Đại học dân lập và cao đẳng lo không tuyển được sinh viên

12/07/2017 15:18

Đại diện nhiều trường đại học dân lập và cao đẳng cho biết họ gặp khó khăn về nguồn tuyển. Nhiều trường lo không tuyển đủ sinh viên.


thi_sinh_thumb

Với mặt bằng điểm thi cao, cánh cổng vào các trường đại học công lập rộng mở, nhiều trường đại học dân lập, cao đẳng đứng trước nguy cơ "sống mòn".

Thí sinh không mặn mà với đại học dân lập

Theo ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Đại học Lạc Hồng, năm nay, tỷ lệ đậu đại học của thí sinh tăng. Đó là điều đáng mừng với sĩ tử nhưng là nỗi lo của các trường top dưới và ngoài công lập.

"Nhiều ngành của ĐH Lạc Hồng có điểm trúng tuyển chỉ ngang hoặc nhỉnh hơn điểm sàn một chút. Nếu điểm sàn năm nay tăng, điểm chuẩn vào trường cũng sẽ tăng. Vấn đề đáng lo là trường top trên và giữa sẽ tuyển hết thí sinh. Vài năm nay, nguồn tuyển của các trường top dưới và đại học dân lập đã rất khó khăn, nay lại càng khó hơn", ông Hiển thông tin.

Chia sẻ nỗi lo với ĐH Lạc Hồng, ông Nguyễn Bá Anh, Trưởng phòng Truyền thông, ĐH Nguyễn Tất Thành, lo lắng nói nhiều khả năng trường không tuyển được đủ chi tiêu.

“Năm ngoái, chúng tôi không tuyển đủ chỉ tiêu dự kiến. Năm nay, chỉ tiêu của trường là gần 1.000 thí sinh. Số hồ sơ nộp vào trường nhiều nhưng tỷ lệ ảo lớn”, ông Anh cho hay.

Ông Anh cho rằng bên cạnh việc cánh cổng của các trường đại học ngày càng rộng mở, tâm lý của phụ huynh và thí sinh vẫn chuộng các trường công lập. Đa số hồ sơ nộp vào trường đều nằm ở những nguyện vọng 3 và 4, nghĩa là không được ưu tiên bằng các trường công lập.

Trong khi đó, các trường đại học công lập đều áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nhằm thu hút thí sinh. Điều đó đồng nghĩa việc trường dân lập gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh tuyển sinh viên.

Các trường cao đẳng 'ngồi trên lửa'

Năm 2016, các trường cao đẳng chứng kiến một mùa tuyển sinh thất bát, khi rất nhiều trường không tuyển đủ thí sinh.

2017-2018 là năm đầu tiên Chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý đối với các trường cao đẳng, trung cấp (trừ khối ngành sư phạm). Với nhiều sự thay đổi, các trường cao đẳng, trung cấp đang đứng trước mùa tuyển sinh được dự báo sẽ rất ảm đạm.

Bà Phạm Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.HCM, cho biết các trường cao đẳng như "ngồi trên lửa" vì nguy cơ không tuyển được người học.

Theo bà Vân, mùa tuyển sinh năm nay, các trường cao đẳng không được tiếp cận thí sinh như những năm trước. Bằng chứng là trên phiếu đăng ký nguyện vọng thí sinh không thể điền nguyện vọng vào các trường cao đẳng (trừ khối ngành sư phạm).

Hơn nữa, khâu tuyên truyền, thông tin tuyển sinh của các trường cao đẳng vừa chậm, lại mờ nhạt khiến các trường cao đẳng “mất điểm” trong mắt thí sinh.

“Chiếc bánh đã nhỏ lại phải chia ra nhiều phần thì chắc chắn trường cao đẳng sẽ chịu thiệt. Không tuyển được thí sinh, trường cao đẳng rất khó duy trì hoạt động”, bà Vân nêu thực tế.

Cùng quan điểm với bà Vân, ông Hoàng Hoài Nam, Hiệu trưởng Cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết các trường cao đẳng hoàn toàn bị động trong mùa tuyển sinh năm nay.

Ông Nam cho rằng ngoài những khó khăn về mặt thay đổi cơ chế quản lý dẫn đến sự lúng túng trong khâu tuyển sinh của các trường, tâm lý của người học cũng là vấn đề nan giải.

“Đến nay, tâm lý chung của xã hội vẫn chuộng bằng cấp. Chỉ khi không xét được đại học, thí sinh và phụ huynh mới nghĩ đến cao đẳng. Năm nay, thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng, như thế xác suất trúng tuyển ngay từ nguyện vọng một rất lớn.

Hơn nữa, công tác phân tầng, định hướng ngành nghề, công tác tuyên truyền về các ngành nghề mũi nhọn vẫn chưa được thực hiện tốt khiến các trường cao đẳng thất thế trong cuộc đua thu hút thí sinh”, ông Nam phân tích.

Với những khó khăn nêu trên, bà Phạm Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.HCM, đề nghị giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên có sự chia sẻ dữ liệu với nhau để các trường cao đẳng được tiếp cận thí sinh.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề Chính quy (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: "Năm nay, áp lực tuyển sinh đối với các trường cao đẳng rất lớn. Các trường cần sẵn sàng đối mặt trường hợp không tuyển được thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc chọn cho mình ngã rẽ phù hợp khi xã hội đang rất cần nguồn nhân lực lành nghề".

Ý kiến của bạn

Bình luận