Cựu CEO Nissan 'dễ dàng tẩu thoát' nhờ quan hệ và tiềm lực tài chính

Doanh nghiệp 07/01/2020 18:06

Các công tố viên Nhật Bản cho rằng lẽ ra Carlos Ghosn phải bị giam giữ trong tù nghiêm ngặt hơn, bởi ông Carlos Ghosn có mối quan hệ rất rộng và sức mạnh tài chính ở nhiều nước.

500
Các phóng viên tác nghiệp bên ngoài nơi ở tại Nhật Bản của Carlos Ghosn. Ảnh: Getty.500

 Trong phát ngôn đầu tiên kể từ khi cựu giám đốc Nissan có màn trốn thoát ngoạn mục khỏi Nhật Bản đến Lebanon, các công tố viên Nhật Bản cho rằng chuyến bay mang theo Carlos chứng minh là hệ quả của quyết định cho phép tại ngoại hứng chịu loạt chỉ trích trước đó. Ghosn không bị giam giữ mà chỉ bị cấm di chuyển khỏi nhà riêng trong phần lớn thời gian kể từ khi bị bắt năm 2018 vì tội những vi phạm tài chính của mình.

“Bị cáo Ghosn có thừa tiềm năng tài chính và nhiều mối quan hệ ở nước ngoài. Việc ông ta bỏ trốn thật dễ dàng”, theo tuyên bố của các công tố viên.

Cựu lãnh đạo Nissan vốn là người có “ảnh hưởng đáng kể” ở Nhật Bản và trên thế giới, do đó nguy cơ hiển hiện là Ghosn có thể phá hủy các bằng chứng liên quan đến các vụ điều tra nhằm vào mình, tuyên bố cho biết thêm.

Vụ tẩu thoát của Ghosn gây ra cú địa chấn với giới tài chính thế giới, đồng thời đặt ra vấn đề về hoạt động của hệ thống tư pháp Nhật Bản. Chính quyền nước này đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì quy định cho phép giam giữ các nghi phạm gần như vô thời hạn trước khi đưa ra xét xử công khai.

Trước đó việc Ghosn đã hai lần trả tiền bảo lãnh tại ngoại đã gây ra nhiều tranh cãi. Ghosn đã thuyết phục tòa án rằng mình không phải là đối tượng rủi ro và có ý định bỏ trốn.

Tuy nhiên, phía các công tố viên lập luận rằng kéo dài thời gian giam giữ nghi phạm là cần thiết để thực hiện đầy việc điều tra hành vi phạm tội, và đặc biệt là trong trường hợp tòa án vẫn chưa đầy đủ cơ sở để buộc tội một ai đó. Việc xét xử cần phải được thực hiện công bằng, và phải có bằng chứng hợp lý để kết luận đối tượng phạm tội.

Do đó, các công tố viên Nhật Bản hôm 5/1 cho rằng: “Việc kéo dài thời gian với bị cáo Ghosn là điều cần thiết và không thể tránh khỏi để thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng hình sự công bằng và phù hợp”.

Tuy nhiên, The Guardian cho rằng hành động ngang nhiên bỏ trốn khỏi Nhật Bản của ông Ghosn cho thấy thái độ phớt lờ hệ thống pháp luật nước này. Công tố viên cho rằng điều đó đã cấu thành một hành vi phạm tội.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Masako Mori hôm 5/1 trong một tuyên bố cho biết sẽ quyết tâm điều tra kỹ lưỡng ngọn nguồn vụ việc tẩu thoát bất hợp pháp của Ghosn. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Nhật cho biết không hề có một biên bản chính thức nào báo cáo lại việc Ghosn đã rời khỏi Nhật Bản.

“Hệ thống tư pháp hình sự của chúng tôi thiết lập các quy trình thích hợp để điều tra các vụ án, đồng thời đảm bảo các quyền cơ bản của con người. Chuyến bay của một bị cáo trong thời gian tại ngoại là không thể thực hiện được”, bà Mori nói.

“Thực sự là chúng tôi không có hồ sơ nào ghi lại việc bị cáo Ghosn đã rời Nhật Bản. Người ta tin rằng ông ta đã sử dụng một số phương pháp phi pháp để rời khỏi đất nước này. Thật đáng tiếc khi sự việc này đã xảy ra”, Bộ trưởng Tư pháp nói thêm.

Bà cũng nói rằng hành vi này của Ghosn là không thể được biện minh và tòa án Nhật Bản đã thu hồi toàn bộ số tiền bảo lãnh 4,5 triệu USD.

Ghosn chính thức trở thành kẻ chạy trốn quốc tế sau khi bất ngờ trốn khỏi nhà riêng ở Nhật Bản sang Lebanon. Tại Nhật, cựu chủ tịch liên doanh các hãng sản xuất ôtô Renault, Nissan Motor và Mitsubishi Motors đang bị điều tra các cáo buộc vi phạm tài chính, che giấu thu nhập cá nhân nhưng được tại ngoại. Trước đó, ông Ghosn luôn phủ nhận mọi hành vi vi phạm.

Vụ tẩu thoát của ông Ghosn vẫn chưa được tiết lộ chi tiết nhưng đã có nhiều đồn đoán xung quanh. Hãng máy bay tư nhân được sử dụng để đưa anh ta từ Osaka đến Istanbul và sau đó tới Beirut cho biết họ đã bị lừa trong việc sắp xếp các chuyến bay.

Ý kiến của bạn

Bình luận