang Gry Niê Knơ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Y Giang Gry Niê Knơ giải trình về các nội dung mà đoàn giám sát kết luận

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Mlanh (huyện Ea Súp), trong hơn 10.000 ha rừng nghèo kiệt đang quản lý thì có hơn một nửa diện tích là đất không có rừng, gần một nửa là đất dân lấn chiếm. Hay các dự án dự án nông, lâm nghiệp tại Công ty TNHH Anh Quốc (huyện Ea Súp); HTX Yên Khánh (huyện Buôn Đôn...) triển khai không hiệu quả, đến nay không ai quản lý; rừng thì mất, đất thì người dân lấn chiếm hoặc đem sang nhượng cho DN khác.

Đáng lo ngại là có hiện tượng tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, có nơi đã thừa nhận thông tin về công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng bị lọt ra ngoài, lực lượng kiểm tra chưa đi, lâm tặc đã biết trước để ứng phó. Trên cùng một tuyến đường, diện tích rừng do Vườn Quốc gia Yôk Đôn quản lý thì còn rừng, nhưng bên giao cho các Công ty lâm nghiệp, các dự án thì không còn rừng. Rừng mất, nhưng công tác trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng không đạt chỉ tiêu. Không những vậy, việc tận thu gỗ diễn ra nhiều năm nhưng công tác kiểm soát gần như không phát huy hiệu quả…

Giải trình về các kết luận giám sát tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Y Giang Gry Niê Knơng cho biết: Tỷ trọng của sản xuất lâm nghiệp tỉnh còn thấp là tất yếu vì hơn 90% diện tích rừng của tỉnh thuộc nhóm rừng nghèo kiệt. Việc phát triển rừng trồng, cải tạo rừng khó khăn vì quỹ đất manh mún, hiệu quả trồng rừng thấp so với các cây trồng khác… Rừng tự nhiên suy giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế chính sách hiện nay không rõ ràng; nguồn lực đầu tư thấp, áp lực phụ thuộc vào rừng lớn và tổ chức thực hiện còn nhiều tồn tại…

Đối với nội dung kết luận “Trách nhiệm của lực lượng quản lý bảo vệ rừng chưa cao, còn buông lỏng quản lý; công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng chưa hiệu quả”, ông Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, quá trình xử lý xuất hiện nhiều vướng mắc, do quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chưa rõ ràng, cụ thể về chế tài xử lý nên chủ yếu mới chỉ xử lý hành chính…

Về trách nhiệm của các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho rằng: Chức năng quyền hạn của các lực lượng này còn hạn chế, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại ở xa, trong khi đối tượng xâm hại rừng lại vô cùng manh động. Tổ chức lực lượng kiểm lâm còn mỏng, chức năng, quyền hạn chưa tương xứng với nhiệm vụ nặng nề được giao… “những yếu tố này dẫn đến việc lực lượng kiểm lâm đang bị vô hiệu hóa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giải thích.

Các đại biểu trao đổi tại Kỳ họp
Các đại biểu trao đổi tại Kỳ họp

Không thỏa mãn với phần giải trình của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Bùi Văn Bang (tổ đại biểu huyện Krông Bông) cho rằng, các nguyên nhân được đưa ra chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và đại biểu. Với trách nhiệm của mình, UBND tỉnh chưa xác định được các giải pháp xử lý các dự án nông, lâm nghiệp không hiệu quả; nâng cao chất lượng quản lý thu gom gỗ; xử lý tình trạng vi phạm lâm luật...  Còn đại biểu Trần Tuấn Anh (tổ đại biểu Cư Kuin) thì đề nghị, trước tinh thần tích cực, thẳng thắn của HĐND, UBND tỉnh nên tiếp thu, làm rõ hơn nữa các vấn đề đoàn giám sát đã nêu, không nên bao biện, thanh minh.  

Kết luận phiên giám sát chuyên đề, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê thẳng thắn đánh giá, công tác bảo vệ và phát triển rừng từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh là thực sự không tốt. Tuy nhiên, về khách quan, cũng phải nhìn nhận rằng, do đặc điểm của rừng trên địa bàn thường gắn với đất bazan nên nhiều vụ phá rừng không chỉ để lấy gỗ mà còn lấy đất. Hơn nữa, lực lượng kiểm lâm của tỉnh còn rất mỏng, hiện 1 kiểm lâm viên phải phụ trách hơn 1000ha rừng. Một nguyên nhân nữa là những bất cập về cơ chế chính sách và nguồn lực cho công tác bảo vệ phát triển rừng còn thấp. “Tuy nhiên, không thể vin vào chính sách để làm giải thích cho thực trạng mất rừng. Bởi, cũng những chính sách này nhưng nhiều tỉnh khác quản lý rừng rất tốt”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận