Đà Nẵng: Không để thủ phủ du lịch “ngủ sớm”

Tác giả: Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Xã hội 18/12/2019 04:31

TP Đà Nẵng đã giao các sở ban ngành nghiên cứu. đánh thức tiềm năng kinh tế ban đêm. Theo đó, Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều dịch vụ giải trí, vui chơi.


21 giờ phố đã tắt đèn

Dạo quanh các tuyến phố chính ở trung tâm TP Đà Nẵng như đường Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… hay khu phố Tây An Thượng ở quận Ngũ Hành Sơn sẽ dễ dàng thấy hơn 21 giờ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã rục rịch đóng cửa. Chị Nguyễn Ngọc Trâm, du khách từ TP HCM cho biết chị đã đi du lịch nhiều thành phố nổi tiếng như Seol (Hàn Quốc), Mumbai (Ấn Độ) hay Tokyo (Nhật Bản)…. Theo chị Trâm những thành phố trên thu hút du khách một phần bởi đó là những thành phố không ngủ. “Các dịch vụ du lịch giải trí khép kín, phố sá sáng đèn,… thu hút du khách đến tận đêm khuya” – chị Trâm nói. Theo chị Trâm, khi đến với Đà Nẵng, chị và nhiều du khách cảm thấy bất ngờ vì dù là địa danh du lịch khá nổi tiếng nhưng lại “đi ngủ quá sớm”. Một số địa danh nổi tiếng ở Đà Nẵng như Khu du lịch Bà Nà, Núi Thần Tài hay danh thắng Ngũ Hành Sơn… hầu hết phục vụ du khách vào ban ngày.

Cho dme Son Tra
Du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà

Không chỉ thế, dù hình thành chợ đêm như chợ đêm Sơn Trà, Thanh Khê hay phố thời trang Lê Duẩn, phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng… nhưng các dịch vụ, cửa hàng bên trong đó vẫn đóng cửa từ sớm. “Khách muốn đi chơi, đi mua sắm hay thậm chí đi uống bia, cà phê… ở Đà Nẵng vào buổi tối hay sau 21 giờ cũng e dè. Bởi vì có nhiều chỗ mở khá khuya nhưng lại lẻ tẻ, không có sự kết nối giữa các dịch vụ. Thành ra du khách không mặn mà. Nếu muốn thực sự thu hút khách thì phải hình thành những khu dịch vụ về đêm, để khi tới đó du khách có thể tham gia nhiều loại hình khác nhau” – Anh Trần Văn Thành, du khách Hà Nội bày tỏ.

Đánh thức du lịch đêm

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành nghiên cứu, đề xuất phát triển các loại hình du lịch ban đêm để vực dậy tiềm năng kinh tế này. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Văn hóa – Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, UBND các quận Hải Châu, Sơn Trà và các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP về việc cho phép thí điểm dịch vụ vui chơi giải trí (karaoke, bar, club, café, nhà hàng, dịch vụ mua sắm, spa massage…) hoạt động đến giờ sáng. Khu vực thí điểm các dịch vụ vui chơi giải trí này là các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo ở hai bên bờ sông Hàn; khu phố du lịch An Thượng; tuyến biển Trường Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa, Nguyễn Tất Thành; khu vực ven sông phía Đông đường 2/9 (từ Công viên APEC đến cầu Trần Thị Lý).

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, Sở Du lịch hiện đang lên kế hoạch để trình UBND TP về các phương án “đánh thức du lịch đêm”. Cụ thể, nhiều tuyến phố sẽ được tăng thời gian phục vụ du khách từ 21 giờ đến 24 giờ hằng ngày; tàu thuyền du lịch trên sông Hàn cũng sẽ được nghiên cứu giãn thời gian phục vụ đến 24 giờ. Ngoài ra, hàng loạt các tuyến phố có dịch vụ kinh doanh du lịch như các vũ trường, quán bar…cũng sẽ được nghiên cứu để cho phép giãn thời gian phục vụ.

Bên cạnh đó UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Du lịch nghiên cứu đầu tư bãi tắm biển đạt tiêu chuẩn quốc tế kết hợp dịch vụ giải trí 24/7 tại bãi biển Võ Nguyên Giáp (đoạn từ đường Ngô Thì Sĩ đến đường Nguyễn Văn Thoại) với các loại hình: bar, DJ, sân khấu dân vũ, giải khát, ẩm thực kết hợp nhạc disco, flamenco, âm nhạc đường phố, teambuilding, ánh sáng nghệ thuật…

Sở Công thương được giao nghiên cứu, xây dựng chương trình kích cầu “Tuần lễ mua sắm về đêm tại Đà Nẵng”; vận động, khuyến khích các cơ sở mua sắm, trung tâm thương mại hoạt động đến 0 giờ. UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở GTVT nghiên cứu, tham mưu UBND TP về việc tổ chức cầu Rồng phun lửa, phun nước lúc 21 giờ và cầu Sông Hàn quay lúc giờ hàng đêm, cũng như cho phép tàu du lịch thủy nội địa được hoạt động đến 0 giờ.

Mới đây, trong phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh vai trò của kinh tế đêm trong sự phát triển kinh tế nói chung của đất nước. Theo Thủ tướng, khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay ít nhất là 18 triệu lượt và phần lớn là trái múi giờ. “Khi chúng ta đi ngủ, khách du lịch bắt đầu đi chơi. Như vậy, chúng ta không có thời cơ để mà phục vụ, cung cấp những hiểu biết về văn hóa ẩm thực, khai thác các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh ở Việt Nam. Chính vì vậy, có thể thấy, kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển tốt kinh tế ban đêm để thực hiện câu trả lời Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về vấn đề cần làm gì để du khách đến đông hơn? Làm gì để du khách ở lâu hơn? Làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để du khách kể về những trải nghiệm thú vị ở Việt Nam? Nhất là về ban đêm, làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?

Theo Thủ tướng, kinh tế ban đêm cũng có mặt trái và đề nghị các ngành phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra. “Hiện nay, TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng một hướng kinh tế mới, kinh tế ban đêm tốt hơn và tổ chức đa dạng, phù hợp và quản lý tốt hơn để tránh những mặt tiêu cực có thể. Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này" – Thủ tướng bày tỏ.

Ý kiến của bạn

Bình luận